Chứng minh khả năng để dỡ lệnh cấm của Australia về tôm nguyên liệu
Như NTNN đã thông tin, từ ngày 9.1, lệnh cấm nhập khẩu tôm xanh và tôm nguyên liệu từ một số nước châu Á và Việt Nam vì nghi có virus đốm trắng đã chính thức có hiệu lực. Trao đổi với NTNN, các cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT cho biết, đã nhận được thông tin này và sẽ đàm phán với phía Australia để gỡ bỏ lệnh cấm.
Trong ảnh: Lệnh cấm nhập khẩu tôm nguyên liệu của Australia sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Ảnh: TL
Cấm vì nghi có virus đốm trắng
Theo thông tin chính thức, Chính phủ Australia, cụ thể là Bộ Nông nghiệp nước này đã ban hành lệnh cấm do phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng và nghi ngờ đây là nguyên nhân của việc bùng phát dịch đốm trắng tại bang Queensland. Theo đó, các lô hàng tới Australia kể từ ngày 9.1 sẽ bị tiêu hủy hoặc tái xuất. Các chủ trại nuôi tôm cũng yêu cầu tìm hiểu tất cả các thông tin liên quan tới việc xuất hiện loại virus mới cũng như bất kỳ vấn đề nào trong khâu kiểm duyệt dẫn tới sự xuất hiện loại virus này.
Trước sự bùng phát dịch đốm trắng, Hiệp hội Nuôi tôm Australia cho rằng rõ ràng đã có sai phạm trong khâu kiểm dịch. Phó Chủ tịch Hiệp hội Helen Jenkins đã kêu gọi Bộ trưởng Nông nghiệp Barnaby Joyce ban hành hướng dẫn trên phạm vi rộng, tập trung vào các hoạt động kiểm dịch và đặt nghi vẫn về khả xăng xảy ra sai phạm.
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ trưởng Joyce cho biết các cuộc điều tra đang được tiến hành và lệnh cấm nhập tạm thời tôm nguyên liệu cho phép Bộ Nông nghiệp xem xét lại việc quản lý các nguy cơ và các thỏa thuận phù hợp.
Trả lời về tác động của lệnh cấm này đối với Việt Nam, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: “Thị trường Australia đem lại cho chúng ta khoảng 50 triệu USD mỗi năm, đây là thị trường đang tăng trưởng tốt, chúng ta cũng muốn đẩy mạnh xuất khẩu tôm ổn định vào thị trường này. Australia đã đưa ra lệnh cấm ngày 6.1, có hiệu lực từ ngày 9.1 lệnh cấm kéo dài 6 tháng, trong thời gian đó các loại tôm nguyên liệu sẽ không được nhập vào nước này”.
Theo ông Hòe, lệnh cấm ít nhiều tác động đến hoạt động xuất khẩu, vì vậy trong thời gian tới chúng ta cần có những giải pháp phù hợp.
Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh
Về lệnh cấm này, ông Dương Tiến Thể - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) nhận định: “Chúng tôi cho rằng đây là rào cản kỹ thuật của nước bạn, còn vấn đề dịch bệnh chúng ta đã thực hiện giám sát từ nhiều năm rồi và dịch bệnh này cũng đang được kiểm soát tốt. Chúng tôi đã nắm được thông tin này rồi, Phía VASEP đã gửi công văn cho Cục để họp bàn về vấn đề trên. Chúng tôi đề nghị phía VASEP phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức cuộc họp có nhiều bên tham gia để có phản ứng thích hợp nhất. Chỉ có Bộ NNPTNT thông qua trao đổi đàm phán với Australia thì mới gỡ bỏ lênh này được”.
Trao đổi với NTNN, ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Sau khi nhận được thông tin này, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu các cục liên quan cập nhật thông tin, cập nhật các số liệu cập nhật tình hình nuôi trong nước. Sau khi có thông tin tổng quan, chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan chức năng của Australia để cung cấp, trao đổi thông tin nhằm tìm ra hướng giải pháp phù hợp cho cả hai bên, tốt nhất là tháo gỡ được lệnh cấm này đối với Việt Nam để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng thị trường xuất khẩu sang Australia, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho doanh nghiệp và người nuôi từ lệnh cấm này”.
Theo đánh giá, lệnh cấm này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khi nguồn hàng theo đơn đặt hàng đang nằm trong kho. Ông Trương Đình Hòe cho rằng: “Cần có sự làm việc trực tiếp với phía Australia để xem xét giải quyết các lô hàng đang tồn kho để đảm bảo không thiệt hại đối với doanh nghiệp. Đồng thời, phải tiến hành các hoạt động chứng minh khả năng kiểm soát bệnh đốm trắng để đàm phán rút ngắn thời gian cấm, phục hồi xuất khẩu. Bên cạnh đó chúng ta sẽ tập trung đàm phán thuyết phục nước bạn để gia tăng các mặt hàng thủy sản không bị cấm. VASEP đã liên hệ với Hiệp hội Nuôi tôm Australia để trao đổi thông tin và nắm bắt tình hình”.
Việc quan trọng nhất lúc này theo ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NNPTNT), chúng ta cần xem xét và trao đổi cụ thể với nước bạn về những cảnh báo và lệnh cấm của họ xuất phát từ những nguyên nhân nào, họ phát hiện ra lô hàng đấy của nước nào, cơ sở đánh giá nguy cơ dịch bệnh của họ ra sao để đưa ra lệnh cấm đó. Từ những vấn đề cụ thể đó, chúng tôi sẽ cùng các cơ quan liên quan sẽ đưa ra những giải pháp phù hợp nhất”.
Đối với vấn đề dịch bệnh đốm trắng trên tôm, ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y cho biết: “Cục đã xây dựng chương trình tăng cường giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, lập tổ công tác phối hợp với tổ công tác của Tổng cục Thủy sản thường trực tại vùng đồng bằng sông Cửu Long để tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, hướng dẫn các giải pháp phòng trị, kịp thời xử lý ổ dịch nếu có. Cục Thú y đã giao Cơ quan Thú y Vùng 6 triển khai giám sát tại 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Cơ quan Thú y Vùng 7 giám sát 2 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao