Chuyện con tôm bạc tỷ ở Long An
Sau mỗi vụ tôm, lại có thêm nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên…
ĐỔI ĐỜI
Về các xã vùng hạ Cần Giuộc, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của một vùng quê trước đây vốn còn nhiều gian khó. Những cánh đồng trồng lúa lâu năm, kém hiệu quả giờ đã lùi xa, nhường chỗ cho những đầm nuôi tôm cứ nối tiếp nhau mọc lên.
Ông Nguyễn Văn Sành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Vĩnh Tây cho biết: Xã Phước Vĩnh Tây trước đây thuần nông nghiệp, người dân quanh năm chỉ biết chọn cây lúa là chủ đạo trong việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do đặc thù của xã nằm ở vùng hạ, những cánh đồng trồng lúa chỉ cao chưa đầy 0,5 mét so với mặt nước biển.
Người dân chỉ có thể canh tác được một vụ trong năm với năng suất rất thấp, chỉ 2,5 tấn/ha, thời gian còn lại đành phải để hoang do đất bị nhiễm mặn. Cái nghèo cứ đeo bám mãi, chuyện vươn lên thoát nghèo và làm giàu chỉ là chuyện trong mơ của người nông dân nơi đây.
Vào những năm 2000, một số hộ dân trong xã đã tiến hành thử nghiệm mô hình nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh, kết hợp nuôi tôm trong ruộng lúa. Tuy nhiên, việc kết hợp này cũng không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bước ngoặt đã đến khi UBND tỉnh Long An phê duyệt đề án nuôi tôm nước lợ trong toàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, nhiều cánh đồng thường xuyên ngập mặn trong xã sẽ được chuyển đổi từ canh tác lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã Phước Vĩnh Tây đã chuyển đổi 850/1.100 ha từ canh tác lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng, diện tích lúa trong vùng đê bao thì vẫn được giữ lại canh tác. Hiệu quả kinh tế mà con tôm mang lại so với canh tác lúa truyền thống đứng là một trời một vực.
Như bao gia đình khác trong xã, hộ ông Lê Phước Sáu, ngụ ấp 2 xã Phước Vĩnh Tây trước đây cũng làm lúa, loay hoay với đủ thứ cây con nhưng gia đình ông chưa bao giờ có thể vươn lên làm giàu, dẫu nắm trong tay vài mẫu đất.
“Có gần 3 ha đất trong tay nhưng một thời gian dài gia đình tôi không tài nào khá lên được vì đất nhiễm phèn, mặn thì làm lúa sao có hiệu quả được. Sau khi UBND tỉnh có chủ trương cho chuyển đổi những diện tích đất SX bị nhiễm mặn sang nuôi tôm thì đời sống kinh tế gia đình tôi đã khác hẳn”.
Có chủ trương cho chuyển đổi, năm 2005, ông Sáu cải tạo 2 ha đất, đào 3 cái ao. Trong có 2 cái dùng để nuôi tôm, cái còn lại được dùng làm ao lắng trước khi bơm thay nước nuôi tôm.
Kể từ khi chuyển qua nuôi tôm, năm nào gia đình ông cũng bỏ túi từ vài trăm đến cả tỷ đồng. Đơn cử như vụ tôm năm ngoái, nhờ có 3 ha ao nuôi tôm, ông bỏ túi gần 2 tỷ đồng.
“Cách đây hai năm, tôi bỏ ra gần cả tỷ đồng để xây nhà mới, trong nhà sắm đầy đủ tiện nghi, còn các con thì cho ăn học đàng hoàng tới nơi tới chốn. Tiền trúng đậm mùa tôm năm ngoái tôi gửi ngân hàng, sau này thuận lợi sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng thêm vùng nuôi tôm”, ông Sáu cho biết thêm.
Cũng như gia đình ông Sáu, gia đình bà Trần Thị Tuyết ở ấp 3 xã Phước Vĩnh Tây cũng chuyển sang nuôi tôm từ cách đây đã gần chục năm.
“Kể từ ngày chuyển lúa sang tôm, kinh tế gia đình đã có chuyển biến rõ rệt. Cái thời một nắng hai sương trên đồng ruộng mà hiệu quả kinh tế thấp giờ đã không còn.
Nuôi con tôm tuy cũng vất vả, lại nhiều rủi ro nhưng hiệu quả thì cây lúa không thể nào so bì được. Bây giờ chuyện hàng chục hộ mỗi năm thu tiền tỷ từ con tôm là chuyện quá đỗi bình thường, đa phần người nuôi tôm đều đã cất được nhà kiên cố, thậm chí nhà cao tầng. Do xã bị sông Cần Giuộc chia cắt phải đi phà chứ không nhiều hộ nông dân đã mua xe hơi lâu rồi”, bà Tuyết nói.
LIÊN KẾT SẢN XUẤT, HƯỚNG ĐẾN VIETGAP
Một tín hiệu vui là ngày càng có nhiều nông dân nuôi tôm đứng ra thành lập các tổ liên kết, tổ hợp tác nuôi tôm.
Nếu như trước đây, việc nuôi tôm của người dân diễn ra theo kiểu “mạnh ai nấy làm” không quan tâm tới tình trạng chung về môi trường nguồn nước cũng như quản lí dịch bệnh, ai có cách làm hay, nuôi tôm giỏi thì giữ riêng cho mình, nhưng giờ thì mọi chuyện đã thay đổi.
Tính trên địa bàn xã Phước Vĩnh Tây hiện nay đã có 10 tổ hợp tác, liên kết và 1 trang trại nuôi tôm đã được hình thành. Kể từ ngày ra đời các tổ hợp tác, liên kết và trang trại, diện mạo từ các vùng nuôi tôm trong xã đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Dễ thấy nhất là tính cộng đồng đã được các hộ nuôi tôm đặc biệt coi trọng. Các tổ hợp tác, liên kết có những quy chế bắt buộc từ việc kiểm soát chất lượng ao đầm, vệ sinh, xử lí nguồn nước, quản lí dịch bệnh cho tới lúc thu hoạch đồng loạt.
Anh Lê Cao Nghĩa, tổ hợp tác Bằng Nghĩa cho biết: Nhờ sự ra đời của tổ hợp tác, việc nuôi tôm của các anh em diễn ra nhịp nhàng hơn hẳn. Lúc trước mỗi lần có anh em nào tự ý xả nước thải ra môi trường hay dùng thuốc BVTV là anh em lo ngay ngáy, phải luôn thấp thỏm canh chừng nguồn nước bẩn xâm nhập vào ao nuôi, dễ gây bệnh cho tôm.
Giờ thì các thành viên luôn có sự bàn bạc, lắng nghe ý kiến của nhau rồi mới quyết định làm gì nên anh em rất an tâm. Trong niên vụ tôm năm ngoái, tổ hợp tác nuôi tôm Bằng Nghĩa có 22 thành viên, thu về hơn 10 tỷ đồng tiền lãi.
Trong năm 2014, Chi cục Thủy sản tỉnh Long An phối hợp với Phòng NN- PTNT huyện Cần Giuộc đã xây dựng thí điểm mô hình nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên ở huyện, tại trang trại nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Hùng và cho những kết quả hết sức khả quan.
Trên diện tích 1 ha thí điểm nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, sau gần 3 tháng thả nuôi, gia đình anh thu hoạch được 7 tấn tôm. Đây là năng suất rất cao gấp 1,5 lần nuôi tôm theo phương thức truyền thống và hạn chế được rất nhiều rủi ro trong quá trình nuôi tôm.
Việc áp dụng phương thức nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP được đông đảo người nông dân nuôi tôm hồ hởi đón nhận bởi đây là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.
Ông Đồng Quan Đôn, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Cần Giuộc cho biết: “Từ những kết quả đã đạt được qua mô hình thí điểm nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, Phòng NN- PTNT sẽ tăng cường mở các lớp tập huấn cho người dân, cũng như phổ biến, nhân rộng mô hình, đưa vào thực hiện tại các tổ hợp tác, liên kết nuôi tôm.
Mặt khác, chúng tôi cũng sẽ tham mưu lên UBND huyện để kiến nghị quy hoạch xây dựng hệ thống lưới điện cho người dân an tâm SX, tháo gỡ bài toán thiếu điện trong vùng nuôi tôm trên địa bàn”.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giúp người nuôi tôm phát triển loại hình nuôi tôm, UBND tỉnh Long An đã có nhiều chính sách ưu đãi cho nông dân.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ tiền xây dựng ao lắng cho người nuôi tôm.
Theo đó, những hộ xây dựng ao lắng mới sẽ được hỗ trợ 70 triệu đồng/ha, 35 triệu đồng/ha cho những hộ thực hiện cải tạo lại ao với điều kiện các hộ phải trong tổ hợp tác, liên kết.
Tags: tom, nuoi tom, con tom, thuy san, nuoi trong thuy san, quy trinh nuoi tom
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao