Mô hình kinh tế Cởi trói và tiếp sức cho trang trại

Cởi trói và tiếp sức cho trang trại

Publish date Monday. November 30th, 2015

Đây là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng về khuyến khích phát triển kinh tế trang trại (KTTT), đang được Bộ NNPTNT soạn thảo.

Nhiều chủ trang trại lớn vẫn “đói” vốn

Ông Nguyễn Văn Hạnh ở xã Nghĩa Trung huyện Việt Yên (Bắc Giang) là một chủ trang trại tổng hợp, chăn nuôi chia sẻ: Trang trại của ông có hơn 5ha, gồm ao cá, chuồng trại chăn nuôi lợn.

Dù trang trại đã được công nhận nhưng khi mang giấy chứng nhận làm tài sản thế chấp vay vốn, ông cũng chỉ vay được vỏn vẹn hơn 100 triệu đồng.

“Cán bộ ngân hàng cho biết, định giá đất trang trại bằng khung giá đất nông nghiệp theo quy định của UBND tỉnh, nên số tiền vay được không đáng bao nhiêu cho kế hoạch sản xuất của gia đình tôi” - ông Hạnh cho biết.

Thu hoạch cá tại trang trại tổng hợp, lợn, cá, gà của ông Nguyễn Văn Hạnh ở Việt Yên, Bắc Giang.

Cũng theo ông Hạnh, ngoài việc khó vay vốn, một trong những quy định rất “khó hiểu” là chỉ được xây nhà trông coi trang trại trên đất trang trại với diện tích 20m2 là không hợp lý.

Do trang trại xa khu dân cư, nên cần có diện tích đủ để chứa vật tư như phân bón, thức ăn chăn nuôi nhưng 20m2 thì không đủ để chứa vật tư, chưa nói tới ít nhất phải kê được cái giường để ngủ trông coi trang trại.

Thậm chí, có nhiều người hiện còn ở ngoài trang trại sinh hoạt, thi thoảng mới về nhà nên quy định 20m2 là hoàn toàn không hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Toàn – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Giang cho biết, thực tế hiện nay các trang trại đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đúng là để tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng rất khó và có vay được thì nguồn vốn cũng không lớn.

Hiện toàn tỉnh Bắc Giang có 661 trang trại, trong đó 517 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận theo thống kê các chủ trang trại vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Tương tự tại Hà Nội, sau hơn 4 năm Thông tư 27 có hiệu lực, việc triển khai cấp giấy chứng nhận (GCN) kinh tế trang trại nói chung, trang trại chăn nuôi (gia súc, gia cầm) nói riêng trên địa bàn thành phố hiện còn quá thấp so với thực tế.

Theo khảo sát, tính đến nay, toàn thành phố mới cấp GCN cho 247 trang trại, tập trung chủ yếu ở các huyện Đông Anh (203 trang trại), Ứng Hòa (25 trang trại)...

Trong khi đó, nhu cầu được cấp GCN của các hộ chăn nuôi hiện đang còn rất lớn, bởi toàn thành phố có 3.185 trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.

Tiến độ cấp GCN trang trại chăn nuôi chậm do nhiều nguyên nhân như công tác triển khai của các huyện, thị xã chưa đồng bộ.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các chủ hộ chăn nuôi về quyền và lợi ích khi được cấp GCN kinh tế trang trại còn nhiều hạn chế.

Đáng chú ý, muốn được cấp GCN kinh tế trang trại, tiêu chí bắt buộc phải có GCN quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất để chăn nuôi.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ chăn nuôi chưa được cấp GCN quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến việc cấp GCN trang trại.

“Gỡ” nhiều vướng mắc

Dự kiến sẽ có 6 nội dung các trang trại được hỗ trợ là: Đất đai, xử lý môi trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ đổi mới, chuyển giao khoa học và công nghệ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các cây trồng có giá trị; chính sách hỗ trợ trang trại trong các lĩnh vực khác… Dự kiến quyết định sẽ được ban hành trong năm 2015.

TS Lê Đức Thịnh cho biết, hiện nay chúng ta có hơn 9 triệu hộ nông nghiệp, trong đó có tới vài trăm nghìn hộ đạt quy mô sản xuất lớn.

Theo tiêu chí Thông tư 69 trước đây có 135.000- 150.000 hộ đạt tiêu chí trang trại, còn theo tiêu chí mới hiện nay là Thông tư 27 của Bộ NNPTNT, có 29.500 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất KTTT.

Dù có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nhưng nếu xét về chính sách riêng biệt thì tới nay chúng ta vẫn chưa có một chính sách nào hỗ trợ riêng KTTT.

Do đó, một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển KTTT được coi là chính sách đầu tiên hỗ trợ phát triển cho khu vực kinh tế này.

“Không phải cứ sản xuất to là hỗ trợ, nhưng muốn các trang trại này tăng lên cần được hỗ trợ tốt hơn về năng lực, đặc biệt là đất đai”.

Tức là phải cấp giấy chứng nhận cho nó, nếu không cầm trong tay giấy chứng nhận của 10 ông khác, ôm một đống sổ đỏ nhưng không chứng minh được đất đó là của chủ trang trại thì không thế chấp, không vay được vốn ngân hàng thì không thể mở rộng sản xuất được” - TS Thịnh nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn- Phó Giám đốc Trung tâm Gia súc Hà Nội, thành phố đang thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và xây dựng các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu dùng.

“Đây cũng chính là những điều kiện quá thuận lợi để các trang trại đầu tư phát triển sản xuất.

UBND cấp huyện cũng cần nên đẩy nhanh việc cấp GCN trang trại”- ông Sơn nói.


Related news

xuat-khau-gao-co-kha-nang-dat-6-8-trieu-tan Xuất khẩu gạo có khả… ky-thuat-nuoi-ca-ro-dong-hieu-qua Kỹ thuật nuôi cá rô…