Dân Đầu Tư Dự Án Ca Cao
Đồng Nai đang xây dựng dự án phát triển vùng chuyên canh cây ca cao theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Tham gia dự án, nông dân trồng ca cao sẽ được hỗ trợ để tiếp cận vốn giá rẻ, kỹ thuật sản xuất... Trong đó, nội dung quan trọng nhất là doanh nghiệp (DN) sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá tốt.
Dự án được giao cho Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) làm đầu mối thực hiện với mục tiêu phát triển cả ngàn hécta. Tuy nhiên, chủ đầu tư thật sự chính là những nông dân sản xuất.
* Rộng cửa thị trường
Theo nội dung dự án, Công ty TNHH ca cao Trọng Đức sẽ ký kết hợp đồng với các hợp tác xã đại diện cho nông dân, bao tiêu toàn bộ trái ca cao tươi. Cụ thể, giá mua được công ty bao tiêu theo thời điểm tùy vào thị trường nhưng cam kết mức giá sàn tối thiểu trong năm 2014 là 4 ngàn đồng/kg và dự kiến tăng lên 5 ngàn đồng/kg trong năm 2015.
DN cũng ký kết chuyển giao máy móc, thiết bị và công nghệ sơ chế trái ca cao cho các hợp tác xã. Theo tính toán của dự án, tham gia chương trình nông dân trồng ca cao xen canh cây điều có thể đạt lợi nhuận từ 60 - 70 triệu đồng/hécta/năm.
Tính đến nay, Công ty TNHH ca cao Trọng Đức đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trong 5 năm cho 160 hécta ca cao của Đồng Nai và hàng trăm hécta tại các tỉnh Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo giải thích của phía Công ty TNHH ca cao Trọng Đức, DN thu mua trái ca cao tươi từ nông dân, sơ chế tạo ra hạt lên men rồi cung cấp cho đối tác. Các sản phẩm nước ca cao tươi, rượu ca cao do DN chế biến là những dòng sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cho trái ca cao, đảm bảo giá bao tiêu cho nông dân.
DN đang mở rộng mua ca cao tại nhiều tỉnh, thành nhưng vẫn chưa đủ nguyên liệu chế biến. “DN không lo về nguồn vốn thanh toán cho nông dân khi tăng nhanh sản lượng bao tiêu vì trái ca cao tươi mua từ nông dân được sơ chế và bán ngay cho DN đối tác. DN cũng xây dựng phương án trữ hàng trong trường hợp giá ca cao giảm nhằm đảm bảo giá sàn mua ổn định cho nông dân” - ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức nói.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty ca cao Nguyên Lộc (TX.Long Khánh) cũng cho rằng: “Khó khăn lớn nhất của các DN trong ngành ca cao là thiếu nguồn nguyên liệu, vì vài năm trở lại đây, diện tích ca cao giảm mạnh trong khi ngày càng có nhiều DN tham gia mua mặt hàng này.
Nông dân không phải e ngại vấn đề đầu ra vì hiện nguồn nguyên liệu ca cao tại Đồng Nai chỉ mới đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu thị trường nội địa. Chỉ tính riêng khách hàng chính của Nguyên Lộc là Tập đoàn Grand-Place, DN đã không đủ hàng để cung cấp. Ngoài ra, nhiều tập đoàn nước ngoài cũng tìm đến tận nơi đặt vấn đề thu mua ca cao với sản lượng lớn vì thị trường thế giới cũng cung không đủ cầu”.
* Thu hút thêm doanh nghiệp
Ngoài chính sách ưu đãi chung của Nhà nước, Đồng Nai có những chính sách ưu đãi riêng nhằm thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Mục tiêu nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, hạn chế tình trạng nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn “chặt trồng, trồng chặt” vì những bất ổn của thị trường. Trong đó, nông dân là chủ đầu tư chính trong phát triển sản xuất vì nguồn vốn trong dân vẫn là lớn nhất.
Trong những dự án liên kết giữa DN và nông dân nói chung, dự án phát triển vùng nguyên liệu ca cao nói riêng, Nhà nước đóng vai trò gắn kết, can thiệp, buộc các bên phải tuân thủ hợp đồng đã ký kết trên nguyên tắc pháp lý. Thời gian đầu triển khai, do chưa thu hút được nhiều DN tham gia nên có thể dự án được giao cho một DN cụ thể, nhưng vẫn “mở” để tiếp tục thu hút DN đầu tư trên tinh thần chính quyền địa phương các cấp sẽ tạo mọi điều kiện cho DN tham gia nhằm phát triển thị trường.
Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh: “Đây là dự án của nông dân và vì nông dân. Ở đây, DN chỉ tham gia ở khâu tìm thị trường tiêu thụ. Trong triển khai dự án cây ca cao, chính quyền trực tiếp lắng nghe ý kiến của dân, từ đó hướng dẫn, hỗ trợ DN triển khai dự án”.
Về khó khăn của dự án là nguồn vốn thì phía chính quyền tỉnh đã làm việc với ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi để Công ty TNHH ca cao Trọng Đức tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm cho dân và để dân vay được tiền ngân hàng với vốn ưu đãi phát triển sản xuất.
Theo báo cáo của các địa phương, dự án đang triển khai tốt. Tuy nhiên, trong trường hợp DN được giao thực hiện dự án không đủ năng lực bao tiêu sản phẩm cho nông dân, chính quyền sẽ đứng ra kết nối với các DN khác, làm việc với Cargill và các các tập đoàn lớn trên thế giới để giải quyết đầu ra cho ca cao.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, không chỉ với cây ca cao, hiện Đồng Nai đang triển khai các dự án phát triển các vùng chuyên canh cà phê, điều, mía... theo hình thức DN tham gia, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Các dự án này đều do UBND tỉnh phê duyệt, nội dung hợp tác giữa DN và nông dân cũng được pháp lý hóa, việc vay vốn DN có tài sản thế chấp... đảm bảo cho dự án chạy an toàn, khi xảy ra sự cố có cơ sở để xử lý.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao