Mô hình kinh tế Chọn Nuôi Tôm Thẻ Hay Tôm Sú

Chọn Nuôi Tôm Thẻ Hay Tôm Sú

Publish date Monday. September 9th, 2013

Cảnh báo của các nhà khoa học, doanh nghiệp về mối nguy hại của con tôm thẻ chân trắng (TTCT), cũng như lợi thế của con tôm sú, đã chứng minh vai trò, tầm quan trọng của con tôm sú đối với sự phát triển của nghề nuôi và xuất khẩu thủy sản. Do vậy, vấn đề đặt ra là Bạc Liêu làm gì để phát huy thế mạnh này và giúp con tôm sú không ngừng nâng cao giá trị.

Quản lý không nổi!?

Việc nhiều nông dân ở vùng sản xuất Bắc Quốc lộ 1A đua nhau nuôi TTCT có một phần trách nhiệm của các địa phương. Tình trạng này xảy ra rầm rộ từ năm 2012, và Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương không cho phát triển TTCT ở vùng này. Đồng thời yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát TTCT mà nông dân đã lỡ nuôi. Tuy nhiên, diện tích nuôi TTCT năm 2013 ở nhiều địa phương không giảm mà còn tăng cao hơn năm trước gấp 3 - 4 lần.

Ông Trần Minh Lý, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, thừa nhận: “Đến nay, huyện Hồng Dân vẫn chưa nắm được chính xác tổng diện tích nuôi TTCT ở huyện, bởi người dân thả nuôi nhưng không khai báo. Theo con số thống kê được, hiện nay, có khoảng 350 hộ nuôi TTCT với diện tích gần 400ha”.

Việc nuôi TTCT tự phát khiến nhiều địa phương đau đầu, và khi phát hiện cũng không có cơ sở để xử lý. Lý do là ngành chức năng chỉ khuyến cáo không nên nuôi TTCT, còn muốn cấm nuôi TTCT hay xử lý người thì phải có quy hoạch, vùng nuôi cụ thể. Do vậy, nhiều nơi, nông dân thả nuôi TTCT chung với con tôm sú, hoặc nuôi TTCT ngay vùng chuyên canh tôm sú. Đây là nguyên nhân cơ bản làm cho con tôm sú bị TTCT lấn át và đứng trước nguy cơ về dịch bệnh do TTCT gây ra.

Chọn quy hoạch làm khâu đột phá

Theo ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: “Bạc Liêu là một trong những tỉnh nuôi tôm chủ lực của khu vực ĐBSCL. Song, đến nay, vẫn không có quy hoạch”. Rõ ràng, đây là thách thức lớn và kéo theo nhiều hệ lụy làm cho nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh chưa được phát huy, luôn sản xuất theo kiểu bị động, hoặc như đánh bạc “5 ăn, 5 thua”. Vì vậy, một trong những giải pháp chiến lược để con tôm Bạc Liêu phát triển bền vững là cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch tổng thể cho phát triển con tôm sú nói chung và những nơi có điều kiện nuôi TTCT nói riêng. Bởi quy hoạch được ví như cái “móng” vững chắc để xây lên những căn nhà kiên cố. Đó là cần quy hoạch khu sản xuất tôm giống, vùng nuôi tôm sú, nuôi TTCT và cả nhà máy chế biến gắn với các vùng nuôi tôm…

Quy hoạch chính là cái “gốc” của hàng loạt vấn đề liên quan đến nuôi tôm bền vững như: quản lý dịch bệnh, điều chỉnh cơ cấu sản xuất, cân đối sản lượng phù hợp nhu cầu thị trường, điều kiện đặc thù của từng địa phương… Đơn cử như trong sản xuất con giống, Bạc Liêu hiện có hơn 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản. Tuy nhiên, nhiều cơ sở không sản xuất giống mà chỉ mượn danh nghĩa để nhập tôm giống giá rẻ từ bên ngoài vào cung cho thị trường và thường trốn tránh kiểm dịch (vì con giống bị nhiễm bệnh). Trong khi đó, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hội chứng tôm chết sớm (EMS) hàng loạt trong thời gian qua được các nhà khoa học chỉ ra chính là do chất lượng con giống kém.

Không có quy hoạch cũng dẫn đến nạn mạnh ai nấy làm, không tuân thủ khuyến cáo, lịch thời vụ… Từ đó, dẫn đến hậu quả là người nuôi tôm luôn phải đối đầu với dịch bệnh, thị trường tiêu thụ và không thể sản xuất lượng hàng hóa lớn. Những bất cập ấy đang diễn ra hàng ngày trên vùng Nam Quốc lộ 1A. Mặt khác, nhà máy chế biến thủy sản thì mọc lên ngày càng nhiều, để rồi tranh nhau mua từng ký tôm nguyên liệu và vô tư xả thải xuống các sông rạch. Trong khi đó, khu công nghiệp Trà Kha được xây dựng hẳn hoi, mời gọi mãi nhưng chẳng ai chịu vô!?

Quy hoạch còn liên quan trực tiếp đến thu hút đầu tư và cả truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc ở các nước nhập khẩu để giúp con tôm Bạc Liêu nâng cao giá trị. Đồng thời, cũng là giải pháp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tập trung sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng mang lại lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với xuất khẩu thô. Qua đó, góp phần sử dụng nguồn nguyên liệu chế biến một cách có hiệu quả, làm giảm áp lực tranh mua nguồn nguyên liệu phục vụ sơ chế. Đây chính là điều kiện để xây dựng thương hiệu cho con tôm xuất khẩu Bạc Liêu.

Phải giữ những mô hình nuôi tôm bền vững

Ngoài việc quy hoạch, phải kiên quyết giữ những mô hình nuôi tôm bền vững. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, khẳng định: “Thực tế đã chứng minh, mô hình tôm - lúa, tôm - rừng, tôm quảng canh là những mô hình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Vậy thì không có lý do gì lại thay đổi mô hình này để đi nuôi TTCT”.

Muốn vậy, cùng với nỗ lực của ngành Nông nghiệp, các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền để nông dân không mắc phải những sai lầm lâu nay thường gặp. Đó là sản xuất hàng hóa theo kiểu “giải khát” và luôn phải đối mặt với nạn “hết trồng lại chặt”, hoặc bỏ nuôi con tôm để trồng cây lúa hay ngược lại.

Hơn 10 năm chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, nông dân Bạc Liêu không chỉ tốn hàng ngàn tỷ đồng cho con tôm, mà còn phải đánh đổi rất nhiều thứ mới xây dựng nên những mô hình sản xuất bền vững, khẳng định vị thế hàng đầu của con tôm sú. Vì lẽ đó, không thể vì khó khăn, nóng vội nhất thời mà phủi sạch những thành quả phải tốn bao mồ hôi, nước mắt đã đổ cho con tôm sú. Chọn nuôi TTCT hay tôm sú? Điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào hành động và ý thức từ mỗi người dân.

Không phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Bắc Quốc lộ 1A dưới mọi hình thức

Trước thực trạng nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) tràn lan ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A như hiện nay, ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình nuôi TTCT và tổng hợp, báo cáo kịp thời về Sở theo quy định. Đối với người dân, phải cam kết quản lý chặt chẽ diện tích nuôi, không phát tán TTCT ra bên ngoài; phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y tỉnh trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh TTCT.

Những tháng còn lại của năm 2013, cần duy trì, phát triển nuôi tôm sú ở các mô hình sinh thái như: tôm - lúa, tôm - rừng, quảng canh cải tiến kết hợp. Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT cần tiếp tục phối hợp với địa phương trong việc theo dõi, kiểm tra tình hình thả nuôi TTCT xen tôm sú dưới hình thức nuôi quảng canh cải tiến kết hợp.

Đặc biệt, không nhân rộng, phát triển nuôi TTCT tại các địa bàn xã, thị trấn thuộc vùng Bắc Quốc lộ 1A, vì sẽ gây mất cân bằng sinh thái. Chỉ cho phép nuôi TTCT ở những nơi có điều kiện, đảm bảo các tiêu chí quy định theo Thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT về quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi... Và chỉ cho phép nuôi TTCT theo hình thức thâm canh có quản lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và được đầu tư hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng.


Related news

vo-beo-cho-bo Vỗ Béo Cho Bò can-trong-trong-nuoi-tom Cẩn Trọng Trong Nuôi Tôm