Cho Cá Tra Ăn Gián Đoạn Để Giảm Chi Phí
Cá tra Việt Nam vừa tăng lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng thủy sản yêu thích tại Mỹ nhưng người nuôi cá chưa hết lao đao. Phương pháp cho ăn gián đoạn đang được khuyến cáo để giúp người nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn này...
Nông dân “thả nuôi cầm ao”
Theo ông Trần Văn Lĩnh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thuận Phước, dù lượng xuất khẩu mặt hàng thủy sản 9 tháng đầu năm đạt mức 4,5 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ nhưng giá xuất khẩu liên tục giảm khiến lợi nhuận của DN cũng giảm theo. Ngoài ra, tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến khiến nhiều DN phải hoạt động cầm chừng hoặc phá sản. “Nếu như trước đây, mỗi ngày Thuận Phước có thể thu mua được từ 50 – 70 tấn nguyên liệu thì nay số lượng này chỉ còn 5 – 7 tấn/ngày” - ông Lĩnh cho biết.
Trong khi đó, tại ĐBSCL, ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm HTX Thới An (quận Ô Môn, Cần Thơ) cũng cho biết, dù nguồn nguyên liệu trong nước thiếu hụt trầm trọng nhưng người nuôi cá nhiều nơi vẫn phải chịu cảnh treo ao do hết vốn, giá thức ăn thủy sản tăng, giá cá nguyên liệu thấp, dẫn tới thua lỗ triền miên. “Tại HTX Thới An, sản lượng cá hiện cũng chỉ còn khoảng 2.000 tấn, giảm hơn một nửa so với hồi đầu năm” - ông Hải cho biết.
Tình trạng treo ao cũng diễn ra tại các vùng nguyên liệu của nhiều DN. Diện tích thả nuôi của một số DN vốn rất sầm uất trước đây giờ cũng chỉ “thả nuôi cầm ao” như lời ông Trần Văn Lĩnh – Công ty Thuận Phước.
Đẩy mạnh phương pháp giảm giá thành
Trước tình trạng nghề nuôi cá tra chết dần tại ĐBSCL, nhiều biện pháp giảm giá thành sản xuất đã được bà con áp dụng thành công nhằm duy trì hoạt động nuôi cá.
“Hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR) trong các mô hình nuôi cá tra hiện nay dao động từ 1,6 - 1,85, chi phí thức ăn cũng chiếm từ 70 – 80,5% trong cơ cấu giá thành sản xuất. Nếu người nuôi thực hiện một ngày cho cá ăn, một ngày nghỉ sẽ vừa tiết kiệm thức ăn mà cá vẫn tăng trưởng tốt” - ông Hải giới thiệu. Theo ông Hải, lượng thức ăn cá ăn trong một ngày sẽ không tiêu thụ, hấp thu hết. Nếu tiếp tục thả thức ăn xuống hồ, cá sẽ thải ra ngoài lượng thức ăn cũ trong ruột để hấp thu lượng thức ăn mới, dẫn tới lãng phí. Với phương pháp này, hệ số tiêu tốn thức ăn giảm còn 1,45 - 1,5 kg thức ăn/kg cá.
Hay tại Vĩnh Long, Ths Nguyễn Thị Thu Hồng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long cho biết, phương pháp cho cá ăn 7 ngày rồi ngừng 2 ngày đang được nhiều bà con tại đây áp dụng cũng giúp hạn chế lượng lớn thức ăn trong nuôi cá tra.
“Sau 7 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống của ao cho ăn liên tục là 66,2% và ao cho ăn 7 ngày ngừng 2 ngày là 74,23%. Chi phí sử dụng thuốc và hóa chất ở phương pháp mới này cũng giảm đáng kể” - Ths Hồng giải thích.
“Gần 50% số diện tích nuôi cá tra tại Vĩnh Long hiện đã áp dụng phương pháp nuôi cá cho ăn gián đoạn này và cho kết quả rất tốt” - Ths Hồng phấn khởi.
“Cá nuôi theo phương pháp cho ăn 7 ngày rồi ngừng 2 ngày đạt mức tăng trưởng 749 g/con và tăng trọng 3,68 g/con/ngày, đây cũng là tốc độ tăng trưởng, tăng trọng lớn vượt bậc so với phương pháp nuôi truyền thống” - Ths Nguyễn Thị Thu Hồng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao