Trồng lúa Đặc điểm sinh thái của cây lúa - Phần 1

Đặc điểm sinh thái của cây lúa - Phần 1

Author Nguyễn Ngọc Đệ. PhD, publish date Friday. January 19th, 2018

Cây lúa thích nghi rất rộng với nhiều điều kiện sinh thái khác nhau từ vĩ độ 35 độ Nam-53 độ Bắc. Điều kiện sinh thái có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cây lúa, nó quyết định loại hình cây lúa, cơ cấu giống lúa, thời vụ gieo cấy, biện pháp canh tác và hình thành các vùng trồng lúa khác nhau. 

ĐIỀU KIỆN KHÍ HẬU-THỦY VĂN

1. Nhiệt độ  

Nhiệt độ có tác dụng quyết định đến tốc độ sinh trưởng của cây lúa nhanh hay chậm, tốt hay xấu. Trong phạm vi giới hạn (20-30 độ C), nhiệt độ càng tăng cây lúa phát triển càng mạnh. Nhiệt độ trên 40o C hoặc dưới 17 độ C, cây lúa tăng trưởng chậm lại. Dưới 13 độ C cây lúa ngừng sinh trưởng, nếu kéo dài 1 tuần lễ cây lúa sẽ chết. Phạm vi nhiệt độ mà cây lúa có thể chịu đựng được và nhiệt độ tối hảo thay đổi tùy theo giống lúa, giai đọan sinh trưởng, thời gian bị ảnh hưởng là tình trạng sinh lý của cây lúa (Bảng 3.1). Nói chung, các giống lúa ôn đới chịu đựng nhiệt độ thấp giỏi hơn các giống lúa nhiệt đới và ngược lại. Cây lúa già chịu đựng giỏi hơn cây lúa non; thời gian bị ảnh hưởng càng dài, cây lúa càng suy yếu thì khả năng chịu đựng càng kém.

Bảng 3.1. Đáp ứng của cây lúa đối với nhiệt độ ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau

Giai đoạn sinh trưởng Nhiệt độ (o C)
Tối thấp Tối cao Tối hảo
Nẩy mầm 10 45 20-35
Hình thành cây mạ 12-13 45 25-30
Ra rễ 16 35 25-28
Vươn lá 7-12 45 31
Nở bụi (đẻ nhánh) 9-16 33 25-31
Tượng khối sơ khởi 15 - -
Phát triển đòng 15-20 38 -
Thụ phấn 22 35 30-33
Chín 12-18 30 20-25

Nguồn: Yoshida, 1981

Đối với lúa nước, cả nhiệt độ không khí lẫn nhiệt độ nước đều có ảnh hưởng trên sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Suốt từ đầu đến khi tượng khối sơ khởi, đỉnh sinh trưởng của lá, chồi và bông nằm trong nước nên ảnh hưởng của nhiệt độ rất quan trọng. Tuy nhiên, sự vươn dài của lá và sự phát triển chiều cao chịu ảnh hưởng cả nhiệt độ nước và không khí. Đến khi đòng lúa vươn ra khỏi nước, vào khoảng giai đọan phân bào giảm nhiễm, thì ảnh hưởng của nhiệt độ không khí trở nên quan trọng hơn. Do đó, có thể nói rằng, nhiệt độ nước và không khí ảnh hưởng trên năng suất và các thành phần năng suất lúa thay đổi tùy giai đoạn sinh trưởng của cây. Trong giai đọan sinh trưởng ban đầu, nhiệt độ nước ảnh hưởng đến năng suất thông qua việc ảnh hưởng lên số bông trên bụi. Giai đoạn giữa nhiệt độ nước ảnh hưởng lên số hạt trên bông và phần trăm hạt chắc. Đến giai đọan sau, nhiệt độ không khí sẽ ảnh hưởng lên năng suất thông qua ảnh hưởng trên phần trăm hạt chắc và trọng lượng hạt. Trong phạm vi nhiệt độ từ 22-31 độ C tốc độ tăng trưởng của cây lúa hầu như gia tăng theo đường thẳng  cùng với sự gia tăng nhiệt độ. Hệ số nhiệt Q10 được định nghĩa là mức gia tăng sinh khối của cây lúa khi nhiệt độ tăng lên 10 độ C. Đối với sinh trưởng của cây lúa sau khi nẩy mầm Q10 thường bằng 2 và giảm dần khi nhiệt độ tăng lên quá 32 độ C

1.1. Ảnh hưởng của nhiệt độ thấp:

Thiệt hại do nhiệt độ thấp có thể xảy ra ở nơi có vĩ độ cao và cả những vùng núi cao nhiệt đới trong mùa lạnh, khi nhiệt độ trung bình ngày xuống dưới 20o C. Nhiệt độ thấp làm giảm hoặc ngưng hẳn sự nẩy mầm của hạt, làm mạ chậm phát triển, cây mạ ốm yếu, lùn lại, lá bị mất màu, trổ trễ, bông bị nghẹn, phần chót bông bị thoái hóa, sự thụ phấn bị đình trệ, khả năng bất thụ cao, hạt lép nhiều và chín kéo dài bất thường. Các giống lúa khác nhau phản ứng với nhiệt độ thấp khác nhau. Bón phân lân có thể làm giảm thiệt hại do nhiệt độ thấp.

1.2. Ảnh hưởng của nhiệt độ cao:

Thiệt hại do nhiệt độ cao thường xảy ra ở vùng nhiệt đới trong mùa nắng vào giữa trưa khi nhiệt độ vượt quá 35 độ Cvà kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Ở nhiệt độ cao chót lá bị khô trắng, trên lá có những dãy và đốm bị mất màu, nở bụi kém, chiều cao giảm, số hạt trên bông giảm, bông lúa bị trắng, hạt thóai hóa nhiều, hạt bất thụ cao, hạt chắc giảm

Nói chung, nhiệt độ thích hợp nhất cho cây lúa là 26-28 độ C, nhiệt độ thay đổi tùy theo cao độ, vĩ độ và mùa trong năm. Càng lên phía Bắc nhiệt độ càng trở nên khắc khe, yếu tố nhiệt độ ảnh hưởng rất quan trọng đến việc trồng lúa. Riêng ở ĐBSCL, nhiệt độ trung bình trong năm thay đổi rất ít, trung bình từ 26-27 độ C. Ở hầu khắp các nơi trong vùng, tổng nhiệt độ năm lên tới 9500-10000 độ C, trong khi tổng tích ôn cần thiết của cây lúa trung bình là 3500-4500 độ C đối với các giống lúa trung mùa và khoảng 2500-3000 độ Cđối với các giống lúa ngắn ngày. Do đó, ở ĐBSCL, người ta có thể trồng lúa quanh năm và trồng được nhiều vụ 1 năm vẫn có khả năng cho năng suất cao miễn bảo đảm có đủ nước tưới. Yếu tố quyết định mùa vụ ở đây là đất đai và chế độ nước. Tuy nhiên, ở ĐBSCL, biến động nhiệt độ giữa ngày và đêm (biên độ nhiệt) khá mạnh, nhất là vào những tháng mùa khô, biên độ nhiệt ngày và đêm có thể đạt tới 8-10 độ C tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích lũy chất khô trong cây, giúp cây lúa phát triển tốt và cho năng suất cao. Năng suất lúa vụ Đông Xuân thường cao hơn các vụ khác trong năm, ngoài các yếu tố độ phì của đất cao hơn (do được bổ sung trong mùa lũ), bức xạ mặt trời dồi dào hơn, thì biên độ nhiệt ngày và đêm cao cũng là yếu tố quan trọng lý giải cho hiện tượng nầy. 


Related news

dac-diem-sinh-thai-cua-cay-lua-phan-2 Đặc điểm sinh thái của… mot-so-luu-y-gieo-trong-giong-lua-thien-uu-8-vu-xuan-2018 Một số lưu ý gieo…