Đảm bảo vụ lúa thu đông ăn chắc
Lúa phát triển tốt
Năm nay, sản xuất lúa vụ thu đông ở TP Cần Thơ gặp khó do thời tiết nắng nóng kéo dài và trời ít mưa so với mọi năm. Điều này làm tăng chi phí bơm tưới nước và tăng chi phí phòng trừ cỏ dại tại một số địa phương.
Mặt khác, giá phân bón và một số loại vật tư, chi phí sản xuất đầu vào tăng kéo theo giá thành sản xuất tăng.
Nhưng, sản xuất lúa thu đông 2015 cũng gặp nhiều thuận lợi do ít xảy ra các loại dịch hại trên lúa và nước lũ về chậm so mọi năm. Nhiều nông dân cho biết, ruộng lúa thu đông của bà con đang phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa thắng lợi.
Thu hoạch lúa thu đông 2015 tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai.
Ông Lê Văn Thía ngụ ấp Vĩnh Lộc, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho biết: "15 công lúa gieo sạ giống OM 4218 của gia đình đã trổ bông đều, ít sâu bệnh, dự kiến khoảng 20 ngày nữa là thu hoạch. Khả năng năng suất lúa vụ này cao tương đương so với năm rồi, từ 800-900 kg lúa/công. Nước lũ hiện vẫn chưa về nhiều và khu vực này đã có hệ thống đê bao khép kín nên tôi cũng không lo ruộng lúa bị nước lũ đe dọa".
Theo bà Võ Thị Lệ Thu ngụ ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, 2 công lúa của gia đình đang phát triển khá tốt và đang trong giai đoạn làm đòng.
Năm nay, giá phân bón và một số loại vật tư đầu vào có tăng nhẹ, nhưng bù lại lúa ít sâu bệnh hơn mọi năm nên đỡ tốn chi phí phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Bà Lệ Thu mong rằng đến khi thu hoạch, lúa thu đông bán được giá cao.
Đến thời điểm này, các trà lúa thu đông gieo sạ sớm ở TP Cần Thơ đã bước vào thu hoạch. Dù giá lúa không cao bằng cùng kỳ năm rồi nhưng vẫn đảm bảo nhà nông có lời nhờ năng suất lúa tốt và nông dân tăng cường ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch lúa nên giảm được giá thành sản xuất.
Gia đình ông Lương Hữu Hạnh ngụ ấp Thới Bình B, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai vừa thu hoạch 20 công lúa IR50404, năng suất đạt 800 kg/công, tương đương so cùng kỳ năm trước. Với giá bán lúa ở mức 4.200 đồng/kg (lúa tươi), sau khi trừ chi phí, ông Hạnh có lời hơn 1 triệu đồng/công trồng lúa.
Ruộng lúa thu đông của gia đình ông Lê Tuấn Kiệt ngụ xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai còn khoảng 2 tuần nữa mới thu hoạch.
Nhưng gia đình đã liên hệ hợp đồng máy gặt đập liên hợp với giá 280.000 đồng/công lúa đứng và nhận tiền cọc bán lúa tươi cho tiểu thương với giá 4.200 đồng/kg. "Dù giá bán lúa thấp hơn khoảng 500 đồng/kg so với vụ thu đông năm trước nhưng người nông dân cũng khá phấn khởi vì trồng lúa vụ này cũng có khả năng kiếm lời" - ông Kiệt nói.
Không chủ quan
Với mục tiêu phát triển sản xuất lúa thu đông phải đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân và chủ động phòng tránh lũ vào cuối vụ nên ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã tích cực khuyến cáo nông dân chủ động phòng chống các loại dịch bệnh gây hại trên lúa và tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng lúa.
Đồng thời, quan tâm hướng dẫn nông dân xuống giống tập trung đồng loạt theo từng cánh đồng và chỉ xuống giống lúa thu đông ở các khu vực đã có hệ thống đê bao hoàn chỉnh.
Để đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ lúa thu đông năm 2015, các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất ngay từ đầu vụ theo dõi sát tình hình sản xuất của người dân.
Bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Vụ lúa thu đông 2015, nông dân huyện Cờ Đỏ xuống giống hơn 19.840 ha. Lúa phát triển tốt, không đáng lo về dịch bệnh nhưng ngành nông nghiệp vẫn khuyến cáo nông dân không được chủ quan. Các trà lúa thu đông tại Cờ Đỏ chủ yếu trong giai đoạn làm đòng, trổ đến chắc xanh, dự kiến trong vài tuần tới sẽ bước vào mùa thu hoạch rộ".
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp huyện xây dựng kế hoạch sản xuất và khuyến cáo nông dân phát triển sản xuất phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương, đảm bảo sản xuất hiệu quả, an toàn nhằm tăng thu nhập cho người trồng lúa trong mùa mưa lũ.
Đặc biệt, sản xuất lúa thu đông phải trên cơ sở tổ hợp tác, cánh đồng lớn có đê bao đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mọi tình hướng mưa lũ.
Xuống giống toàn bộ diện tích khu đê bao với cùng một giống lúa có chất lượng cao hoặc một số giống chất lượng cao với thời gian sinh trưởng tương đương, xuống giống tập trung và gieo sạ trong 3-5 ngày để thuận lợi trong khâu chăm sóc, thu hoạch và bảo vệ lúa, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ.
Dự kiến, diện tích xuống giống lúa thu đông 2015 tại huyện đạt khoảng 13.212 ha, năng suất 5 tấn/ha. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8-2015, nông dân trên địa bàn huyện đã xuống giống đạt hơn 17.490 ha và đã có hơn 800 ha lúa được thu hoạch, với năng suất đạt từ 5,4 - 5,7 tấn/ha.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nông dân TP Cần Thơ đã xuống giống hơn 68.500 ha lúa thu đông 2015. Dự kiến, diện tích sản xuất lúa thu đông 2015 tại thành phố có khả năng đạt gần 70.000ha do nông dân tại một số vùng sản xuất lúa thuộc huyện Vĩnh Thạnh vẫn còn tiếp tục xuống giống.
Nhìn chung các trà lúa phát triển tốt, sâu bệnh hại lúa giảm so với vụ thu đông 2014 nên nông dân giảm được chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân phải thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện phòng trị, không để các loại sâu bệnh bùng phát.
Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thời gian qua, dù các đối tượng dịch bệnh nguy hiểm như: rầy nâu, đạo ôn, bệnh cháy bìa lá… ít xuất hiện hoặc xuất hiện với mật số thấp không đáng ngại, nhưng nông dân cần luôn cảnh giác, không để dịch bệnh bùng phát.
Đặc biệt, đối với các ruộng lúa đã từng xảy ra dịch bệnh trong các năm trước và các bộ giống lúa có lá lớn dễ mẫn cảm với bệnh cháy bìa lá, như: Jasmine 85, OM 5451… nông dân cần thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, phát hiện bệnh vừa chớm là có giải pháp phòng trị. Nông dân cũng lưu ý tình hình chuột gây hại lúa vì hiện có một ruộng lúa đã bị chuột cắn phá, tỷ lệ thiệt hại 2-3%.
Cần chú ý kết hợp diệt chuột bằng các giải pháp cơ học, sinh học và vật lý, không sử dụng điện và thuốc hóa học ngoài danh mục cho phép để diệt chuột.
Bên cạnh đó, người dân quan tâm gia cố lại hệ thống đê bao, chuẩn bị sẵn phương tiện chống ngập úng, theo dõi sát đồng ruộng và tình hình thời tiết, mực nước lũ để có biện pháp chủ động trong sản xuất và thu hoạch lúa nhằm giảm thiểu thấp nhất các thiệt hại.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao