Tin nông nghiệp Đa dạng nguồn thu nhờ canh tác cà phê cảnh quan VnSAT

Đa dạng nguồn thu nhờ canh tác cà phê cảnh quan VnSAT

Author Minh Quý - Đăng Lâm, publish date Thursday. March 10th, 2022

Nhờ trồng xen các cây trồng khác theo quy trình canh tác cảnh quan, người dân đã có thêm nhiều nguồn thu nhập thay vì chỉ trông vào mỗi cây cà phê như trước.

Hiện sầu riêng, bơ trồng xen trong vườn cà phê đã bắt đầu cho thu hoạch, giúp nông dân tăng thu nhập, không còn chỉ phụ thuộc vào mỗi cây cà phê. Ảnh: Minh Quý.

Không còn trông vào mỗi cây cà phê

Sau hơn 4 năm được dự án VnSAT hỗ trợ, hiện các thành viên HTX Ea Tân tại thôn Thanh Cao, xã Ea Tân, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) đã chuyển hoàn toàn từ việc canh tác cà phê truyền thống sang cà phê cảnh quan.

Dẫn phóng viên vào thăm vườn của gia đình, ông Bùi Văn Ngọc (ngụ xã Ea Tân) cho biết, năm nay sầu riêng của gia đình đã bắt đầu ra hoa và cho thu hoạch. Đây là nguồn thu lớn bên cạnh sản lượng cà phê hàng năm gia đình có.

Theo ông Ngọc, gia đình có hơn 4 ha cà phê, trước đây chỉ trồng thuần cà phê từ năm 1996 đến nay vẫn chưa được tái canh. Hiện năng suất chỉ còn đạt 4 tấn/ha, thấp so với những năm trước đây.

“Từ khi tham gia dự án VnSAT, tôi được hỗ trợ xây dựng nhà màng để làm cà phê chất lượng cao. Đồng thời, được tập huấn khoa học kỹ thuật để xây dựng mô hình cà phê cảnh quan từ năm 2018. Từ khi tham gia dự án, tôi chỉ sử dụng phân vi sinh và hạn chế dùng phân hóa học, từ đó tiết kiệm được rất nhiều chi phí”, ông Ngọc nói.

Theo ông Ngọc, đã từ rất lâu, gia đình không dùng thuốc bảo vệ thực vật để phun cho cây trồng. Thay vì trồng thuần cà phê như trước đây, thực hiện theo quy trình kỹ thuật của dự án VnSAT, gia đình đã thực hiện mô hình cà phê cảnh quan 3 tầng.

Tầng trên cao trồng sầu riêng, bơ, cây mắc ca, còn tầng giữa trồng cà phê. Do cà phê của gia đình phát triển tốt nên che hết phần đất bên dưới. Để giữ ẩm, gia đình giữ nguyên lá cà phê chứ không cào bỏ như những nơi khác. Ngoài ra, để chắn gió xung quanh rẫy, ông Ngọc còn trồng thêm cây muồng. 

Mô hình canh tác cà phê cảnh quan đã tạo ra rất nhiều lợi ích, giúp cả cây cà phê và các cây trồng xen phát triển tự nhiên. Nhờ đó, nếu gia đình có việc bận, chậm bón phân một tháng cũng không có nhiều ảnh hưởng tới vườn cà phê. Ngoài ra, việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác đã giúp ông Ngọc tiết kiệm được chi phí sản xuất, nhất là bảo vệ môi trường và sức khỏe của chính gia đình.

Tương tự, anh Đặng Văn Toàn (ngụ xã Ea Tân) cho biết, gia đình cũng được dự án VnSAT hỗ trợ sầu riêng, mắc ca, bơ để trồng xen theo mô hình cà phê cảnh quan.

Theo anh Toàn, toàn bộ 1,7 ha cà phê của gia đình đều thực hiện theo mô hình cà phê cảnh quan. “Khi tham gia dự án, gia đình tôi được các chuyên gia hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật, cây giống. Năm nào dự án cũng hỗ trợ cây giống. "Tất cả các cây sầu riêng, mắc ca, bơ của gia đình đều do dự án VnSAT hỗ trợ, qua đó giúp người dân tăng thêm thu nhập chứ không còn chỉ phụ thuộc vào mỗi cây cà phê như trước đây”, anh Toàn vui vẻ chia sẻ.

Anh Toàn khẳng định, dự án VnSAT đã và đang mang lại nhiều quyền lợi cho HTX cũng như người dân. Cụ thể, dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống điện. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ cây trồng xen như sầu riêng, bơ, mắc ca…

“Giá các loại cây trồng xen rất cao, nếu như người dân không được dự án hỗ trợ thì phải bỏ ra rất nhiều chi phí để đầu tư. Nhờ có dự án, thu nhập người dân tăng lên, không phụ thuộc vào mỗi cây cà phê như trước đây”, anh Toàn cho biết.

Gia đình anh Nguyễn Đức Minh (ngụ xã Ea Tân) cũng có hơn 2 ha cà phê sản xuất theo phương pháp cảnh quan bền vững. Sau 2 năm tham gia, anh được học phương pháp làm đất tối ưu, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, sử dụng thảm cỏ cải thiện đất; đồng thời được hướng dẫn trồng xen canh nhiều loại cây khác trên cùng một đơn vị diện tích.

Thay đổi nhiều thói quen, tập quán canh tác lạc hậu, thực hiện canh tác theo hướng cảnh quan bền vững, anh Minh phải đầu tư chăm sóc cẩn thận và tỉ mỉ hơn, nhưng bù lại năng suất, chất lượng cà phê cao hơn trước, sản phẩm cây trái cũng đa dạng hơn nên thu nhập được nâng lên đáng kể.

Thu nhập tăng 10-15%

Ông Đoàn Văn Thống, Phó Giám đốc HTX Ea Tân cho biết, HTX khi mới thành lập năm 2013 thì tổng diện tích chỉ có 81 ha. Đến nay, diện tích tăng lên 300 ha tại toàn bộ thôn Thanh Cao, xã Ea Tân. Tất cả các thành viên trong HTX đều áp dụng theo mô hình cà phê cảnh quan.

Ông Thống chia sẻ: HTX tham gia dự án VnSAT từ năm 2017 đã được hỗ trợ khá nhiều. Trong đó, dự án hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật, canh tác cà phê bền vững. Đặc biệt, dự án hỗ trợ nhà màng, máy xay xát giúp chế biến cà phê tốt hơn, từ đó nâng cao chất lượng quả cà phê của HTX.

“Sự quan tâm của dự án VnSAT đối với HTX là rất lớn. Dự án hỗ trợ HTX, nông dân trong mô hình cà phê cảnh quan về cây giống, khoa học kỹ thuật, qua đó mang lại lợi nhuận rất cao. Trong đó, tầng thứ nhất được người dân trồng cây sầu riêng, bơ, mắc ca, tiêu. Tầng thứ 2 là trồng cây cà phê. Tầng cuối cùng trồng một số loại cây thấp, ngắn ngày như dứa, sachi tại những khu vực đất trống. Đối với một số vườn có thảm thực vật là cỏ, người dân làm cỏ nhưng vẫn để lại để giữ độ ẩm và tăng mức tơi xốp cho đất”, ông Thống nói.

Ông Thống cho biết thêm, hiện người dân đã bắt đầu thu hoạch đối với những loại cây trồng xen. “Ví dụ như sầu riêng, năm nay các gia đình đã bắt đầu thu bói. Một cây có thể mang lại thu nhập khá tốt, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Do vậy, mô hình cà phê cảnh quan đang có rất nhiều triển vọng phát triển tại địa phương trong thời gian tới.

Cũng theo ông Thống, khi làm mô hình cà phê cảnh quan, các thành viên HTX tăng cường việc sử dụng phân vi sinh, giảm phân hóa học, từ đó đảm bảo cân bằng về sinh thái, bền vững về cây trồng hơn. Đặc biệt, giúp các thành viên tiết kiệm được một phần chi phí đầu tư.

“Mô hình cà phê cảnh quan giúp các thành viên tăng thu nhập từ 10 - 15% trong những năm qua. Tuy nhiên, những năm tới khi các loại cây trồng xen như sầu riêng, bơ, mắc ca... bước vào thu hoạch thì thu nhập sẽ tăng lên rất nhiều”, ông Thống khẳng định.

Mô hình cà phê cảnh quan đã góp phần giảm 14% lượng phân bón hóa học được sử dụng và giảm 17% lượng nước tưới trong sản xuất cà phê; giảm 11% chi phí sản xuất và 10% lượng CO2 phát thải ra môi trường. 100% lượng cà phê được sản xuất trong vùng thí điểm được thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường. Đăk Lăk hiện có khoảng 203.000 ha trồng cà phê, trong đó diện tích trồng xen hơn 39.000 ha (chiến hơn 19%). Trong đề án phát triển cà phê bền vững, Đăk Lăk đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 90.000 ha cảnh quan bền vững để xác nhận thương mại hoá diện rộng.


Related news

gia-lua-mi-the-gioi-tang-cao-an-do-chop-co-hoi-xuat-khau Giá lúa mì thế giới… nguy-co-cao-bung-phat-benh-dao-on-la Nguy cơ cao bùng phát…