Mô hình kinh tế Chuyện Nuôi Bò Ở Ninh Đảo (Khánh Hòa)

Chuyện Nuôi Bò Ở Ninh Đảo (Khánh Hòa)

Publish date Friday. February 21st, 2014

Sau thời gian nuôi tôm hùm thất thu vì dịch bệnh, nhiều người dân ở thôn Ninh Đảo (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã chuyển sang nuôi bò. Đàn bò nơi đây liên tục tăng trưởng, giúp người dân có cuộc sống no đủ.

Trong một lần đến thôn Ninh Đảo, chúng tôi gặp thương lái từ thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) ra Ninh Đảo mua bò với giá 25 triệu đồng/con. Tại khu vực nuôi thả bò của người dân, bà Trần Thị Cam chỉ tay về phía đàn bò béo núc đang gặm cỏ nói: “Nhờ đàn bò này mà nhiều gia đình trên đảo đã có cuộc sống khá giả, sung túc hơn, con cái được vào đất liền học hành đến nơi đến chốn”.

Từ chỗ chỉ có vài ba con bò, đến nay, toàn thôn Ninh Đảo đã có khoảng 600 con bò với gần 40 hộ nuôi. Hộ nào ít cũng vài ba con, hộ nhiều lên đến cả trăm con như gia đình ông Trần Minh Trường - trưởng thôn có gần 100 con bò; hộ ông Còn (11 con), hộ ông Hai (16 con), hộ ông Đen (15 con)...

Nuôi bò nhiều nhất trên đảo phải kể đến hộ ông Trần Minh Đức. Trước đây, ông Đức đầu tư nuôi tôm hùm, nhưng tôm thường chết vì bệnh lạ nên gia đình ông vẫn trắng tay. Sau đó, ông quyết định tập trung vào việc nuôi bò. “Năm 2006, tôi vay mượn tiền của người thân mua 3 con bò cái về nuôi, mong sẽ kiếm lợi được từ chúng”.

Chỉ một năm sau đó, những con bò cái đã trưởng thành và lần lượt sinh sản. Thấy việc nuôi bò có tiến triển tốt, không phải đầu tư nhiều bởi có điều kiện tự nhiên với thức ăn (cỏ, cây cối) sẵn có trên đảo, ông Đức đã đầu tư mạnh, tiếp tục tăng số lượng đàn bò lên hàng chục con để nuôi sinh sản.

Đến nay, gia đình ông sở hữu đàn bò lên đến 180 con. Năm vừa qua, gia đình ông Đức đã xuất bán gần 30 con bò, thu được hàng trăm triệu đồng.

Tuy số lượng bò lớn nhưng việc chăn thả lại gần như tự nhiên trên những khu đồi. Thế nên mới có chuyện người dân… bấm “mật mã” cho bò. Ông Đức cho biết: “Để đề phòng thất lạc, đàn bò của mỗi hộ đều có những “mật mã” riêng để đánh dấu bò. “Mật mã” là những lỗ nhỏ được các chủ đàn bò dùng dụng cụ bằng sắt nhọn xuyên thủng vành tai bò...

Cây cỏ tự nhiên trên đảo nhiều nên chủ yếu bò được chăn thả tự do. Tối đến, khi về chuồng, bò chỉ cần ăn thêm ít cỏ trồng. Trong bối cảnh nghề đi biển và nuôi trồng hải sản gặp khó khăn, nghề nuôi bò không những giúp cho nhiều hộ dân trên đảo thoát nghèo, mà còn giúp nhiều hộ như gia đình ông Đức có thu nhập ổn định hơn.

Việc nuôi bò ở thôn Ninh Đảo thuận lợi là thế nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Vào mùa hè, thời tiết khô hạn, cây cỏ sinh trưởng kém nên không đủ đáp ứng cho đàn bò khoảng 600 con (trong tương lai, số lượng đàn bò sẽ tăng lên). Đây là trăn trở của ông Trần Minh Trường, trưởng thôn Ninh Đảo.

Ông Trường khuyến cáo người dân cân nhắc khi phát triển đàn bò, nên lựa chọn giống bò khỏe mạnh, tránh mua phải bò bệnh, nếu không hậu quả sẽ khó lường.


Related news

lien-ket-cac-co-so-giet-mo-va-chan-nuoi-loi-ca-doi-duong Liên Kết Các Cơ Sở… co-hoi-xuat-khau-hang-thuy-hai-san-sang-singapore Cơ Hội Xuất Khẩu Hàng…