Cơ hội cho xuất khẩu thủy sản năm 2021
Năm 2020, dịch COVID-19 diễn ra căng thẳng trên toàn cầu đã tác động rõ rệt lên hoạt động giao thương thủy sản của Việt Nam. Khó khăn này được dự báo vẫn kéo dài sang năm 2021, thế nhưng, cơ hội cho thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới được nhận định rất khả quan.
Tăng trưởng trong gian khó
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý I và quý II/2020 giảm lần lượt 10% và 7% so cùng kỳ năm 2019; trong đó, xuất khẩu giảm sâu nhất vào tháng 3 và tháng 5 (lần lượt 48% và 16%); đó là những tháng cao điểm dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu và Mỹ.
Tuy nhiên, từ tháng 7, xuất khẩu bắt đầu hồi phục và tăng trong 3 tháng cuối năm (với mức tăng trưởng 10 – 13%), điều đó cho thấy các doanh nghiệp thủy sản ở Việt Nam đang thích ứng, vượt qua thách thức và nắm bắt được các cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang bùng phát trên thế giới.
Xuất khẩu thủy sản hồi phục nhờ xuất khẩu tôm duy trì tăng ổn định và các sản phẩm hải sản cũng có tín hiệu khả quan từ tháng 8. Trong 3 tháng gần đây, xuất khẩu thủy sản đến cuối tháng 11 chạm mức cùng kỳ năm 2019 là trên 7,8 tỷ USD. Ước tính xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt tương đương năm 2019 với 8,58 tỷ USD.
Xuất khẩu tôm tăng trưởng 2 con số từ tháng 6 và tăng mạnh 25% trong tháng 9 và tháng 10, sang tháng 11 tiếp tục tăng 28%. Tính đến hết tháng 11/2020, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 14% so cùng kỳ năm 2019. Với mức duy trì tốt như hiện nay, xuất khẩu tôm năm 2020 dự kiến đạt trên 3,85 tỷ USD, tăng 15% so năm 2019. TTCT chiếm 72% giá trị trong năm 2020, ước gần 3 tỷ USD, trong khi tôm sú chỉ đạt 616 triệu USD, chiếm 16% và tôm biển đạt 462 triệu USD, chiếm 12%.
Với mặt hàng cá tra, giá trị xuất khẩu giảm sâu từ tháng 3 đến tháng 9 với mức giảm từ 17 – 35% so cùng kỳ năm 2019. Từ tháng 10, giá cá tra xuất khẩu khả quan hơn, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so những tháng trước và so cùng kỳ mức sụt giảm chỉ còn 5%, sang tháng 11 giảm nhẹ 4%. Lũy kế đến cuối tháng 11/2020, xuất khẩu cá tra đạt 1,34 tỷ USD, giảm 24%. Ước tính cả năm sẽ đạt khoảng 1,54 tỷ USD, giảm 23%.
Về hải sản, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm sâu trong tháng 3 và tháng 5 (lần lượt 47% và 20%), sau đó hồi phục dần, bắt đầu có tăng trưởng dương từ tháng 8. Sau khi tăng mạnh 15% trong tháng 9, xuất khẩu tăng 2% trong tháng 10 và tiếp tục tăng 8% trong tháng 11. Tính đến hết tháng 11, tổng xuất khẩu hải sản của Việt Nam đạt trên 2,9 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so cùng kỳ năm 2019. Ước tính xuất khẩu hải sản cả năm 2020 đạt gần 3,2 tỷ USD, gần tương đương năm 2019.
Biến động thị trường
Trong năm 2020, chỉ có 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc duy trì được tăng trưởng dương so với năm 2019, tăng lần lượt là 13% và 5%. Xuất khẩu sang các thị trường khác đều sụt giảm do tác động của COVID-19 làm ảnh hưởng đến nhu cầu thủy sản và hoạt động giao dịch với các thị trường này. Trong đó, lũy kế hết tháng 11, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 11%; ước tính cả năm đạt 1,66 tỷ USD, tăng 13%.
Còn tại thị trường Trung Quốc ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng gần 5% so với 2019; tuy nhiên, cuối tháng 12, thị trường này đã có động thái kiểm soát chặt nhập khẩu thủy, hải sản do lo sợ lây nhiễm COVID-19, do vậy, mức tăng xuất khẩu sang Trung Quốc dự báo thấp hơn trong những tháng tới.
Riêng với thị trường EU, dù sụt giảm nhưng đã cho thấy sự bứt phá mạnh kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực kể từ tháng 8/2020. Theo đó, thị trường EU hồi phục mạnh từ tháng 9 với mức tăng 19 – 30%. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu sang EU đạt 900 triệu USD, giảm 3,8%. Ước tính xuất khẩu sang EU (trừ Anh) trong năm 2020 đạt khoảng 991 triệu USD, giảm 2,5% so năm 2019.
Cơ hội và thách thức năm 2021
Theo phân tích của các doanh nghiệp, dịch COVID-19 đã làm thay đổi xu hướng tiêu thụ ở các thị trường, cụ thể sức tiêu thụ của các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn đều giảm do yêu cầu giãn cách xã hội, trong khi đó, sức mua tại các siêu thị, các kênh bán lẻ phục vụ nấu tại nhà gia tăng. Trong bối cảnh đó, sản phẩm tôm xuất khẩu với dạng sản phẩm, cách chế biến khác nhau vẫn phù hợp tiêu thụ tại các siêu thị và phân khúc bán lẻ, phục vụ chế biến tại nhà trong những thời điểm giãn cách xã hội nên được tiêu thụ mạnh; trong khi các sản pẩm cá tra xuất khẩu nhắm tới các thị trường chính được tiêu thụ chính cho phân khúc dịch vụ sẽ gặp khó khăn, một số sản phẩm hải sản cũng tương tự như vậy.
Nhìn về những cơ hội của ngành thủy sản trong 2021, VASEP phân tích, năm 2020, thế giới trải qua đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu ước giảm khoảng 3,8%. Theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi với mức tăng khoảng 3,1% vào năm 2021. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế quốc tế, hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ còn tiếp diễn. Tăng trưởng GDP có thể đối mặt với triển vọng ảm đạm trong năm 2022 – 2023.
Dù vậy, ngành thủy sản vẫn có những cơ hội từ các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định EVFTA và gần đây nhất là FTA giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)… Các FTA này đều đang có tác động tốt đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong thời gian tới.
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2021 sẽ tăng 10% đạt trên 9,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm có mức tăng trưởng mạnh nhất với 15%, đạt 4,4 tỷ USD; cá tra sẽ hồi phục với mức tăng 5%, đạt khoảng 1,6 tỷ USD; xuất khẩu các mặt hàng hải sản dự báo sẽ tăng 6%, đạt 3,4 tỷ USD.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao