Cứu Vãn Chất Lượng Để Cá Ngừ 'Hội Nhập'
“Để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững nghề câu cá ngừ đại dương, trước mắt phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm mới có thể xuất khẩu ra các thị trường lớn, nhất là Nhật”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị bàn giải pháp khai thác, xuất khẩu cá ngừ do Bộ NN&PTNT tổ chức với sự tham gia của đại diện lãnh đạo, các cơ quan liên quan, doanh nghiệp thủy sản, ngư dân ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, diễn ra ngày 13-9 tại TP Tuy Hòa (Phú Yên).
Mất dần thương hiệu
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã được xuất khẩu đến 99 nước trên thế giới, trong đó thị trường chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật. Thời gian qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng nhanh, trong năm 2013 đã đạt hơn 526 triệu USD.
“Thực tế sản lượng cá ngừ của Việt Nam khá cao và hầu hết tập trung tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu còn thấp do chất lượng kém, chưa đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn, nhất là Nhật. Thời gian qua, sau khi khai thác, ngư dân chủ yếu bán sô, bán mớ. Các doanh nghiệp thu mua cũng khó xuất khẩu được” - ông Oai nhận định.
Đó cũng nỗi lo chung của nhiều nhà quản lý, doanh nghiệp khi bày tỏ ý kiến tại hội nghị. Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, cho biết từ khi nghề câu tay kết hợp ánh sáng phát triển rầm rộ, chất lượng và giá cá ngừ giảm sâu chưa từng thấy, gây thất thoát hơn 50% giá trị, nguồn lợi; đặc biệt đã ảnh hưởng uy tín, thương hiệu cá ngừ Việt Nam, làm giảm sức cạnh tranh trong xuất khẩu, phần lớn không thể xuất khẩu nguyên con.
“Một trong những khó khăn nhất hiện nay là thiết bị bảo quản trên tàu cá còn quá lạc hậu. Do khâu bảo quản còn thô sơ nên chất lượng cá ngừ kém, không đảm bảo chất lượng để làm sản phẩm ăn tươi nên chủ yếu dùng chế biến phi lê đông lạnh, thậm chí nhiều lô cá chất lượng rất kém chỉ có thể sử dụng làm nguyên liệu cho sản phẩm đồ hộp. Chất lượng sụt giảm đã khiến cá ngừ của chúng ta đang dần mất thương hiệu”.
Cũng theo ông Bản, trong một năm trở lại đây, tất cả 14 nước gồm Mỹ, Nhật, khối EU đều giảm giá nhập khẩu cá ngừ của Khánh Hòa, thị phần tại nhiều nơi khác trên thế giới cũng bị thu hẹp.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định - doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam ký hợp đồng với doanh nghiệp Nhật đưa cá ngừ sang đấu giá tại Nhật, kể: “Sau ba chuyến đánh bắt của đội tàu ngư dân Bình Định, trong 94 con cá ngừ chỉ lựa chọn được 14 con đưa đi xuất khẩu. Tuy nhiên, khi bán tại Nhật, giá cá cũng không thể cao do chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của thị trường này”.
Theo ông Phùng Tấn Đạt, đại diện DNTN Lợi Anh (TP Tuy Hòa), do chất lượng cá thấp nên khi xuất khẩu qua ủy thác, các doanh nghiệp trong nước gặp rủi ro rất cao, các đối tác trung gian ở nước ngoài cũng luôn lo ngại về chất lượng cá ngừ Việt Nam.
Nâng chất bằng công nghệ Nhật
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, một trong những mục tiêu của đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi (do bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt đầu tháng 8-2014) đang được thực hiện tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa là nâng cao giá trị sản phẩm.
Cùng với việc tổ chức các mô hình liên kết trong khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi giá trị, các tỉnh này đều có những hoạt động tiếp cận với công nghệ Nhật. Trong đó Bình Định là địa phương tiên phong trong việc chủ động hợp tác với các doanh nghiệp Nhật để tiếp nhận công nghệ đánh, bảo quản mới của Nhật.
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật, ngư dân trực tiếp sang Nhật học tập, tiếp nhận công nghệ khai thác, xử lý, bảo quản cá ngừ trên tàu cá. UBND tỉnh Bình Định đầu tư hơn 1,4 tỉ đồng mua năm bộ thiết bị tạo xung, máy thu câu tự động của Nhật, cải tạo hầm bảo quản tàu cá hỗ trợ ngư dân.
Các chuyên gia Nhật đã trực tiếp sang Bình Định chuyển giao kỹ thuật đánh bắt, công nghệ bảo quản sản phẩm cho ngư dân. Đến nay tỉnh Bình Định đã hình thành một đội tàu với năm chiếc đánh bắt, bảo quản cá ngừ theo công nghệ Nhật và được Công ty CP Thủy sản Bình Định ký kết hợp đồng bao tiêu.
“Đầu tháng 8 vừa qua, lô hàng 10 con cá ngừ đánh bắt theo công nghệ Nhật đã được bán đấu giá tại Trung tâm Bán đấu giá TP Osaka, Nhật. Đây là lần đầu tiên cá ngừ Việt Nam lên sàn đấu giá tại thị trường Nhật” - bà Hà cho hay.
Theo ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, tỉnh này đang hợp tác với Tập đoàn ABI (Nhật) thực hiện dự án chuyển giao công nghệ, đầu tư thiết bị cấp đông nhanh theo công nghệ CAS, chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá ngừ để tiêu thụ tại thị trường Nhật.
Còn theo ông Lê Tấn Bản, Sở đang hợp tác với Công ty Yammar (Nhật) để chuyển giao công nghệ khai thác, sơ chế, bảo quản cá ngừ để tiêu thụ tại Nhật.
Sẽ có bộ tiêu chuẩn chất lượng cá ngừ
Bà Trần Thị Thu Hà băn khoăn: “Hiện nay chúng tôi phải vừa làm vừa tìm hiểu. Do đó chúng tôi đề nghị cần có một dự án chính thức về xuất khẩu cá ngừ chứ hiện nay chủ yếu là làm nhỏ lẻ. Phía Nhật cũng muốn hướng đến có một dự án chính thức để hỗ trợ phát triển khai thác, xuất khẩu cá ngừ”.
Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản), cho biết chính phủ Nhật đã cam kết cho vay vốn ODA để xây dựng ba cảng cá ngừ chuyên dụng tại Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, đồng thời chuyển giao quy trình khai thác, bảo quản theo công nghệ Nhật.
“Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất với Chính phủ có chương trình hợp tác chính thức cấp chính phủ với Nhật về khai thác, xuất khẩu cá ngừ đại dương. Do đó toàn bộ hoạt động khai thác, xuất khẩu cá ngừ đều phải chuyên nghiệp hóa, trong đó lấy chất lượng làm đầu” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay.
Cũng theo ông Tám, điều cấp thiết hiện nay là ban hành một bộ tiêu chuẩn chất lượng cá ngừ làm cơ sở để đánh giá sản phảm này, phục vụ xuất khẩu. “Cần tiếp tục nắm bắt kỹ hơn yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường, nhất là thị trường Nhật. Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng một bộ tiêu chuẩn chất lượng để phổ biến cho ngư dân, doanh nghiệp. Qua đó sẽ xây dựng một quy trình thống nhất về khai thác, bảo quản để phổ biến cho ngư dân. Sắp tới Bộ sẽ cử cán bộ tham gia xây dựng ngay bộ tiêu chuẩn này”.
Thứ trưởng Tám cho biết thêm, Bộ NN&PTNT sẽ giao Tổng cục Thủy sản quy định việc đánh số cá ngừ. Theo đó, từng con cá ngừ đều có các thông số như của tàu nào, câu lúc nào… Từ các thông số này, các chủ tàu có thể đưa thẳng cá ngừ vào các trung tâm đấu giá hoặc bán xuất thẳng ra nước ngoài. Ông Nguyễn Ngọc Oai cũng cho rằng việc đánh giá đúng chất lượng cá ngừ, định giá khách quan, đấu giá sản phẩm là khâu rất quan trọng trong chuỗi sản phẩm.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao