Mô hình kinh tế Đã “Bắt Được Bệnh” Lúa BC15 Lép Hạt

Đã “Bắt Được Bệnh” Lúa BC15 Lép Hạt

Publish date Friday. May 24th, 2013

Trước việc một số diện tích lúa ĐX cấy giống BC15 bị hiện tượng lép hạt, gây thiệt hại đáng kể cho một số tỉnh phía Bắc, ngày 21/5, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã có cuộc họp cùng các nhà khoa học và các địa phương tìm rõ nguyên nhân và bàn các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho nông dân thiệt hại.

Do giống mẫn cảm thời tiết

Đến ngày hôm qua, mặc dù chưa hoàn tất việc kiểm tra tổng hợp, tuy nhiên báo cáo tổng hợp của một số tỉnh có diện tích lúa BC15 bị lép hạt cho thấy diện tích bị thiệt hại khá lớn.

Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, tổng hợp sơ bộ của các địa phương trong tỉnh đến ngày hôm qua, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có khoảng 6.700 ha lúa BC15 (trong tổng số hơn 8.000 ha lúa BC15 toàn tỉnh) bị thiệt hại với hiện tượng lép hạt ở các mức độ và tỉ lệ khác nhau. Trong đó, ít nhất khoảng 5.000 ha bị thiệt hại nặng với mức trên 70% năng suất, nhiều diện tích mất trắng. Trong khi đó, tỉnh Nghệ An cho biết con số bị thiệt hại cũng đã tăng lên khá lớn sau khi tỉnh này kiểm tra rà soát kỹ đối với các diện tích lúa bị lép hạt với biểu hiện rõ rệt. Cụ thể tính đến ngày hôm qua, Nghệ An đã có khoảng 6.600 ha bị ảnh hưởng (trên tổng số 8.000 ha lúa BC15 toàn tỉnh), trong đó khoảng 5.300 ha bị thiệt hại với tỉ lệ từ 70 - 90%.

Cùng chung kết luận giống tỉnh Nghệ An, ông Đỗ Văn Kỳ (Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Thanh Hóa) cho biết, sau khi kiểm tra và họp với các cơ quan chức năng của tỉnh, cho thấy lúa BC15 bị lép hạt nhiều khả năng do mẫn cảm với thời tiết bất thuận. Cụ thể, rà soát của cơ quan khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, trong khoảng từ ngày 6/4 đến 16/4/2013, nền nhiệt độ ở tỉnh Thanh Hóa xuống rất thấp, có ngày xuống dưới mức 20 độ C, cá biệt có ngày xuống 18 độ C.

Tại cuộc họp ngày 21/5, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm (Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) tái khẳng định, giống lúa BC15 là giống lúa thuần mang đặc tính sinh học mẫn cảm kiểu dòng TGMS ngược, rất dễ xảy ra hiện tượng hạt phấn bất dục ở thời kỳ phân hóa đòng bước 5 - 6 nếu gặp nhiệt độ dưới 24 độ C, nên khi trỗ sẽ không thể đậu hạt được cho dù thời tiết khi lúa trỗ rất tốt. Đối chiếu với các thông số của cơ quan khí tượng thủy văn tại các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An cho thấy, giai đoạn nhiệt độ xuống dưới 20 độ C trùng với thời kỳ phân hóa đòng bước 5, bước 6 của lúa BC15. Điều này khẳng định lúa BC15 bị lép hạt là do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi.

Bà Trâm phân tích thêm: Do tháng 3/2013, thời tiết ấm, lúa phát triển nhanh nên thời gian sinh trưởng rút ngắn 5 - 7 ngày. Vì vậy, thời kỳ lúa phân hóa đòng “dính” trúng giai đoạn thời tiết hạ thấp bất lợi cũng là việc không may mắn và ngoài mong muốn. Tại cuộc họp, các nhà khoa học hàng đầu về nghiên cứu giống lúa và nhà quản lí nông nghiệp các địa phương bị thiệt hại đồng tình chung với ý kiến của TS Trâm. Căn cứ kết luận này của các nhà khoa học và ý kiến của cơ quan quản lí ở các địa phương bị thiệt hại, TS Lê Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Trồng trọt kết luận: Việc lúa BC15 bị lép hạt là do giống có đặc tính sinh học mẫn cảm với điều kiện thời tiết bất thuận. Vì vậy, việc thiệt hại sẽ được xem là thiệt hại do thiên tai.

Ông Doanh đề nghị các địa phương bị thiệt hại nhanh chóng rà soát diện tích và mức độ thiệt hại cụ thể gửi Cục Trồng trọt để kịp thời trình Chính phủ có chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, với tinh thần chia sẻ và trách nhiệm của nhà cung ứng giống lúa BC15, Cục Trồng trọt yêu cầu TCty Giống cây trồng Thái Bình phối hợp với các địa phương triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ về giống và tiền cho các hộ dân bị thiệt hại. Ông Lê Như Tuấn - GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước mắt, sau khi rà soát chính xác về diện tích và tỉ lệ thiệt hại, tỉnh Thanh Hóa sẽ có phương án hỗ trợ trực tiếp gạo và giống cho SX vụ mùa đối với các hộ dân có lúa BC15 bị thiệt hại.

Cần cam kết đảm bảo rủi ro

Bên cạnh kết luận chung về nguyên nhân của việc lúa BC15 bị lép hạt do hiện tượng thời tiết rủi ro ngoài ý muốn, một vài ý kiến (chủ yếu đến từ Sở NN-PTNT và các địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc) lại băn khoăn và nghi ngờ về chất lượng giống lúa này, cũng như quy trách nhiệm của Cty cung ứng giống.

Ông Nguyễn Văn Dũng - PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đến thời điểm này, Vĩnh Phúc đã có khoảng 660 ha lúa BC15 bị thiệt hại do lép hạt, trong đó hầu hết tại 2 huyện khó khăn nhất là Lập Thạch và Sông Lô. Về nguyên nhân, vị này băn khoăn cho rằng việc đổ lỗi thiệt hại do thời tiết là chưa thuyết phục. Bằng chứng là tại Vĩnh Phúc, các diện tích BC15 thiệt hại đều có chung hiện tượng nghẹt bông, trỗ không thoát bông, trỗ không đều kéo dài và có biểu hiện phân li (?). Bên cạnh đó, nhiều diện tích mặc dù trỗ sau ngày 30/4/2013, gặp thời tiết rất thuận lợi nhưng vẫn bị lép hạt.

Vì vậy theo ông Dũng, nhiều khả năng chất lượng lô giống là không đảm bảo chứ không riêng gì do thời tiết. Về ý kiến này, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cho biết, qua kiểm tra thực tế cũng như diễn biến thời tiết ở các giai đoạn lúa BC15 phân hóa đòng, về cơ bản hiện tượng lép hạt tại Vĩnh Phúc là do nguyên nhân giống Nghệ An và Thanh Hóa.

Tuy nhiên bà Trâm cũng cho biết thêm, một số diện tích bị thiệt hại, mặc dù thời gian phân hóa đòng rất tốt, tuy nhiên do trỗ vào giai đoạn đầu và giữa tháng 5/2013 gặp nắng nóng, nên cũng bị lép hạt. Điều này cho thấy ngoài việc mẫn cảm với thời tiết ở giai đoạn phân hóa đòng, nhiều khả năng phấn của giống BC15 còn chống chịu kém với nhiệt độ cao? Về vấn đề này, TS Lê Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Trồng trọt đã chỉ đạo Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia phối hợp với TCty Giống cây trồng Thái Bình trong thời gian sớm nhất, tiến hành kiểm tra và hậu kiểm đối với lô giống BC15 cung ứng tại Vĩnh Phúc.

Trong khi đó, trước việc giống BC15 bị thiệt hại khá nặng nề, nhiều địa phương đã tỏ ra dè chừng với giống lúa này, trước mắt là vụ mùa năm 2013. Ông Lê Như Tuấn - GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết do sự cố vừa qua, hiện nhiều địa phương trong tỉnh e ngại không đưa giống lúa này vào vụ mùa tới. “Mặc dù Thanh Hóa không khuyến khích và cơ cấu SX giống BC15 trong vụ xuân, nhưng phải thừa nhận do “tiếng thơm” của giống BC15 là rất tốt nên nông dân vẫn mở rộng diện tích giống này rất lớn. Tuy nhiên, để đảm bảo không lặp lại sự cố như vừa qua, trong vụ mùa tới, chúng tôi đề nghị Cty cung ứng giống cần phải ký HĐ đảm bảo rủi ro với nông dân” - ông Tuấn đề nghị.

“Đánh giá tính ổn định của một giống lúa hiện nay chỉ cần 3 vụ. Trong khi đó, từ khi đưa vào khảo nghiệm, công nhận chính thức và đưa ra SX trên cả nước đến nay, giống BC15 đã trải qua gần 12 năm trời và chưa bao giờ gặp sự việc nào như năm nay. Thế nên không thể nói giống này không có tính ổn định được. Vì thế, tôi cho rằng thiệt lần này chỉ là sự cố hi hữu, không may mắn mà thôi” - ông Lê Hồng Nhu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội thương mại Giống cây trồng VN.

+ “Theo tôi, việc đưa cơ cấu giống BC15 vào vụ xuân ở phía Bắc cần phải cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng và chặt chẽ về lịch thời vụ, cố gắng đưa vào trà xuân muộn vẫn là tốt nhất. Đối với vụ mùa, nếu gieo cấy sớm, hoàn toàn cố thể yên tâm đưa giống BC15 vào SX” - PGS.TS Nguyễn Thị Trâm.

+ “Trong quá trình chọn tạo và khảo nghiệm, hiện tượng giống BC15 bị lép hạt khi gặp thời tiết bất lợi chúng tôi cũng đã từng gặp. Cty cũng đã có khuyến cáo về rủi ro này trên bao bì sản phẩm khi đưa ra thị trường. Với sự cố này, Cty chân thành gửi lời xin lỗi và mong sự thông cảm và chia sẻ cùng người dân cũng như chính quyền các địa phương bị thiệt hại. Hiện tại, chúng tôi đã có phương án hỗ trợ giống và tiền mặt cho 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An cũng như đang khẩn trương kiểm tra, rà soát thiệt hại tại các tỉnh phía Bắc khác như Phú Thọ, Tuyên Quang... Đối với vấn đề nghi ngờ chất lượng lô giống tại Vĩnh Phúc, Cty sẵn sàng và thiện chí phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành hậu kiểm đối với các lô giống này” - ông Trần Mạnh Báo, TGĐ TCty CP Giống cây trồng Thái Bình.


Related news

ong-vua-nang-suat-mia “Ông Vua” Năng Suất Mía vu-lua-he-thu-2013-tiep-tuc-khao-nghiem-20-giong-lua-chiu-man-o-phu-yen Vụ Lúa Hè Thu 2013…