Mô hình kinh tế Cơ Giới Hóa Trong Sản Xuất Lúa Chưa Cao

Cơ Giới Hóa Trong Sản Xuất Lúa Chưa Cao

Publish date Tuesday. June 4th, 2013

Ngày 31/5, tại Long An, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Cơ giới hóa trong sản xuất lúa”.

Theo báo cáo của Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT), thời gian qua nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất mà năng suất lúa vùng ĐBSCL đã tăng từ 4,3 tấn/ha năm 2001, lên 5,78 tấn/ha năm 2012, cùng với đó, sản lượng lúa từ 16 triệu tấn tăng lên 24,5 triệu tấn. Rõ ràng cơ giới hóa trong sản xuất lúa đã đóng góp đáng kể vào việc giảm tổn thất và gia tăng giá trị cho ngành hàng lúa gạo của vùng.

Tuy nhiên, so với các nước trồng lúa trong khu vực mức độ cơ giới hóa trên cây trồng này của Việt Nam còn quá khiêm tốn. Chẳng hạn, Trung Quốc từ năm 2007 cơ giới hóa trong sản xuất lúa của họ đã đạt trung bình trên 51%, còn tại Nhật Bản 100% diện tích lúa đều được làm bằng máy ở tất cả các khâu. Chính thực trạng này hàng năm đã gây ra những tổn thất không nhỏ cho ngành hàng sản xuất kinh doanh lúa gạo VN, đặc biệt là chất lượng lúa gạo không được đảm bảo.

Theo TS. Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp (thuộc Phân viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp miền Nam), điều đáng mừng sau 10 năm đẩy mạnh cơ giới hóa thì số lượng các loại máy và tỉ lệ các khâu canh tác lúa được cơ giới hóa tăng lên đáng kể. Tính đến cuối năm 2012, toàn vùng ĐBSCL đã có 65.000 máy kéo, 42.000 máy tuốt lúa, 12.455 máy gặt các loại và nhiều loại máy khác như máy sấy cùng dụng cụ sạ hàng.

Song bên cạnh đó, cơ giới hóa trong sản xuất lúa vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Nhất là cuộc cạnh tranh giữa các loại máy sản xuất nội địa và máy nhập khẩu từ nước ngoài.

Vì thế, theo ông Tuấn trong thời gian tới cần có những điều tra, phân tích, đánh giá cụ thể về thực trạng cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Cụ thể, cần thống kê chính xác số lượng các loại máy kéo, máy công tác, máy nông nghiệp… đang được sử dụng hiện nay, sau đó phân loại cơ cấu các máy nhập khẩu từ quốc gia nào, cơ cấu máy chế tạo trong nước như thế nào, so sánh tính hiệu quả trong sử dụng giữa máy nhập khẩu với máy nội địa để kiến nghị thay đổi trong chính sách cũng như có những khuyến cáo thiết thực cho người nông dân.

Về mặt chính sách, ông Đới Xuân Quảng, Trưởng Cơ quan Đại diện phía Nam-Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối cho rằng trong thời gian tới Cục sẽ kiến nghị với Bộ Nông nghiệpvà PTNT tổ chức xin ý kiến các bộ ngành để đưa ra dự thảo Quyết định mới trình Thủ tướng Chính phủ, thay thế cho các Quyết định 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định 65/2011/QĐ-TTg nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất, chế biến nông sản.


Related news

lua-moc-mam-thuong-lai-bat-tam Lúa Mọc Mầm, Thương Lái… ngo-lai-pac-339-va-pac-999-thanh-qua-bat-ngo Ngô Lai PAC 339 Và…