Mô hình kinh tế Con bò là đầu cơ nghiệp

Con bò là đầu cơ nghiệp

Publish date Friday. September 18th, 2015

Những cây rơm ngày nay khá hiếm nơi khác nhưng còn nhiều ở huyện Vũng Liêm, địa phương hiện có tổng đàn bò nhiều nhất tỉnh.

Thực tế ở những vùng cù lao với đặc thù đất đai, thổ nhưỡng thì cây ăn trái lâu năm (nhãn, măng cụt, bưởi da xanh) hay rau màu hoặc cây công nghiệp ngắn ngày (bắp, mía, đậu nành), xứ rẫy (khoai lang, hành lá, dưa leo, ớt... là lựa chọn tốt.

Còn ở nơi có đàn bò lớn trong chăn nuôi như Vũng Liêm (Vĩnh Long), có thể nói con bò đã chiếm “tỷ trọng” đáng kể để chính quyền, người dân chọn làm “con xóa đói giảm nghèo”, đồng thời cũng là thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Con bò gầy vốn

Kế hoạch phát triển đàn bò xã Quới An, mô hình trồng bưởi da xanh (ở xã Thanh Bình, Quới Thiện) thuộc huyện Vũng Liêm là 2 cách làm để tái cơ cấu nông nghiệp.

Mục tiêu của dự án chăn nuôi bò là tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo có việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ, góp phần đạt tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tận dụng phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp làm nguồn thức ăn cho bò.

Đặc biệt, còn tạo điều kiện cho người dân nghèo có điều kiện tích lũy vốn.

Anh Nguyễn Văn Yên- cán bộ phụ trách chăn nuôi- thú y thuộc Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm cho biết, dự án chăn nuôi bò này ban đầu dự kiến hỗ trợ 50 hộ nghèo và 50 hộ cận nghèo xã Quới An có điều kiện chăn nuôi. Sau khi thẩm định, có 57 hộ dân ở đây đủ tiêu chí nuôi bò.

Số còn lại huyện cho chuyển sang xã Trung Chánh và 31 hộ dân thuộc diện trên được cấp bò. Tổng cộng 88 hộ dân được cấp bò theo dự án.

Phó Chủ tịch UBND xã Quới An Nguyễn Quang Khiêm cho biết: Xã có 57 hộ nhận bò cái để có khả năng hồi vốn, thu lãi sau này, giá bò từ 22 - 25 triệu đồng/con.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chánh Văn phòng UBND huyện Vũng Liêm, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vũng Liêm hỗ trợ các hộ dân vay vốn để mua bò, ngân sách huyện hỗ trợ từ 50 - 100% lãi suất.

Am hiểu về dự án, anh Yên cho hay, để tạo sinh kế cho người nghèo, hiệu quả nhất là cấp cho họ vốn để nuôi bò. Tạm tính khi nuôi một con bò trong 3 năm, người dân lời gần 11 triệu đồng/con (bán khoảng 40 triệu đồng/con bò). Như vậy, với 100 con bò dự án giao cho 100 hộ dân, giá trị kinh tế tạo ra hơn 1 tỷ đồng sau 3 năm nuôi. “Đó là cách làm thiết thực để người dân nghèo, cận nghèo tạo lập kinh tế gia đình bền vững hơn”.

Chúng tôi nhận thấy đó là tính “cứng”, còn với nhà có điều kiện, họ có thể đầu tư phát triển bò nhà mình lên nhiều hơn, thu lợi nhuận cao hơn. Tính đến tháng 8/2015, Vũng Liêm hiện có tổng đàn bò 25.325 con, tăng 6,8% so cùng kỳ 2014. Tổng đàn bò ở huyện chiếm cao nhất tỉnh, nên có thể nói giá trị kinh tế tạo ra từ chăn nuôi gia súc này là rất lớn.

Cỏ, rơm... đắt hàng

Minh chứng cho đàn bò phát triển mấy năm gần đây, ông Nguyễn Văn Sơn nói vui: Giờ đang “khủng hoảng” thức ăn cho đàn bò. Rơm bây giờ có nhà phải mua trữ, cỏ phải trồng. Phóng viên thực tế các địa bàn ở Vũng Liêm, các huyện trong tỉnh, đi đâu cũng thấy người dân “nuôi” cỏ voi quanh nhà, bờ vùng trên đồng, lề lộ... Cỏ nhà nào nhà ấy dưỡng, làm nguồn thức ăn chủ lực bên cạnh rơm và đến khi hết vụ mùa.

Có nông dân kể chục năm về trước, sáng dắt bò ra bỏ đâu đó trên đồng, rồi đi cà phê. Giờ không làm như vậy được, phần vì con bò giá trị (coi như gia sản), phần vì nguồn thức ăn (cỏ, rơm) khan hiếm, nhà nào cũng khu trú phần của mình để nuôi bò nhà. Nên không khó để thấy: “cỏ trồng”, “cỏ nuôi”, “cỏ dưỡng”... ghi trên các tấm bảng gắn ở những đám cỏ bên mọi nẻo giao thông.

Cán bộ nông nghiệp nói với tôi: Bây giờ mùa khô máy gặt đập liên hợp đầy đồng. Rơm qua máy gặt đập thu gom khó, lưu trữ cũng khó vì cọng rơm ngắn. Máy xếp dãy thì rơm thu dễ hơn, trữ cho bò ăn dễ hơn. Rơm là nguồn phế phụ phẩm không thể thiếu với đàn bò.

Chiều 14/9, cán bộ nông nghiệp thuộc UBND xã Quới An Từ Tân Xuyên dẫn tôi đi thăm đôi bò nhà anh Nguyễn Hoàng Minh và chị Đỗ Thị Phượng (ấp Vàm An). “Bà con ở xóm nói 2 con bò này (một con dự án, một con do người bà con nhờ nuôi) “sướng” nhất đó. Bởi nó đủ cỏ ăn, do vợ chồng tui tự trồng, cắt thêm đầy đủ”- chị Phượng nói.

Con bò dự án nhà chị Phượng nuôi rất mau lớn.

“Xã mới đi khảo sát xong tất cả hộ nuôi bò, có đánh giá, ghi chép hẳn hoi rồi giao lại cho 10 cán bộ ấp nắm, cùng nhau theo dõi. Bò tại mỗi hộ dân đến nay sau 3 tháng nhận nuôi phát triển tốt”- Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quang Khiêm, kiêm Tổ trưởng Tổ thẩm định các dự án phát triển đàn bò và trồng bưởi da xanh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở Quới An nói với tôi.

Những người am hiểu chuyện nuôi bò ở đây tiếp tục nói về việc “sốt” thức ăn: Giờ cỏ bờ mẫu nhà ai người đó cắt và hầu hết nông dân nào cũng trồng cỏ voi, bất cứ cỏ chỗ nào tận dụng được đều dành để nuôi bò.

Chúng tôi nhận thấy, rất nhiều nhà, không riêng hộ nghèo, cận nghèo, mà khá giả cũng có nuôi bò. Họ có cùng mẫu số chung với mô hình này: tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Trước đây, hễ cứ sáng là dắt bò ra bỏ thí đâu đó trên đồng, rồi đi cà phê. Giờ thì khó, phần vì con bò giá trị (coi như gia sản), phần vì nguồn thức ăn (cỏ, rơm) bây giờ khan hiếm, nhà nào cũng khu trú phần của mình để nuôi bò nhà. Không khó để thấy: “cỏ trồng”, “cỏ nuôi”, “cỏ dưỡng”... ghi trên các tấm bảng gắn ở những đám cỏ bên mọi nẻo giao thông.


Related news

cong-bo-quyet-dinh-cap-giay-chung-nhan-nhan-hieu-tap-the-ga-dong-tao Công bố quyết định cấp… can-dau-tu-bai-ban-cho-nghien-cuu-giong-vat-nuoi Cần đầu tư bài bản…