Đà Lạt "Xứ Sở" Đông Trùng Hạ Thảo?
Đó là tương lai không còn xa, khi mà loại dược liệu quý hiếm - Đông trùng hạ thảo đã được trồng thành công và sản xuất hàng loạt theo hướng công nghiệp tại thành phố hoa. Theo các chuyên gia nghiên cứu, với điều kiện khí hậu rất phù hợp, Đà Lạt là vùng đất lý tưởng cho Đông trùng hạ thảo phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng.
Đông trùng hạ thảo thuần ViệtNếu như trước đây đa số dược liệu Đông trùng hạ thảo được sử dụng tại Việt Nam đều phải nhập khẩu từ các nước: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… hoặc nhập giống về trồng tại Việt Nam thì nay, những cây dược liệu quý ấy đã được thuần Việt 100% tại Đà Lạt. Đó là mô hình Đông trùng hạ thảo của Công ty Dược thảo Thiên Phúc (trụ sở chính tại Hà Nội, có một số cơ sở sản xuất tại Đà Lạt).
Anh Lê Tuấn Anh - Chịu trách nhiệm kỹ thuật sản xuất của Công ty Dược thảo Thiên Phúc cho biết: Sau 5 năm nghiên cứu, công ty đã trồng thành công Đông trùng hạ thảo theo hướng công nghiệp nhân tạo tại Đà Lạt mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng của dược liệu này.
Khu sản xuất nuôi trồng Đông trùng hạ thảo của công ty này được chia thành 3 khu chính, gồm Khu nguyên liệu tạo giống (nhà ủ, cấy giống…), Khu nuôi trồng và Khu thành phẩm với đầu tư quy mô bài bản, rộng hơn 2ha. Từ các công đoạn chọn và nhân giống, cấy truyền giống và nuôi lớn cây đều được thực hiện ngay tại đây. Sau hơn 90 ngày sẽ cho ra đời những cây Đông trùng hạ thảo “made in Vietnam”.
Chị Nguyễn Thị Hồng - Chuyên gia nghiên cứu của công ty cũng cho biết: Quy trình sản xuất công nghiệp nhân tạo của Đông trùng hạ thảo ở đây được thực hiện dựa trên việc phân tích, chọn và lai giống sao cho giá trị và thành phần dinh dưỡng của cây tương đương với cây trong tự nhiên.
Theo đó, ấu trùng được sử dụng ở đây là nhộng tằm sẽ được xay nhuyễn, sau đó được ủ trong gạo và nước dừa và các chất dinh dưỡng để tạo thành giá thể cho cây nấm ký sinh phát triển thành cây Đông trùng hạ thảo. Nấm ký sinh cũng được lai tạo và nuôi trong môi trường dinh dưỡng từ 3-5 ngày trước khi được cấy vào “giá thể ấu trùng”. Sau 19 - 25 ngày ủ để hình thành cây sẽ được đưa ra ngoài nuôi trong nhà lưới 2 - 2,5 tháng ở nhiệt độ tối ưu là 18 - 22 độ C, độ ẩm 85 - 90% và ánh sáng khoảng 2000 Lux.
Đà Lạt - vùng đất lý tưởng
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong tự nhiên, Đông trùng hạ thảo (mùa đông là côn trùng, mùa hè là cây) là một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng. Vào mùa đông nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Mùa hè ấm áp nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất.
Đông trùng hạ thảo được xem là dược liệu quý hơn nhân sâm với rất nhiều công dụng cho sức khỏe con người. Thường được tìm thấy vào mùa hè ở một số cao nguyên cao hơn mặt biển từ 3.500 đến 5.000m (Tây Tạng, Tứ Xuyên, Vân Nam...).
Ở Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã bắt đầu nghiên cứu Đông trùng hạ thảo từ Nhộng tằm vào năm 2007. Và đã thành công trong việc nuôi cấy dược liệu quý này tại Tp. Bảo Lộc do TS.Nguyễn Mậu Tuấn thực hiện. Đến nay, Đông trùng hạ thảo đã được sản xuất nhân tạo công nghiệp, đại trà tại nhiều cơ sở ở Tp. Đà Lạt ( phường 4, phường 9, thác Prenn) của Công ty Thiên Phúc.
Anh Lê Tuấn Anh - Công ty Dược thảo Thiên Phúc cho biết: Công ty đã cho các chuyên gia vào Đà Lạt nghiên cứu trong suốt 5 năm trước khi tiến hành sản xuất đại trà. Tham khảo từ một số chuyên gia nước ngoài, chúng tôi nhận thấy rằng, Lâm Đồng nhất là vùng Đà Lạt có điều kiện môi trường tốt nhất để trồng Đông trùng hạ thảo, thậm chí còn cao hơn các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản vì nhiệt độ, độ ẩm ở đây rất ổn định và phù hợp. Chúng tôi đã trồng thí điểm ở nhiều vùng như Mộc Châu, Sa Pa và thành lập cơ sở tại huyện Thanh Oai, Hà Nội. Tuy nhiên, nếu làm bài toán kinh tế thì chi phí đầu tư tại Đà Lạt là thấp nhất, hiệu quả kinh tế cao nhất, vì nhiệt độ mùa hè ở các vùng đó tăng cao phải đầu tư nhà lạnh để giữ nhiệt độ chuẩn. Với loại cây này nhiệt độ là quan trọng nhất, và Đà Lạt đáp ứng được yếu tố lớn này.
Phó GS.TS Lê Minh Sách - Giám đốc Công ty Dược thảo Thiên Phúc cũng nhận định: Tp. Đà Lạt hội đủ tất cả các điều kiện tốt nhất để trồng Đông trùng hạ thảo đạt yêu cầu cả về chất lượng và số lượng.
Hiện nay, Công ty Dược thảo Thiên Phúc có thị trường đầu ra khá ổn định với 50% sản lượng được bán cho các công ty dược phẩm trong nước và 50% được xuất sang các thị trường EU, Nhật Bản, Đức… với giá bán khoảng 120 triệu đồng/kg khô.
Trong chuyến tham quan mô hình này vào ngày 3/1/2014, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ghi nhận những thành công của mô hình này và nhận định: “Đông trùng hạ thảo là đỉnh cao của nông nghiệp công nghệ cao. Sau thành công của nông nghiệp công nghệ cao về rau, hoa, cá nước lạnh… thì việc nhân giống và nuôi trồng dược liệu này tại Đà Lạt - Lâm Đồng chính là tiền đề để hướng tới xây dựng Trung tâm Đông trùng hạ thảo của Việt Nam và Đông Nam Á tại Tp. Đà Lạt trong tương lai”.
Ngoài dùng trong chế biến dược phẩm, Đông trùng hạ thảo tươi còn được dùng để ngâm rượu, pha trà, hầm thức ăn… đều rất bổ dưỡng. Theo các nghiên cứu đã được công bố, Đông trùng hạ thảo có vị ngọt, tính ấm vào hai kinh thận và phế, có công năng dưỡng phế, bổ thận, có tác dụng lớn đối với các hệ hô hấp, hệ miễn dịch, hệ thống tuần hoàn tim, não…
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao