Mô hình kinh tế Chủ Động Nguồn Nguyên Liệu Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi

Chủ Động Nguồn Nguyên Liệu Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi

Publish date Saturday. August 31st, 2013

Có thế mạnh trong xuất khẩu nông sản, song nhiều năm qua, ngành chăn nuôi nước ta lại luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi... Ðây là một nghịch lý, khiến giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong nước liên tục biến động, gây bất lợi cho người chăn nuôi. Bởi thế, việc chủ động sản xuất TĂCN từ nguyên liệu trong nước là giải pháp hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh.

Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, người chăn nuôi "thiệt đơn, thiệt kép"

Trong thời gian qua, ngành chăn nuôi nước ta luôn phải đối mặt với những thách thức khi giá bán sản phẩm giảm thấp, còn giá thành sản xuất luôn đứng ở mức cao. Ở rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, người chăn nuôi đã buộc phải "treo" chuồng do thua lỗ.

Nguyên nhân chính là do giá thức ăn chăn nuôi trong nước luôn cao (chiếm tới 65 đến 70% cơ cấu giá thành sản phẩm). Theo Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam Lê Bá Lịch, năm 2012, để đạt sản lượng hơn 12,7 triệu tấn thức ăn công nghiệp cho gia súc, gia cầm và 2,8 triệu tấn thức ăn cho nuôi trồng thủy sản, các doanh nghiệp đã phải nhập khẩu tới tám triệu tấn nguyên liệu, trị giá hơn ba tỷ USD.

Trong đó, các loại nguyên liệu giàu năng lượng như ngô, cám, lúa mì thiếu (khoảng 30 đến 40%), thức ăn giàu đạm như đỗ tương, bột xương thịt, bột cá (khoảng 70 đến 80%), riêng các loại khoáng chất, vi lượng, phụ gia thì phải nhập khẩu 100%. Bởi thế, khi thị trường TĂCN thế giới biến động về cung và cầu, ngay lập tức ảnh hưởng tới thị trường trong nước. Việc phải nhập khẩu nguyên liệu TĂCN đồng nghĩa với việc người chăn nuôi phải gánh thêm chi phí về vận chuyển, kiểm định, thuế, rủi ro khi thức ăn không đạt chuẩn. Về vấn đề này, Giám đốc nhà máy TĂCN Lạc Hồng (Hưng Yên) Hoàng Dương Hải chia sẻ:

Do đặc thù nguyên liệu của ngành chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài nên khi hàng về tới cảng cũng chịu sự kiểm soát ngặt nghèo của các cơ quan hải quan, thú y, bảo vệ thực vật... khiến cho các doanh nghiệp khi tính giá thành sản phẩm buộc phải tăng thêm các chi phí: lưu kho, lưu bãi... khiến sản phẩm khi đến tay người chăn nuôi đã "đội" lên. So với các nước trong khu vực, giá TĂCN ở nước ta luôn cao hơn (khoảng 15 đến 20%), dẫn đến các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam khó cạnh tranh.

Nước ta có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá lớn, trong đó phần lớn diện tích dùng để trồng ngô và các loại hoa màu có thể làm nguyên liệu để sản xuất TĂCN, thế nhưng hằng năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu, ngô, sắn, cỏ khô... cho dù số lượng thu hoạch từ ngô, sắn là rất nhiều. Nguyên nhân là vì chất lượng nguyên liệu không đạt chuẩn do quá trình thu hoạch và bảo quản của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Chưa kể tới việc người nông dân khi bán nông sản cho các công ty liên doanh chế biến TĂCN với giá rẻ để rồi khi nó thành sản phẩm lại phải mua rất đắt từ chính các công ty này. Thời gian qua, Chính phủ đã có chính sách bình ổn giá TĂCN nhưng vẫn chỉ là giải pháp mang tính "tình thế" bởi giá TĂCN luôn trong tình trạng bất ổn "tăng nhanh, giảm chậm" và người chăn nuôi luôn chịu thua thiệt.

Khai thác nguồn nguyên liệu trong nước

Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra, mục tiêu đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng 42% trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp. Ðể đạt được, giai đoạn 2010 - 2015, ngành chăn nuôi sẽ phải bảo đảm tốc độ tăng trưởng bình quân 6 đến 7%/năm. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, mục tiêu đó khó có thể đạt được nếu ngay từ bây giờ không kịp thời xây dựng nguồn cung cấp nguyên liệu TĂCN một cách ổn định. Ðiều đó có nghĩa, chúng ta phải tối ưu hóa được nguồn nguyên liệu trong nước bằng nhiều biện pháp linh hoạt.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi về vấn đề này, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương nhận định: "Ða số các loại nguyên liệu phải nhập khẩu, chủ yếu là những nông sản lại không phải là thế mạnh của Việt Nam: bột cá, các loại vi-ta-min, khô dầu, đậu tương. Nếu cố gắng sản xuất trong nước, thì giá thành còn cao hơn nhập khẩu. Tuy nhiên, dựa trên thế mạnh về sản xuất lúa gạo, cùng với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, nguyên liệu ngô, lúa mì có thể thay được bằng sản xuất trong nước với các biện pháp: tăng diện tích cây trồng hoặc mạnh dạn dùng thóc, gạo để thay thế".

Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có nhiều chủ trương như chuyển đổi 200 nghìn ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đậu tương..., đồng thời thúc đẩy nghiên cứu khoa học, xem xét khía cạnh dinh dưỡng, lợi thế thị trường khi dùng thóc, gạo thay thế ngô, lúa mì. Thực tế cho thấy, đã có nhiều mô hình chăn nuôi gia trại, nông hộ ở Nghệ An, Hưng Yên sử dụng thóc, gạo làm thức ăn rất hiệu quả.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Ðồng Quảng cho biết, trong dự thảo Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, Cục Trồng trọt đã đề xuất ưu tiên tăng diện tích trồng ngô từ 1,1 triệu ha lên 1,4 - 1,5 triệu ha, có áp dụng thâm canh, đưa tiến bộ kỹ thuật, giống mới vào sản xuất. Theo đó, sẽ chuyển một phần diện tích lúa kém hiệu quả (ở khu vực miền bắc và miền trung) sang trồng ngô, đồng thời điều chuyển thời vụ cây trồng vụ hè thu, tăng diện tích ngô đông sớm.

Với vùng đồng bằng sông Cửu Long, Ðông Nam Bộ, nơi có năng suất ngô cao, khả năng cạnh tranh được với ngô nhập khẩu, có thể chuyển một phần diện tích lúa vụ đông xuân sang chuyên canh ngô. Về thức ăn xanh cho đại gia súc, các địa phương có nhu cầu thức ăn xanh sẽ mở rộng diện tích trồng cỏ ở vùng miền núi, nơi hoang hóa, tận dụng triệt để đất lúa, đất rừng kém hiệu quả.

Thức ăn xanh có thể đa dạng hóa từ trồng cỏ đến trồng ngô dày, ngô nếp, ngô rau; hoặc đưa công nghệ vào chế biến rơm rạ, thân ngô, bã mía làm thức ăn hỗn hợp TMR cho chăn nuôi bò sữa, đại gia súc. Với phương án sử dụng thóc để thay thế, sẽ gieo trồng loại giống lúa siêu cao sản, phẩm cấp trung bình. Tuy nhiên, để xây dựng được vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến TĂCN phải là cầu nối, ký kết hợp đồng tiêu thụ để người trồng có thể hoàn toàn yên tâm sản xuất.

Ðể làm được điều đó, Nhà nước và các tổ chức tín dụng nên có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư tạo vùng nguyên liệu. Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các tập thể, cá nhân xây dựng cầu cảng, hệ thống vận chuyển, nhà kho chuyên dụng, mở sàn giao dịch về TĂCN qua mạng để các doanh nghiệp, người chăn nuôi cập nhật thông tin về giá nguyên liệu, giá thành phẩm TĂCN trong nước và trên thị trường thế giới.

Các viện nghiên cứu, các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu các công thức phối trộn thức ăn phù hợp điều kiện chăn nuôi nước ta, sớm đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất; khuyến khích chế biến bột cá; khuyến khích nghiên cứu tạo nguyên liệu mới như: thức ăn bổ sung, thức ăn phụ gia.

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành, sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Họ không những cần phải đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng mà còn phải liên kết với nhau để tạo ra sức mạnh.

Ðồng thời, cần có sự thay đổi nhận thức về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong việc chung tay vì sự phát triển của ngành, bảo vệ được lợi ích và cùng chia sẻ rủi ro với người chăn nuôi. Mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ các chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản và xây dựng "cánh đồng mẫu lớn".

Hy vọng, khi thực thi sẽ thu hút doanh nghiệp, nông dân trong chuỗi liên kết cung ứng nông sản, nhằm chủ động tạo nguồn nguyên liệu cho nhu cầu ngày càng tăng để chế biến TĂCN công nghiệp, nâng cao giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi.


Related news

ho-tro-giong-ot-ngot-cho-nong-dan Hỗ Trợ Giống Ớt Ngọt… khai-mac-hoi-thi-nguoi-chan-nuoi-heo-gioi-mien-dong-nam-bo-nam-2013 Khai Mạc Hội Thi “Người…