Mô hình kinh tế Cơ Hội Phát Triển Đàn Vật Nuôi

Cơ Hội Phát Triển Đàn Vật Nuôi

Publish date Sunday. September 29th, 2013

Sau một thời gian dài khó khăn về giá cả đầu vào và đầu ra, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An khá im ắng. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, thị trường thực phẩm bắt đầu chuyển động, báo hiệu nhiều tín hiệu khả quan cho ngành chăn nuôi.

Theo anh Nguyễn Quang Đại - chủ trang trại chăn nuôi tại Nam Đàn: Thời điểm tháng 2, tháng 3 năm nay giá lợn hơi giảm còn 38.000 đồng/kg. Theo tính toán của anh, mỗi con lợn thịt lỗ 3 - 4 ngàn đồng/kg. Hiện nay, giá lợn thịt bán ra trên thị trường đã nhích lên. Anh Hoàng - công nhân làm việc tại trang trại phấn khởi: “Hôm trước, trang trại xuất chuồng 39 con, bình quân 80 kg/con, với giá 4,6 triệu đồng/tạ, mỗi con lợn bán ra thu về 3,6 triệu đồng, tăng gần 200 ngàn đồng/con so với mức giá bán đầu năm. Hiện, chủ trang trại đang giao bọn em chăm sóc thêm 100 con lợn thịt để chuẩn bị nguồn thực phẩm cho dịp cuối năm”. Cũng theo ông Đại, việc giá lợn nhích lên là cơ hội để khôi phục chăn nuôi và tăng đàn.

Xã Hưng Long hiện là một địa phương có phong trào phát triển chăn nuôi trâu, bò lớn của huyện Hưng Nguyên. Toàn xã hiện có gần 1.200 con trâu bò, trong đó 30% trâu bò hàng hóa, 70% trâu bò sinh sản. Chăn nuôi chủ yếu hình thức nông hộ, bình quân 2 - 10 con/hộ.

Ông Võ Viết Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Long, cho biết: Vụ xuân 2013, dịch LMLM xẩy ra tại 5 xóm trên địa bàn, ảnh hưởng đến sức khỏe chung của tổng đàn và tâm lý người dân. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, đến đầu năm nay, giá trâu bò bán ra thị trường đã tăng. Một con me khoảng 3 - 4 tháng tuổi, bán giá thấp nhất cũng được 16 - 17 triệu đồng/con, tăng 6 - 7 triệu đồng/con.

Đặc biệt, để phục vụ tái đàn, từ cuối năm 2012, tận hưởng dự án “tái đàn bò sinh sản” do Hội Nông dân tỉnh triển khai, 20 hộ bà con trong xã được vay tối đa 16,5 triệu/hộ để mua me, bò. Đến nay, tổng đàn trâu bò hàng hóa của xã tăng 25%. Nhiều hộ gia đình như ông Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Hà (xóm 12) có 7 - 10 con me, bò; hộ anh Nguyễn Sâm Đương (xóm 9B) hiện có 8 con trâu bò thịt…

Nghệ An hiện có 457 trang trại chăn nuôi lớn, nhỏ, 120 trang trại đạt chuẩn theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp. Tổng đàn gia cầm hiện nay tiếp tục tăng, đạt 17 triệu con/16 triệu con theo KH. Tổng đàn gia súc giảm nhẹ, song tổng sản lượng ngành chăn nuôi tăng hơn các năm trước. Thịt trâu hơi xuất chuồng tăng 9,09%, bò hơi xuất chuồng tăng 4,7%, lợn xuất chuồng tăng 4,9%. Nguyên nhân do chăn nuôi chuyển hướng sang đầu tư thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Trao đổi với ông Từ Đức Thanh - chuyên viên phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn, được biết: Giá lợn, trâu bò tăng là cơ hội để các trang trại quy mô lớn có thể khôi phục, ổn định đầu tư trở lại để phát triển chăn nuôi. Song đối với các trang trại quy mô nhỏ, chăn nuôi nông hộ, nhất là nuôi lợn thì giá cả tăng hiện nay vẫn chưa có lãi, các hộ nông dân mới chỉ có thể bù đủ chi phí đầu vào như con giống, thức ăn. Tại nhiều địa phương, tận dụng lợi thế được mùa ngô, lúa, việc tăng giá gia súc, gia cầm dịp cuối năm của thị trường tiếp thêm cơ hội để vực nền chăn nuôi phát triển ổn định.

Ông Nguyễn Văn Linh - Phó chủ tịch UBND xã Tường Sơn (Anh Sơn), cho biết: Hiện nay, tổng đàn lợn của xã đạt trên 8 ngàn con, tăng 1 ngàn con so với năm 2012. Đàn bò hàng hóa tại nhiều xóm đạt 5 - 10 con/hộ. Nay giá tăng nên có nhiều hộ nuôi 7 - 10 con/hộ, thậm chí một số hộ nuôi 80 - 100 con.

Xã đang phát triển phong trào đàn gà cỏ thả vườn để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Địa phương xác định việc duy trì, phát triển và tái đàn chăn nuôi sẽ tạo việc làm cho lực lượng lao động nông nhàn tại địa phương và tận dụng hết các phụ phẩm từ nông nghiệp nên bà con không tốn nhiều chi phí chăn nuôi.

Theo nhận định của ông Lưu Công Hòa - Trưởng phòng chăn nuôi Sở Nông nghiệp, “Việc tăng giá sản phẩm chăn nuôi như hiện nay không có gì đột biến. Hoạt động chăn nuôi trên thị trường đang trở về giá trị thực. So với nhiều năm trước thì năm nay, việc chu chuyển, tái tạo đàn sau mỗi kỳ chăn nuôi bình thường, không có gì ảnh hưởng lớn”. Nguyên nhân, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh tai xanh, LMLM, cúm gia cầm xẩy ra, cục bộ nên cơ bản không ảnh hưởng lớn đến số lượng, sản lượng đàn trâu, bò, lợn.

Đặc biệt, tỉnh quan tâm mạnh đến các chương trình, dự án hỗ trợ chăn nuôi như chương trình phối giống cải tiến giống bò theo hướng Zêbu hóa, cải tạo đàn trâu, cải tiến giống lợn theo chương trình nạc hóa, tăng đàn lợn ngoại, cải tiến giống lợn địa phương... Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 220 mô hình khuyến nông, trong đó 77 mô hình nuôi gà, 133 mô hình nuôi lợn, các mô hình nuôi nhím, dê, giun quế… bước đầu có hiệu quả. Hiện giá cả thị trường các sản phẩm chăn nuôi tăng lên, người chăn nuôi bắt đầu có lãi.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các ban ngành nông nghiệp hoàn thành tốt kế hoạch tiêm phòng vụ thu, kế hoạch tiêu độc khử trùng đợt 2. Chỉ đạo các địa phương tích cực, giám sát dịch bệnh hàng ngày theo tinh thần đề án được phê duyệt, nhất là 3 huyện trọng điểm về chăn nuôi có tổng đàn lớn như Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn.

Trên tinh thần này, các huyện cần chỉ đạo kịp thời chính quyền các địa phương, thú y cơ sở cần vào cuộc trong việc kiểm soát, vận chuyển gia súc nhập đàn, tái đàn. Đồng thời phát hiện và báo cáo dịch nhanh, khống chế dịch trong diện hẹp.

Đặc biệt, tỉnh tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện các chương trình, dự án nâng cao năng lực cạnh tranh trong chăn nuôi, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn tại 4 huyện trong phạm vi 10 xã. Sở Nông nghiệp đang chỉ đạo các ban ngành cấp huyện, thành kiểm tra chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, tổ chức kế hoạch về nguồn thức ăn dự trữ chống đói rét cho trâu bò vụ đông, nhằm đảm bảo cho đàn vật nuôi phát triển ổn đinh, an toàn, tăng giá trị thu nhập cho người chăn nuôi.


Related news

trong-sa-cho-loi-nhuan-cao-gap-3-4-lan-trong-lua Trồng Sả Cho Lợi Nhuận… canh-bao-dich-cum-gia-cam-va-bien-phap-phong-dich Cảnh Báo Dịch Cúm Gia…