Tin nông nghiệp Chuối gà ăn một thời tiến vua

Chuối gà ăn một thời tiến vua

Author Hoàng Lan, publish date Wednesday. February 17th, 2016

Mặt trời lặn sau những ngọn đồi, cánh đồng chuối xanh thẳm nhanh chóng chìm vào bóng đêm.

Cả ba người: Trần Phú Điền, Nguyễn Văn Công và Nguyễn Đắc Tâm là chủ một trang trại xếp vào loại lớn nhứt – nhì lâm đồng, bật sáng ngôi nhà “dã chiến” mời khách từ miền tây dùng thử “chuối gà ăn” xem có khác gì với chuối siêu thị.

Những trái chuối Laba chín vàng, dẻo, thơm thoang thoảng, màu trắng sữa ửng hồng phớt, không có hậu chua… Chuối Laba bán ở siêu thị phải xưng hô với “chuối gà ăn” là “hạ thần”.

Thực ra, trái chín không thể chở đi xa nên bầy gà ở trang trại, nuôi hờ để khi khách tới là làm thịt, được thưởng thức món ngon của thiên đường.

Cách đây vài năm, Điền – Công – Tâm quyết định thuê đất để kéo chuối Laba ra khỏi chiếc nôi Phú Sơn, huyện Lâm Hà, phủ theo đồi dốc ở thôn 8 xã Gia Hiệp, huyện Di Linh.

Vào thời điểm trái bắt đầu thu hoạch, Liên hiệp quốc lấy 2014 làm Năm quốc tế trang trại gia đình và José Graziano da Silva, tổng giám đốc tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), kêu gọi phát triển trang trại gia đình, vì hai lý do: chiếm 88% tổng số trang trại trên thế giới và đóng vai trò chính trong việc bảo quản các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Đã có lúc chuối Laba chỉ còn lây lất vài hecta! Hàm ý dẫn dắt, trang trại Điền – Công – Tâm hợp tác với viện Sinh học Tây Nguyên làm cây giống cấy mô (kỹ thuật in-vitro) kiểm soát quy trình, làm ra cây lành trái sạch.

Dần dần ổn định sản lượng bán ra thị trường 200 – 300 tấn trái mỗi tháng, doanh thu ổn định 300 triệu đồng/ha/năm.

Những người dân miền Tây lần đầu nhìn thấy trang trại rộng 50ha, thèm lắm nhưng biết “không sao bì kịp” khi bình quân ruộng đất ở châu thổ chỉ còn chừng 5 công/hộ.

Người miền Tây bắt đầu cuộc di dân thầm lặng và ồ ạt trong năm năm trở lại đây hướng về miền Đông và cao nguyên.

Nhưng phần lớn đi làm công, còn người tới tận nơi xem cánh đồng chuối chỉ muốn biết thế nào là trang trại và chờ đợi luật mới nới hạn điền.

Từng được người Pháp tuyển chọn từ dòng Cavendish AAA, Java (Indonesia) đưa về Laba; và, đã nhanh chóng trở thành loại trái ngon tiến vua, nhưng trong 100 năm qua, loại chuối “phân khúc” của vua chúa, quan lại và người giàu có ở Đông Dương từng bị bỏ quên, dù người ta vẫn leo lẻo nói phải tính xem nuôi con gì, trồng cây gì.

Cho tới nay, diện tích trồng Laba ở Lâm Đồng đã lan ra 250 – 300ha là nhờ những trang trại gia đình.

Và, dù là trang trại lớn hay nhỏ, giá bán tại vườn thường rẻ hơn phân nửa giá so chợ truyền thống và rẻ hơn nữa so giá bán tại siêu thị.

Từng học ở trường Nông – lâm – súc Bảo Lộc trước 1975, từng vào chiến khu và trở về tiếp quản Đà Lạt.

Một chiến sĩ giải phóng quân thành công chức, cuộc sống bóng râm tưởng như cứ chờ tới giờ G sẽ tự động ngắt theo rơle cơ chế, ông Tâm bất ngờ tự ngắt và rời khu vực công quyền ra ngoài nắng xây dựng trang trại chuối Laba.

Trang trại đầu tư công nghệ, canh tác như cách trồng chuối Dole, muốn gầy dựng tên tuổi cho chuối Laba… là cách kiến tạo, nhưng thách thức như chờ sẵn Điền – Công – Tâm.

Muốn sống, không phải đốn chuối “trừ tà”, ông Tâm, tổng giám đốc, phải làm cho mỗi cây một buồng, nặng 45 – 50kg mới có thể chịu đựng giá bán tại vườn 6.000 – 7.000 đồng/kg.

Trung Quốc vẫn là thị trường thèm khát chuối Laba, nhưng lại quá nhiều cạm bẫy, đầy rủi ro, liệu ba người bạn này chấp nhận lây lất giao thương với kẻ tiểu nhân, hay mạnh dạn tách khỏi đám đông đưa trái ngon thiên đường này tới thế giới văn minh hơn?

Những kinh nghiệm từ cuộc đời công quyền không giúp gì được trước cạm bẫy của người láng giềng, cũng như những nhà nông khác họ phải đi tiếp dù phải tự lần dò tìm đường đi.

Trong truyền thuyết nhà Phật, khi Thích Ca Mâu Ni ăn một quả chuối tiêu, chợt thông tuệ bừng sáng.

Thầy Huệ Dân đoan chắc từ năm 327, Alexandre Đại đế đã tìm ra chuối ở thung lũng Ấn Độ, vùng Colombie-Britannique và chuối từng được nêu tên trong các bài viết của đạo Phật – 600 năm trước khi người ta biết về Kitô giáo.

Loài người tuyển chọn khoảng 300 loại chuối để trồng và thương mại hoá trên toàn cầu.

Yêu cầu của người dùng là giữ nguyên phẩm chất thiên nhiên, không cần tẩm thuốc đổi màu, trái to, giữ lâu một cách khác thường.

Điền – Công – Tâm kiểm soát trang trại theo hướng GAP và muốn chứng minh điều đó khi tìm cách đưa chuối Laba đi xa hơn.

“Trái ngon của thiên đường”, các học trò của GS Vũ Đức Vượng từ Mỹ sang Việt Nam học chương trình một năm ở nước ngoài, tới Cần Thơ đúng vào dịp hội chợ nông nghiệp, thấy buồng chuối chín bói trên chiếc xuồng bày cây trái – mỗi trò bẻ một trái – nói như vậy.

Hồi xưa, dân miền Tây từng “ lòi” những ghe chuối từ cạn ra sâu (mớn nước) để giao cho tàu Clara Serkin chở đi Liên Xô, thanh toán bằng tiền rúp/đôla, biết sẽ thất bại khi chặt những buồng chuối chưa chín tới, chất như củi lên tàu.

Lâu lắm, không ai nói chuyện xuất khẩu chuối từ Trà Nóc nữa.

Tôi hỏi người thân định cư nơi viễn xứ: “Đã tìm được chuối Laba?” – “Not yet!” hoặc “No!” – Sao quá dễ dàng trả lời.

“Problem” của xứ mình là cái gì người Việt cần thì người Thái, người Hoa đã lo liệu hết”, câu trả lời chua xót.

Sao nó như gáo nước lạnh!

Tết nào tôi cũng về quê, má tôi thường gói bánh ít rắc bột tai vị vô nhưn, tuyệt kỹ tới mức ai ăn một lần là ghiền.

“Má mất rồi tới bánh ít cũng không có mà ăn”, tôi than với chị.

Chị tôi đau khớp gối, đi đứng khó khăn, nhưng cũng ráng rọc lá chuối gói bánh.

Chưa đủ thì ra chợ Gò.

Bánh ít, dù cho thời thế hiện đại cỡ nào, không có lá chuối là coi như vứt.

Bất chợt tôi lại thấy những loại giấy plastic in hình lá chuối được dùng để gói bánh, bao chả lụa.

Trời Phật ơi! Nếu cứ để “lá chuối giả” gói bánh Việt thì không chỉ đánh tan ký ức hồn hậu, an lành… mà sẽ báo trước sự thống hối tới ngàn năm. 


Related news

hai-loc-dau-nam-cung-diem-dan-ninh-thuan Hái lộc đầu năm cùng… nong-dan-ninh-thuan-nhon-nhip-ra-dong-vao-dip-tet Nông dân Ninh Thuận nhộn…