Tin nông nghiệp Chuyên gia giải mã thất bại của cây cao su ở miền Bắc

Chuyên gia giải mã thất bại của cây cao su ở miền Bắc

Author Thiên Ngân - Thanh Xuân, publish date Tuesday. January 12th, 2016

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn: Đã yêu cầu ngừng trồng mới từ 2015

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn (ảnh) cho biết: Từ năm 2012 đến nay, giá cao su giảm chỉ còn 2/3 so với trước đây rồi.

Hiện tại, chỉ có vườn cao su đang có năng lực tạo mủ cao mới có lãi chút ít.

Các vườn cao su ở Nam Bộ mới đưa vào kinh doanh, qua giai đoạn kiến thiết cơ bản cũng chưa có hiệu quả kinh tế.

Với riêng chương trình phát triển cây cao su ở các tỉnh Tây Bắc, hiện có rất nhiều ý kiến khác nhau.

Quan điểm của Bộ về vấn đề này ra sao, thưa ông?

Giá mủ xuống thấp, người trồng cao su là nông dân góp đất chịu tác động nhiều nhất.

- Ở Tây Bắc, hiện đầu tư vào cao su là các công ty cổ phần và những doanh nghiệp của Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Đáng ra, năm nay đã có một số diện tích cho mủ nhưng để giải quyết vấn đề giá cả thị trường thì các đơn vị này chưa muốn cạo mủ năm nay.

Do đó, để đánh giá về giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích chưa có đủ cơ sở.

Còn nhìn chung, các chuyên gia đều nhận định cây cao su ở Tây Bắc đến nay sinh trưởng, phát triển tốt.

Còn về hiệu quả xã hội thì có thể nói là rất rõ nét.

Bộ NNPTNT đánh giá cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp phát triển cao su ở Tây Bắc.

Họ đã thực hiện đúng chủ trương liên kết, chuyển giao khoa học kỹ trong lĩnh vực cao su vào với đồng bào Tây Bắc.

Giải quyết được việc làm, trả lương cho nhân công và đời sống văn hoá, y tế, giáo dục… ở vùng nông thôn nơi có dự án đã có thay đổi quan trọng, bà con rất phấn khởi.

Trên thực tế, qua ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều vùng trồng cao su bà con đang rất hoang mang do không biết đến bao giờ mới được thu hoạch, hiệu quả thực tế ra sao, trong khi họ đã đóng góp tư liệu sản xuất là đất đai vào các công ty cao su rồi.

Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

- Tuy có được một kết quả như tôi đã nói ở trên, nhưng trước tình hình giá cả cao su xuống thấp, Bộ NNPTNT đã có chủ trương tạm ngừng không trồng tiếp cao su để đánh giá tổng quát về hiệu quả.

Cũng phải xin chờ có đánh giá tổng thế, chứ bây giờ chưa thể có kết quả cụ thể để nói ngay được.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Văn Chinh – nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp: Thử nghiệm liều lĩnh

Hiện nay hầu hết những diện tích cao su ở Tây Bắc vẫn phát triển bình thường, một số diện tích ở Điện Biên, Sơn La đã cho khai thác, tuy nhiên năng suất mủ, hiệu quả kinh tế vẫn chưa được kiểm chứng.

Có thể nói việc đưa cây cao su ra trồng ở miền núi phía Bắc là một thử nghiệm liều lĩnh, vì nó liên quan đến đời sống của hàng nghìn hộ nông dân, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Chính phủ, Bộ NNPTNT cũng đã có chủ trương dừng lại, không tiếp tục mở rộng diện tích cao su ở khu vực này.

Đối với những diện tích đã trót trồng, bà con nên tiếp tục chăm sóc chứ không nên chặt bỏ.

TS Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích chính sách (Tổ chức Foress Trends): Người dân sẽ mất việc làm

Trồng cao su ở Tây Bắc đã đặt ra rất nhiều vấn đề, đơn cử như khi người dân góp đất trồng cao su thì tư liệu sản xuất sẽ không còn, vậy tương lai của họ sẽ ra sao? Khi không còn nguồn đất phục vụ kế sinh nhai, nguy cơ lấn vào đất rừng rất dễ xảy ra.

Nếu lấy trung bình ở khu vực Tây Bắc là 7-8 người/hộ mới có 1 người vào làm công nhân thì số lao động còn lại sẽ sống bằng gì? Chưa nói đến việc hiện nay các công ty cao su ở phía Bắc đều đang rất khó khăn, không đủ tiền lương trả cho công nhân.

Ông Lường Văn Hịa – Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên): Nhiều bà con có tâm lý chán nản

Cao su trồng ở xã Thanh Nưa từ năm 2009, với gần 300 hộ dân góp đất.

Hiện chưa đến kỳ khai thác nên chưa biết năng suất mủ thế nào, cây cao su cũng chưa đem lại lợi nhuận cho bà con.

Sau gần 7 năm góp đất, nhìn chung đời sống những hộ góp đất cũng không bị ảnh hưởng nhiều, chủ yếu bị giảm thu nhập từ đất rừng.

Thông tin cho rằng nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị nghèo đi vì trót góp đất trồng cao su là không đúng, vì thời điểm năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo tại xã là trên 20%, còn năm 2015 đã giảm còn 12%, cho thấy đời sống người dân ngày càng tăng lên.

Tuy nhiên, cũng có một số người chưa thấy được hiệu quả kinh tế của cao su nên có tâm lý chán nản.

Nếu cây không cho mủ, hoặc cho sản lượng thấp thì bà con cũng phải chấp nhận thiệt thòi. 

Ông Nguyễn Trí Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): Tình hình này, chưa thể nói gì

Thời ông còn làm Cục trưởng Cục Trồng trọt, đã có rất nhiều tranh cãi về dự án trồng cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Vậy nhìn lại dự án cao su ở Tây Bắc, theo ông có phải chúng ta đã thất bại?

- Hiện chưa có tính toán cụ thể cho dự án này, nên chưa thể đưa ra kết luận được.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, không ai dự báo được trước thị trường, như giá dầu ở thời điểm 2006 không ai nghĩ xuống dưới 40 USD/thùng và giá cao su thời điểm đó hơn 100 triệu đồng/tấn thì không ai nghĩ giờ lại giảm xuống dưới 30 triệu đồng/tấn.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại dự án cao su ở Tây Bắc, tôi cho rằng đã có sự chỉ đạo và tham mưu của Bộ NNPTNT rất quyết liệt ngay từ đầu để không chạy theo phong trào và theo đề xuất của các địa phương.

Lúc đó, rất nhiều địa phương đề nghị, trong đó đặc biệt là lãnh đạo của tỉnh Lào Cai.

Họ cứ nhìn sang Trung Quốc thấy cao su xanh tốt là đề xuất mở rộng diện tích vì cho rằng bên kia trồng được thì chúng ta trồng được...

Người dân  Tây Bắc tham gia trồng cao su đang rất hoang mang, chặt bỏ cũng không được, duy trì tiếp thì không biết thế nào...

- Thực sự, nếu cứ tính giá ban đầu (2006) khi đưa ra trồng, cũng có thể người nông dân coi là vỡ mộng.

Vì người ta hy vọng rất lớn, mà cái gì hy vọng lớn thì thất vọng càng nhiều.

Lúc đó, khi triển khai cũng đã kiên quyết phải có doanh nghiệp vào cuộc và đảm bảo được đời sống của người nông dân.

Khi đó, Tập đoàn Cao su hình thành các công ty cao su ở địa phương và đã đầu tư theo hình thức cho người dân góp cổ phần bằng sức lao động, góp đất.

Mô hình đó mang tính bền vững cho người nông dân, không mất đất, được tham gia góp sức trên đồng ruộng nhưng hiện tại thì giá cao su xuống thấp nên người dân mới gặp khó khăn.

Rất nhiều hộ nông dân trồng cao su đang sống rất khó khăn, cần có chính sách hỗ trợ họ như thế nào?

- Đời sống của người dân trồng cao su khó khăn là có thật.

Họ muốn có thu nhập phải bán được cao su với giá tính toán ban đầu (giá thời điểm).

Giờ giá cao su xuống thấp, doanh nghiệp không bán được cao su nên không có tiền trả lương cho công nhân.

Trong khi, đời sống của người dân trồng cao su là hàng ngày, còn cao su muốn  thu hoạch phải mất 7 năm.

Với tình hình thị trường và giá cao su như hiện nay thì ta không thể nói gì hơn được cả.

Tất nhiên, đã làm ăn, nhất là với cây sản xuất dài ngày thì có những lúc vượt qua cả dự báo tính toán của con người.

Để có giải quyết căn cơ, theo tôi phải đưa ra những giải pháp khắc phục tình hình trước mắt và tính tới cả những biến động của nó trong tương lai để hỗ trợ cho nông dân và muốn làm được cần có cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

Xin cảm ơn ông!

Phương Vy (Thực hiện)


Related news

hop-tac-phat-trien-hop-tac-xa-kieu-moi Hợp tác phát triển hợp… bon-phan-van-dien-cho-vung-trong-rau-an-toan Bón phân Văn Điển cho…