Có Ý Đồ Cạnh Tranh Không Lành Mạnh
Cách đây khoảng 10 năm, phía Đài Loan cũng từng có thông tin tương tự và đã được giải tỏa nhanh chóng bởi việc làm đồng loạt của các cơ quan hữu trách Việt Nam.
Theo quy hoạch, đến năm 2020, trong tổng số 28.000ha chè của tỉnh Lâm Đồng có khoảng 14.000ha chè chất lượng cao.
Hiện Lâm Đồng có diện tích chè lớn nhất nước (chiếm 25% tổng diện tích), sản lượng chè búp tươi cũng cao nhất (27%) và mức thu nhập trên mỗi ha cũng cao nhất (trên 250 triệu đồng).
Bởi thế, không lạ gì khi có hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài nước (trong đó có Đài Loan) chọn Lâm Đồng làm “đất sống” để kinh doanh cây chè. Song, gần đây, một vài thông tin từ các phương tiện truyền thông Đài Loan cho rằng vùng chè Lâm Đồng được trồng trên đất nhiễm chất độc dioxin do Mỹ rải xuống trong thời chiến tranh khiến cho hàng loạt doanh nghiệp trà của Lâm Đồng điêu đứng.
Theo tính toán của một chuyên gia ngành chè Việt Nam - TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhà khoa học chuyên nghiên cứu cây chè Việt Nam - thì cứ mỗi ha chè nguyên liệu, nhà nông phải đầu tư khoảng gần 100 triệu đồng để 4 năm sau cho thu hoạch.
Không chỉ vốn đầu tư khá cao mà nhà nông Lâm Đồng còn phải là người tinh thông về kỹ thuật mới có thể làm ra nguyên liệu đạt tiêu chuẩn để chế biến các loại trà cao cấp, trong đó có trà ô long.
Cùng đó, trong những năm gần đây, với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp Đài Loan chuyên sản xuất và chế biến trà cao cấp đạt các tiêu chuẩn quốc tế, vị thế cây chè Lâm Đồng càng được nâng cao.
Từ những cơ sở trên, Lâm Đồng không ngần ngại khi quy hoạch đến năm 2020, vùng nguyên liệu chè của tỉnh sẽ có khoảng 50-55% được trồng các giống chè chất lượng cao để chế biến thành sản phẩm trà ô long.
Nói cách khác, sản phẩm trà cao cấp nhằm đáp ứng thị trường ngày càng khó tính của thế giới đang là vấn đề mà Lâm Đồng đặt ra và thực hiện. Bằng chứng là trong 9 tháng đầu năm 2014, lượng trà xuất khẩu của Việt Nam đạt giá trị hơn 24 triệu USD - tăng 3% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, lý giải về vấn đề một vài cơ quan thông tin truyền thông Đài Loan cho rằng trà Việt Nam nhiễm chất độc dioxin, Hiệp hội chè Việt Nam cho rằng đây rất có thể xuất phát từ nguyên nhân cạnh tranh không lành mạnh của một số doanh nghiệp trà của Đài Loan.
“Hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, Đài Loan đã cho phép một số doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu trà ô long vào Đài Loan - sản phẩm mà trước đó Đài Loan cấm nhập khẩu” - một cán bộ có trách nhiệm của Hiệp hội chè Việt Nam cho biết. Điều này càng cho thấy, việc cản trở trà Việt Nam thông quan vào Đài Loan là hoàn toàn theo ý đồ của một nhóm doanh nghiệp hay một nhóm người nào đó.
Trở lại vấn đề chất lượng trà của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng, theo các văn bản chính thức được phát hành công khai của Chi cục Bảo vệ Thực vật Lâm Đồng thì cứ theo định kỳ hằng tháng, hằng năm, hoặc đột xuất, cơ quan hữu trách này đều có kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm trà của tất cả các cơ quan sản xuất và chế biến trà Lâm Đồng.
Theo đó, ngay từ khâu sản xuất và chế biến, cơ quan chức năng của tỉnh đã kiểm tra và kết luận chất lượng sản phẩm trà trước khi tiêu thụ. Cùng đó, không ít quốc gia trên thế giới trước khi nhập khẩu trà của Lâm Đồng cũng đã tiến hành lấy mẫu đất để kiểm nghiệm, và khi có kết quả an toàn thì các nước này mới đồng ý cho phép nhập trà của Việt Nam.
“Thông tin trà Việt Nam nhiễm dư lượng dioxin không quá khó để giải tỏa. Cách nay khoảng 10 năm, một số cơ quan truyền thông của Đài Loan cũng từng có thông tin tương tự.
Nhưng ngay sau đó, với việc làm đồng loạt của cơ quan hữu trách Việt Nam, thông tin này đã được giải tỏa. Và lần này, thông tin trà Việt Nam nhiễm chất dioxin chẳng khác nào một thách thức từ phía Đài Loan với chính quyền tỉnh Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung mà chúng ta cần phải giải tỏa” - ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phát biểu.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/co-y-do-canh-tranh-khong-lanh-manh-post134939.html
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao