Mô hình kinh tế Đảm Bảo Tiêu Thụ Hết Mì Nguyên Liệu Trong Tỉnh

Đảm Bảo Tiêu Thụ Hết Mì Nguyên Liệu Trong Tỉnh

Publish date Wednesday. September 10th, 2014

Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định (BDSTAR - nhà máy đặt tại thôn Hữu Lộc, xã Mỹ Hiệp - huyện Phù Mỹ) vừa tiến hành nâng công suất lên gấp đôi và bước vào vụ sản xuất mới. Trong vụ này, BDSTAR có kế hoạch thu mua 120 ngàn tấn mì nguyên liệu để sản xuất 30.000 tấn tinh bột. Hiện công ty đang tăng cường thu mua mì nguyên liệu tại các địa phương trong tỉnh.

Đầu vụ giá mì ổn định ở mức cao

Hiện nay, BDSTAR đã hoàn thành nâng công suất chế biến lên gấp đôi (từ 60 tấn sản phẩm/ngày lên 120 tấn sản phẩm/ngày); đồng thời, bước vào niên vụ sản xuất mới với kế hoạch thu mua cả vụ 120 ngàn tấn mì nguyên liệu, sản xuất 30.000 tấn sản phẩm tinh bột.

Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân và nhà máy, trong vụ sản xuất này, BDSTAR đã ban hành, điều chỉnh các chính sách đầu tư, thu mua nguyên liệu hợp lý, bảo đảm cho nông dân trồng mì có lãi trên 30%. Đối với các vùng nguyên liệu trọng điểm của nhà máy, đơn vị hỗ trợ nông dân mượn mì giống, mượn vốn để sản xuất; đến khi thu hoạch, công ty sẽ bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý theo thị trường.

BDSTAR cũng đã cam kết thực hiện ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu với nông dân theo tinh thần Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Từ đầu vụ sản xuất (ngày 26.8.2014) đến nay, BDSTAR đã thu mua bình quân mỗi ngày được trên 50 tấn mì nguyên liệu. Hiện BDSTAR đang thu mua với giá 1,85 triệu đồng/tấn mì có hàm lượng tinh bột đạt 30%. Theo tính toán của người dân, với giá này mỗi ha mì với năng suất bình quân trên 20 tấn/ha, đem lại doanh thu trên 37 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, còn lãi từ 12 - 15 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức thu mua mì nguyên liệu cũng được BDSTAR quan tâm, chấn chỉnh, tạo điều kiện để nông dân bán mì cho công ty được thuận lợi nhất. Công ty đã hợp đồng với các nhà xe vận chuyển mì nguyên liệu, không để nông dân phải chờ đợi phương tiện vận chuyển sau khi thu hoạch, làm ảnh hưởng đến sản lượng và hàm lượng tinh bột. Sau khi cân nhập vào bãi chứa nguyên liệu của nhà máy, nông dân được thanh toán tiền mặt ngay, nên bà con rất phấn khởi, yên tâm.

Ông Nguyễn Minh Thắng, Phó phòng Kinh doanh của BDSTAR, cho biết: Với hệ thống dây chuyền sản xuất đồng bộ, công nghệ tiên tiến, hiện đại nhập khẩu từ châu Âu và được lắp đặt bởi các chuyên gia Thái Lan, sản phẩm tinh bột của công ty đạt chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Thời gian qua, sản phẩm tinh bột mì do đơn vị sản xuất được thị trường nhiều nước tín nhiệm cao. Đây là cơ sở để đơn vị tiếp tục đầu tư chế biến sâu các sản phẩm sau tinh bột, sẵn sàng hợp tác đầu tư liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường với các đối tác trong và ngoài nước.

Mở rộng vùng nguyên liệu

Để đảm bảo đủ lượng mì nguyên liệu phục vụ nhà máy sau khi nâng công suất, thời gian qua, BDSTAR đã triển khai nhiều chính sách đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu của nhà máy từ 4.400 ha lên 8.800 ha tại các huyện trọng điểm như: Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và các tỉnh trong khu vực như Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum…

Ông Nguyễn Minh Thắng cho biết thêm: BDSTAR đã phối hợp với Sở NN-PTNT quy hoạch lại vùng nguyên liệu tại các huyện trọng điểm sản xuất mì của tỉnh; đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư và chính quyền các địa phương vùng nguyên liệu tổ chức nghiên cứu, khảo nghiệm, nhân các giống mì mới có tiềm năng năng suất, sản lượng cao đưa vào sản xuất để thay thế các giống mì cũ thoái hóa. Tại các trại khảo nghiệm giống của công ty, diện tích 150 ha, trên địa bàn xã Cát Lâm (huyện Phù Cát), xã Bình Tân, Bình Thuận (huyện Tây Sơn), đơn vị đã đưa các giống mì mới như KM 140, KM 419, Lay Joong 09 vào khảo nghiệm.

Kết quả mang lại rất khả quan, năng suất mì đạt bình quân trên 40 tấn/ha, hàm lượng tinh bột trên 30%; các giống mì này khá phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương, có thể trồng rải vụ để phục vụ nhu cầu sản xuất liên tục của nhà máy.

Hiện nay, BDSTAR đang tiến hành nhân các giống mì mới để cung ứng cho nông dân trồng thay thế các giống mì cũ đã thoái hóa. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã hỗ trợ phân bón, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật trồng thâm canh, rải vụ nhằm nâng cao năng suất mì bình quân của tỉnh.

Trong vụ sản xuất trước, BDSTAR đã mua mì nguyên liệu của nông dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên với sản lượng đạt 70.000 tấn; sản xuất, chế biến được 16.000 tấn tinh bột mì. Nhờ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các nước như: Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pê ru… khá ổn định, giá xuất khẩu bình quân ở mức từ 415 - 420 USD/tấn tinh bột mì, sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó, doanh thu và lợi nhuận của đơn vị tăng khá.


Related news

mua-mua-nay-nong-dan-trong-cay-gi-mao-hiem-trong-tieu Mùa Mưa Này, Nông Dân… ho-chan-nuoi-quy-mo-nho-chua-chu-y-phong-dich-cho-vat-nuoi Hộ Chăn Nuôi Quy Mô…