Tin nông nghiệp “Cuộc chiến” ong nội - ong ngoại: Cấm phải có cơ sở rõ ràng!

“Cuộc chiến” ong nội - ong ngoại: Cấm phải có cơ sở rõ ràng!

Author Trần Quang, publish date Friday. November 25th, 2016

Đó là quan điểm của ông Đinh Quyết Tâm – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam về việc lãnh đạo tỉnh Hà Giang vừa tuyên bố không cho các chủ nuôi ong đưa ong ngoại vào địa bàn tỉnh này, nhất là vùng quy hoạch nuôi ong nội trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Không có cơ sở thuyết phục

Việc tỉnh Hà Giang cấm các chủ nuôi ong đưa ong ngoại vào vùng quy hoạch nuôi ong nội (ong hút mật cây bạc hà)  trên cao nguyên núi đá Đồng Văn dựa trên cơ sở chỉ dẫn địa lý mà Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp, ông Tâm cho rằng, cơ sở này không thuyết phục. Bởi căn cứ này chủ yếu đề cập đến thương hiệu và chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ chứ không đề cập cụ thể, chi tiết là giống ong nào.

Trong ảnh: Lệnh cấm và ngăn chặn của nhiều địa phương ở Hà Giang đang gây khó khăn, bức xúc cho người nuôi ong giống ngoại (ảnh minh họa).  Ảnh:  I.T

Nếu được phép nuôi giống ong khác ở địa bàn 47 xã (theo chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc) về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý thì sản phẩm mật ong của giống ong đó không được ghi thương hiệu mật ong bạc hà Mèo Vạc. Người nuôi ong cần lưu ý phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng. Đảm bảo vệ sinh môi trường và an ninh, trật tự, đăng ký tạm trú, tạm vắng...”.  Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT)

“Rõ ràng việc đưa ong ngoại (ong Ý) vào nuôi trong vùng quy hoạch nuôi ong nội sẽ dẫn đến việc cạnh tranh vùng lấy mật. Hiện nay, theo tìm hiểu của tôi, vùng cây bạc hà cung cấp mật cho ong nội ở đây không có nhiều, nếu như đưa ong ngoại vào nuôi và lấy mật sẽ gây bất lợi cho ong nội, bởi ong ngoại rất khỏe. Nguy cơ chỉ 1 - 2 năm sau nghề nuôi ong của người dân bản địa sẽ tàn lụi, giống như bài học mật ong càng cua ở Mộc Châu, Sơn La. Tuy nhiên, nếu Hà Giang đưa ra quy định cấm cũng phải có cơ sở thuyết phục, không sẽ tạo ra tiền lệ xấu gây khó khăn cho nghề nuôi ong ở Việt Nam” - ông Tâm khẳng định.

Cũng theo ông Tâm, vào cuối tháng 10 vừa qua, ngay khi có thông tin Hà Giang có quy định cấm đưa ong ngoại vào địa bàn, đại diện Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam đã cùng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) lên  khảo sát và tìm hiểu thấy xuất hiện một số khu vực nuôi ong ngoại song đều không có chủ ong. “Việc mà chúng tôi nghi ngại nhất không chỉ là việc dưa ong ngoại vào nuôi sẽ dẫn đến cạnh tranh vùng lấy mật, mà lo rằng sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc sẽ bị trà trộn gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm đặc sản của địa phương” – ông Tâm chia sẻ.

Theo ông Tâm, hiện Việt Nam có khoảng 1,5 triệu đàn ong, trong đó ong ngoại chiếm áp đảo với 1,2 triệu đàn. Những người nuôi ong ngoại đa phần là nuôi chuyên nghiệp, di chuyển kiểu du canh du cư...

Về phía Bộ NNPTNT, trong văn bản trả lời UBND tỉnh Hà Giang ngày 7.10, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng: Để đảm bảo chất lượng mật ong mang thương hiệu mật ong bạc hà Mèo Vạc, người nuôi ong phải tuân thủ các quy định về việc cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Đặc biệt, tỉnh Hà Giang cần chủ động xây dựng quy chuẩn địa phương cho ong mật và sản phẩm của ong mật, hướng dẫn các cơ sở nuôi ong mật xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở ong mật và sản phẩm ong mật. Hà Giang cũng cần xây dựng kế hoạch bảo tồn ong tại địa phương, nêu rõ tên giống. Về mặt quản lý ngành, tỉnh cần phối hợp Viện Chăn nuôi để có kế hoạch bảo tồn.

Nên có quy định cụ thể

Cùng quan điểm, ông Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Việc dựa theo chỉ dẫn địa lý để cấm chắc chắn sẽ không thuyết phục, còn dựa theo Luật Đa dạng sinh học để cấm cũng chưa đủ bởi giống ong Ý cũng đã được công nhận là giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh từ nhiều năm nay”.

Cũng theo ông Khởi, hiện trung tâm mới nhận được thông tin, sắp tới đơn vị sẽ tiếp tục trao đổi với các cơ quan liên quan để bàn cụ thể đưa ra hướng giải quyết tốt nhất vừa giúp cho tỉnh Hà Giang không lúng túng trong việc giải quyết vụ việc, vừa giúp người nuôi ong địa phương cũng như ong ngoại ở trong và ngoài tỉnh yên tâm sản xuất, làm giàu.

Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Hương - một chủ nuôi ong ngoại ở Phú Thọ cho biết: Dù Hà Giang chưa ra văn bản cấm cụ thể song năm 2015, tỉnh này ra Quyết định số 3405 về việc tăng cường quản lý đàn ong trên địa bàn tỉnh thì rõ ràng những người nuôi ong ngoại từ tỉnh khác tới Hà Giang được coi là trái phép. Đặc biệt, từ đầu năm 2016 trở lại đây, các biển báo cấm nuôi ong ngoại được cắm nhiều hai bên đường của huyện Quản Bạ, còn các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc đều  có danh sách phân vùng nuôi ong cụ thể khiến người nuôi ong ngoại rất lao đao khốn khổ khi muốn đưa đàn ong của mình tới những địa phương này. 

Bà Hương cho biết thêm, nếu lãnh đạo tỉnh Hà Giang cho rằng đưa ong ngoại vào sẽ gây bệnh cho ong nội là không đúng. Bởi hiện nay, chưa có một nghiên cứu hay thông tin nào về việc ong ngoại gây bệnh cho ong nội.

Ông Phạm Hướng - chủ nuôi ong ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho rằng: “Về góc độ người nuôi ong Ý và đã thành công từ loài ong này, tôi thấy rằng ong Ý rất khỏe, cho năng suất mật cao nhờ thế mà thu nhập của người nuôi tăng gấp nhiều lần so với nuôi ong truyền thống. Nếu Hà Giang cấm nuôi ong Ý trên địa bàn là không công bằng”.

Ông Hướng cho rằng, để vừa gìn giữ và phát triển thương hiệu mật ong bạc hà Mèo Vạc vừa tạo điều kiện cho các chủ nuôi ong ngoại có cơ hội làm giàu, tỉnh Hà Giang chỉ cần đưa ra quy định cụ thể, đặc biệt là có chế tài, có biện pháp xử phạt thật nặng các đối tượng làm giả mật ong của địa phương đã được cấp chỉ dẫn địa lý, cần thiết trục xuất các chủ ong vi phạm ra khỏi tỉnh sẽ thuyết phục hơn. 


Related news

cu-chi-chon-mot-tieu-chi-de-nang-chat-lam-diem-tranh-dan-trai Củ Chi: Chọn một tiêu… lua-chon-probiotics-the-nao-cho-hieu-qua-trong-chan-nuoi Lựa chọn Probiotics thế nào…