Tôm sú Chữa bệnh cho tôm, cá bằng thảo mộc

Chữa bệnh cho tôm, cá bằng thảo mộc

Author Ks Cận, publish date Thursday. March 8th, 2018

Về huyện Anh Sơn (Nghệ An), Cận tôi ghi nhận những kinh nghiệm hay của nhiều gia đình trong việc sử dụng các loại thảo mộc làm thuốc chữa một số bệnh thường gặp trên tôm, cá thay cho việc dùng thuốc kháng sinh rất có hiệu quả.

Việc này vừa rẻ tiền, dễ làm, bảo vệ được môi trường lại đảm bảo tiêu chuẩn thực phẩm an toàn và tiêu chuẩn xuất khẩu. Xin ghi lại để bà con các nơi tham khảo, áp dụng.

- Cây thuốc cá, còn gọi là dây mật, cây Deris, là cây thân leo, mọc hoang trong các bìa rừng có tên khoa học là Derris ssp. Dùng rễ cây đập giập hoặc giã nát, đem ngâm trong ao hoặc ngâm riêng rồi lấy nước này đổ xuống ao nuôi tôm, cá để diệt hết các loại cá tạp trong ao trước khi nuôi thả rất có hiệu quả. Liều dùng: 3-5kg rễ tươi/1.000m2 ao ở mức nước 15-20cm.

- Dùng bã khô dầu cây sở (sau khi đã ép hạt để lấy tinh dầu) đem nghiền nát, thả xuống ao, đầm để cải tạo trước khi thả nuôi tôm vì trong khô dầu có chứa chất saponozit gây độc làm chết cá tạp và diệt khuẩn. Lượng dùng cho 4-6kg/1.000m2 mặt ao ở mức nước 15-20cm.

- Dùng lá xoan ta để diệt trùng mỏ neo và trùng bánh xe cho cá rất tốt. Cách làm như sau: Lấy cành, lá xoan non bó thành từng bó nhỏ đem ngâm trong ao hoặc trong lồng nuôi cá đang bị bệnh trùng mỏ neo, trùng bánh xe. Lượng dùng 20-25kg lá xoan/lồng 8-10m3; 150-200kg lá xoan/1.000m2 ao có mức nước 15-20cm. Chú ý: nếu nguồn nước chảy thì nên ngâm lá xoan nơi đầu nguồn là tốt nhất.

- Dùng lá thầu dầu tía có chất đắng, để chữa bệnh loét mang, đốm đỏ cho cá rất hiệu quả. Cách làm: Bó lá thầu dầu tươi thành từng bó nhỏ đem ngâm trong ao với lượng 250-300kg/ha ao ở mức nước sâu 1,5-2m.

- Lấy quả thàn mát già, hạt có chứa 30-40% dầu và chất gây ngộ độc (rotenon, sapotoxin) với cá. Có thể dùng hạt thàn mát để diệt hết cá tạp trong ao nuôi tôm. Cách làm: Nghiền nát hạt thàn mát rồi hòa với nước, dùng nước đó tưới đều lên ao. Ngoài ra, có thể đập giập hạt, cho vào bao tải đem ngâm trong ao, tuy tác dụng có chậm hơn nhưng được lâu dài hơn. Cứ 0,5-1kg hạt dùng cho ao 1.000m2 ở mức nước 15-20cm.

- Dùng nhân của quả bồ hòn, hạt rất độc để diệt cá tạp khi cải tạo ao, đầm trước khi thả nuôi tôm, cá. Khi dùng, giã hạt thật nhỏ, hòa với nước rồi đem té đều khắp ao với lượng dùng từ 0,5-1kg hạt/1.000m2 ao ở mức nước 15-20cm.

- Dùng cây nghể để chữa bệnh viêm ruột, loét mang cho cá trắm cỏ, rô phi và nhất là với các ao nuôi cá giống rất tốt vì trong lá cây nghể có vị cay nóng, hắc. Cách làm: Lấy 3kg thân và lá nghể tươi băm nhỏ, đun kỹ lấy nước trộn với thức ăn cho 100kg cá giống ăn liên tục trong 3-5 ngày. Ngoài ra, có thể phơi khô thân, lá đem nghiền thành bột, trộn với thức ăn cho cá với lượng dùng từ 1-2kg nghể khô/100kg cá giống.

- Lá cây rau sam dùng chữa bệnh viêm loét ruột do vi khuẩn đối với cá trắm cỏ rất tốt. Rửa sạch đất cát, vô trùng rau sam bằng nước muối 3% rồi thả trong khung nổi trên mặt ao hoặc trong các lồng nuôi cá. Mỗi ngày cho cá ăn một lần với lượng từ 1,5-3kg rau sam/100kg cá. Với ao nuôi cá giống nên băm nhỏ trước khi rắc trên ao hoặc trong lồng.

- Nghiền nát 0,5-1kg củ tỏi tươi, trộn đều với 100kg thức ăn, cho cá ăn liên tục trong 6 ngày để chữa bệnh đường ruột cho các loại cá nuôi.

- Cây tía đỏ có tên khoa học là Pelilla frutescen, thuộc loại thân thảo mọc hoang, lá mọc đối, mặt trên lá màu xanh, mặt dưới đỏ tía) thân và lá có mùi thơm, thường dùng làm rau ăn và gia vị. Dùng thân và lá băm nhỏ, đun kỹ lấy nước trộn với thức ăn tinh rồi cho cá ăn với lượng từ 0,2-0,5kg lá tỉa đỏ/1kg thức ăn, cho cá ăn liền trong 3-5 ngày để chữa bệnh đường ruột cho cá trắm cỏ.


Related news

quan-ly-hieu-qua-tao-trong-ao-tom Quản lý hiệu quả tảo… ky-thuat-uong-duong-tom-giong-trong-ao-dat Kỹ thuật ương dưỡng tôm…