Công dụng của muối trong nuôi thủy sản nước ngọt
Muối có thành phần đơn giản nhưng cung cấp nhiều lợi ích cho người nuôi thủy sản nước ngọt. Muối có thể phòng ngừa các vấn đề phát sinh trong quá trình nuôi thương phẩm thủy sản nước ngọt ở mật độ cao.
Những thao tác, cách xử lý sai trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, phân cỡ, cho cá đẻ và nhiều hoạt động hàng ngày khác sẽ làm cá bị stress và nhiễm trùng, dẫn đến những thiệt hại đáng kể. Có thể giảm thiểu thiệt hại trên thông qua cải thiện cách xử lý và sử dụng muối để phòng ngừa. Bài viết này cung cấp một số kiến thức từ thực tế, cách sử dụng muối để phòng bệnh trong trại nuôi cá.
Tại sao muối có ích cho người nuôi thủy sản?
Muối thông thường (sodium chloride - NaCl, sau đây gọi là muối) có sẵn ở nhiều nơi, an toàn cho cá và công nhân, không để lại dư lượng gì trên thịt cá và được xem là an toàn trong nuôi trồng thủy sản ở nhiều quốc gia. Muối có giá cả không đắt và được sử dụng thường xuyên trong xử lý thủy sản nước ngọt. Muối ngăn stress trong quá trình xử lý, phục hồi áp suất thẩm thấu, phòng ngừa và kiểm soát bệnh, cải thiện tỷ lệ sống của cá trước và sau khi vận chuyển, giúp giảm bớt những điều kiện bất lợi của môi trường và hỗ trợ sức khỏe cho cá bố mẹ trong quá trình sinh sản và sau sinh sản…
Osmoregulation trong cá có thể bị ảnh hưởng bởi việc xử lý stress. Khi phân loại hoặc vận chuyển stress dẫn đến sự gia tăng nồng độ cortisol trong máu cá. Cortisol làm cho cá bị mất muối hơn và hấp thụ nhiều nước hơn bình thường. Khoảng thời gian ngắn khi cá trong lưới là cơ hội để giảm stress cho cá. Ảnh: Fernando Kubitza.
Sử dụng muối trong nuôi thủy sản
Đa số người nuôi đều không biết hết các tác dụng của muối dùng trong nuôi thủy sản. Thực tế, muối thường được sử dụng không đúng cách hoặc sử dụng quá trễ, thường ở nồng độ thấp và không có tác dụng hay dùng trong thời gian quá ngắn. Thêm vào đó, những trại cá thường thiếu các dụng cụ thích hợp để thao tác và xử lý cá hợp lý khi cần thiết.
Những tác dụng có thể của muối dùng trong nuôi thủy sản nước ngọt được thể hiện ở Bảng 1. Muối làm giảm nguy cơ nhiễm nấm và vi khuẩn sau khi thao tác, có hiệu quả và an toàn để khống chế một số bệnh về ngoại kí sinh trùng. Có thể xử lý muối trong thời gian ngắn và nồng độ cao (20 - 50‰) hay dùng ở nồng độ thấp (12 - 15‰) trong thời gian dài.
Ở nồng độ muối từ 8 - 10‰, có thể giữ cá bình thường, không giới hạn thời gian. Cho muối vào nước sẽ cải thiện tình trạng của cá trong quá trình thao tác và vận chuyển cũng như sẽ giảm thiểu tỉ lệ chết sau khi bị stress do quá trình thao tác, quây nhốt cá. Thêm muối có bổ sung thạch cao vào nước là một cách có hiệu quả để cá bố mẹ ở một vài loài chịu đựng được sự mất cân bằng về điều hòa áp suất thẩm thấu sau khi cho đẻ. Tắm muối cũng thường được sử dụng để ngừa trứng cá bị nhiễm nấm. Muối cũng có thể được đưa vào thức ăn của cá, nhằm giúp chúng phục hồi nồng độ muối trong máu sau khi bị stress trong quá trình thao tác.
Bảng 1: Những tác dụng của muối dùng trong nuôi thủy sản nước ngọt.
Hướng dẫn sử dụng | Liều dùng (‰ hoặc g/lít) | Thời gian |
Dùng điều trị bệnh do Flavobacterium (mục vây, nấm miệng), bệnh nấm do Saprolegnia | 20 - 30 | Tắm nhanh từ 10 - 30 phút, phụ thuộc vào sức chịu đựng của cá. |
Phục hồi nồng độ muối trong máu, cải thiện tình trạng cá; Trong bể xử lý cá (nhịn ăn) trước khi vận chuyển; Trong bể xử lý và phân cỡ cá; Bể dưỡng cá giống sau khi vận chuyển; Trong bể trữ cá sống ở các nhà máy chế biến; Trong hồ nuôi cá cảnh để bán hoặc những hồ bán cá sống. | 3 - 6 | Không giới hạn |
Phục hồi nồng độ muối trong máu sau khi bị stress do quây nhốt, xử lý và phân cỡ cá để đem đi nuôi chỗ khác. | Cho muối vào thức ăn. | Hòa tan 10 - 15g muối trong 150 ml nước và phun đều cho 1kg thức ăn viên, cho ăn ngay sau khi vận chuyển cá, liên tục 2 - 3 ngày. |
Phòng ngừa nấm Saprolegnia và nhiễm khuẩn ngoài trong và sau khi thao tác. | 3 - 6 | Không giới hạn |
Kiểm soát sán lá và một số bệnh kí sinh trùng trên da, mang. | 50 | Ngâm nhanh (30 giây đến 3 phút). Dùng trong những trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng ở những nơi khó xử lý. |
Kiểm soát sán lá và một số bệnh kí sinh trùng trên da, mang. | 20 - 30 | Tắm nhanh (10 - 30 phút). Cần lặp lại 2 - 3 lần để kiểm soát có hiệu quả trên một vài loài kí sinh trùng. |
Kiểm soát sán lá và một số bệnh kí sinh trùng trên da, mang. | 10 - 15 | Tắm 6 - 12 giờ, sau đó rửa lại bằng cách cho nước chảy chậm qua. Tắm lặp lại 2 - 3 lần. |
Ngăn ngừa thiệt hại cá bố mẹ (bị mất cân bằng áp suất thẩm thấu) trong quá trình nuôi nhốt hoặc cho đẻ tự nhiên. | 5 - 6, có bổ sung thạch cao 80 g/m3 | Không xác định. Cá được nuôi trong nước có muối và thạch cao. Sau khi đẻ xong, cần giữ cá tối thiểu qua đêm trong nước này trước khi đem chúng đi ao khác vào ngày hôm sau. |
Trong nước vận chuyển | 5 - 8 | Trong suốt thời gian vận chuyển |
Dùng trong hệ thống tuần hoàn và biofloc để phòng ngừa các bệnh về mang do vi khuẩn, bệnh mục vây, nhiễm nấm. Giảm nguy cơ nhiễm độc nitrite. | 3 | Trong suốt thời gian sản xuất. |
Dùng trong ao nước tĩnh để ngăn ngừa độc tố nitrite | 6 Cl- : 1 NO2- | Xem thêm ở bài “Muối - Công cụ hữu ích trong nuôi trồng thủy sản, phần 2” |
Dùng cho trứng cá - kiểm soát bệnh nấm | 20 - 30 | Tắm nhanh từ 10 - 15 phút |
Dùng cho trứng cá - phòng ngừa bệnh nấm, nhiễm khuẩn trên trứng cá rô phi | 4 - 6 | Không xác định. Dùng trong hệ thống ấp trứng vòng |
Sử dụng muối biển trong sản xuất cá nước ngọt
a. Trong bể xử lý cá (nhịn ăn) trước khi vận chuyển:
Cá bột và cá giống thường bị chết sau khi vận chuyển và bị stress trong quá trình thao tác. Những vấn đề này phát sinh ngay khi thu hoạch và sẽ trầm trọng hơn sau khi phân cỡ, đếm hoặc cân cá. Cá luôn bị các tổn thương vật lý (như: mất nhớt và vẩy, thâm tím, thủng lổ …) và mất quá nhiều muối, làm chúng khó khăn trong việc cân bằng điều hòa áp suất thẩm thấu. Ngoài ra, sự căng thẳng do quây nhốt, giữ cá ở mật độ cao trong quá trình làm sạch cá (bỏ đói) đã gây ra một loạt các phản ứng sinh lý mà đỉnh cao là sự gia tăng lượng cortisol trong máu.
Giữ hậu ấu trùng, cá bột, cá giống và thậm chí cả cá lớn trong nước muối có nồng độ 3 - 6‰ sẽ giúp cá cân bằng áp suất thẩm thấu. Cá cũng sẽ sản sinh thêm nhớt để phản ứng lại với muối, và nhớt sẽ phủ lại những tổn thương trên bề mặt cơ thể, ngăn ngừa những tổn thương ở da và vây từ những tác động xấu. Hơn nữa, với nồng độ muối từ 3 - 6‰ sẽ ngăn chặn các nhiễm trùng cơ hội từ nấm (Saprolegnia) và vi khuẩn.
Muối được cho vào trong bể, cho cá nhịn ăn, trong thời gian này không thay nước nên cần phải có sục khí. Ở một vài loài cá như rô phi hay cá chép, nếu phân không được đưa ra ngoài thì sẽ bị chúng ăn lại. Hệ thống tuần hoàn cho phép thu và loại bỏ những chất cặn bả. Trong thực tế, hệ thống tuần hoàn rất có ích, do nước muối có thể được tái sử dụng liên tục mà không phải thải ra ngoài môi trường. Nếu không có hệ thống tuần hoàn, người nuôi cần bỏ cá trong một giai mềm (mắc lưới 5 - 7 mm), cách đáy 20 - 30 cm để ngăn chúng ăn lại phân và các vật chất hữu cơ lắng xuống đáy.
Hình 2: Giai được giữ cách đáy bể từ 20 - 30 cm. Điều này ngăn cá ăn lại phân của chúng và đồng thời dễ thao tác đóng bao hoặc cho vào thùng vận chuyển.
Khi vận chuyển, sử dụng muối ở nồng độ 5 - 8‰ giúp giảm thiểu sự khác biệt giữa nồng độ muối trong nước và trong máu cá. Khi cá giống được vận chuyển trong túi nilon với lượng thích hợp thì hàm lượng ammonia tổng số trong nước khoảng 40 mg/l. Nếu cá giống không được cho nhịn ăn hợp lý, ammonia tổng số có thể vượt quá 120 mg/l. Cá không chết vì pH của nước trong túi nilon thường thấp do có sự gia tăng nồng độ CO2 trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, nồng độ ammonia cao trong nước sẽ ngăn cá thải ammonia thông qua con đường khuyếch tán đơn giản từ máu vào nước. Sự hiện diện của ion Na+ trong nước sẽ giúp vận chuyển tích cực ion ammonium NH4+ từ máu vào nước.
b. Phục hồi và ngăn ngừa cá chết sau khi vận chuyển:
Những người nuôi cá thường gặp tình trạng cá chết sau khi nhận cá từ 1 - 2 tuần. Có nhiều yếu tố đằng sau tổn thất này, bao gồm việc chuẩn bị kém để vận chuyển cá, bị kí sinh trùng, thao tác không thích hợp khi thu hoạch và phân cỡ, quản lý không tốt trong quá trình vận chuyển. Nhiều người sản xuất cá giống không kiểm tra cũng như xử lý kí sinh trùng cho cá trước khi chuyển đi. Cá có kí sinh trùng trong mang có thể bị mất cân bằng áp suất thẩm thấu. Thêm vào đó, kí sinh trùng sẽ làm nặng thêm tình trạng cá yếu đi do bị stress, tỷ lệ cá chết sau vận chuyển thường sẽ tăng. Ngoài ra, cá giống khi giao thường có những đốm trắng trên da và vây do nhiễm khuẩn bên ngoài (thường là Flavobacterium columnare) hoặc bị nhiễm nấm Saprolegnia. Những đốm này phát triển rất nhanh gây ra những tổn thương nghiêm trọng hơn, góp phần làm tăng tỉ lệ chết của cá giống trong tuần đầu tiên sau khi vận chuyển về.
Một cách hiệu quả để phục hồi cá, giảm thiểu thiệt hại sau vận chuyển đó là giữ cá lại trong bể có muối 5 - 6‰. Có thể gọi là “bể phục hồi”, nơi cá được dễ dàng xử lý formalin hay thuốc tím để loại trừ kí sinh trùng bên ngoài (Hình 3). Nếu tỉ lệ cá chết do nhiễm khuẩn là bình thường, có thể ngăn ngừa bằng các loại kháng sinh được phép sử dụng hoặc thức ăn có trộn thuốc sau khi cá về đến trại. Thông thường, sau 4 - 5 ngày là đủ để cá hồi phục hoàn toàn, nồng độ muối trong máu khôi phục, những tổn thương được chữa khỏi và sẵn sàng vận chuyển đến các đơn vị sản xuất.
Hình 3: Cá giống trong bể phục hồi, nồng độ muối từ 5 - 6‰. Mật độ thả 5 - 10 kg/m3 nước. Cá có thể được cho vào trong giai (giai được đặt trong bể) để dễ dàng bắt và vận chuyển đến nơi nuôi. Sục khí liên tục và cho ăn trong suốt giai đoạn phục hồi.
Người nuôi cần theo dõi hàm lượng NH3 và thay nước từng phần khi hàm lượng NH3 vượt quá 0,5 ppm. Bể có thể nằm trong hệ thống tuần hoàn để cho phép thu chất thải rắn. Nếu bể được duy trì sục khí và che nắng, ngăn tảo phát triển thì nước có thể được tái sử dụng cho những đợt cá tiếp theo.
c. Muối giúp kiểm soát nấm và vi khuẩn bên ngoài
Giữ cá trong nước có 5 - 6‰ muối trong suốt quá trình thao tác, bỏ đói, vận chuyển sẽ giúp cá ngăn ngừa sự nhiễm nấm và vi khuẩn bên ngoài. Tuy nhiên, khi cá đã bị bệnh thì tắm nước muối 20 - 30‰ từ 10 - 30 phút. Khi nuôi cá trong lồng có thể tích nhỏ có thể bao xung quanh lồng bằng tấm nhựa (Hình 4). Sục khí để duy trì hàm lượng oxy hòa tan thích hợp trong suốt quá trình xử lý. Có thể chọn tắm nhanh cho cá (20 - 30‰ muối, từ 10- 30 phút), hoặc tắm lâu (10 - 15‰, từ 6 - 12 giờ).
Hình 4: Hình minh họa một lồng cá (bên trái) dùng để xử lý hóa chất (muối hoặc các chất khác), sử dụng tấm nhựa vinyl bao quanh để cách ly lồng và cá khỏi môi trường xung quanh. Bắt buộc có sục khí. Dự phòng trong trường hợp mất điện là một bình oxy và bộ phận khuyếch tán oxy. Người nuôi (bên phải) đang bao lồng cá rô phi.
Việc sử dụng muối để xử lý cá bị nhiễm Saprolegnia hoặc Flavobacterium trong ao nuôi không dễ dàng và kinh tế như trong lồng có thể tích nhỏ. Có nhiều lựa chọn khác nhau để xử lý cá trong ao nuôi. Để xử lý một khối lượng ít cho cá có giá trị lớn (ví dụ như cá cảnh, cá bố mẹ, …), người ta có thể thu cá một cách cẩn thận và chuyển chúng đến bể để xử lý nhanh. Ở những ao rất nhỏ, có thể tập trung cá lại bằng lưới kéo vào một góc cuối ao, giới hạn khu vực xử lý khoảng 10% diện tích ao bằng cách đặt một tấm nhựa vinyl ngay bên dưới tấm lưới. Thể tích của khu vực xử lý nên được ước lượng, lượng muối phải đạt tối thiểu 10‰, duy trì từ 8 - 12 giờ. Phải có máy sục khí và hàm lượng oxy hòa tan phải được giám sát thường xuyên trong suốt quá trình xử lý. Khi xử lý xong, mở tấm nhựa vinyl và lưới ra để cá thoát ra ngoài và muối được pha loãng vào ao.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao