Tin thủy sản Đắng cay nghề làm muối

Đắng cay nghề làm muối

Author Trần Đáng, publish date Monday. May 9th, 2016

Mất gần 2 giờ đi đường bộ và hơn 1 giờ đi đường thủy tôi mới đến được ốc đảo xanh Thiềng Liềng. Hơn 40 năm trước, tại ốc đảo cô độc này, ông Năm Đổi (Nguyễn Văn Đổi) cùng cha và người chú mình nhổ từng gốc cốc, gốc mắm… để khai hoang.

Tranh đất với thú rừng

Trời chập choạng tối, ông Năm Đổi người ốm tong teo, đen nhẻm, vẫn ngồi chồm hỗm trên mặt đê bao đồng muối chờ khách. Thi thoảng, ông đưa mắt lim dim dõi theo đám nhân công đang khuân vác, cào kéo trên những khuôn muối.

Nếu tình hình giá muối sắp tới không sáng sủa hơn thì rất nhiều diêm dân ở Cần Giờ sẽ phá sản. Giờ nhiều người treo đất rồi”.

Ông Nguyễn Văn Đổi

Thấy tôi đến ông nhỏm người phủi quần đứng dậy rồi cười hề hề - nụ cười hiền như cục muối đất. “Muốn biết tui làm muối bao nhiêu ha đất à, đó nhìn đi”- vừa nói ông Năm Đổi vừa đưa tay khoát ra không gian phía trước với vẻ mặt khá hãnh diện. Trong cánh đồng muối rộng 80ha cặp con sông Lòng Tàu được bao bọc khá cẩn thận này, ông Năm Đổi có 5ha. 5ha này cha con ông đã khai hoang hơn 40 năm trước.

Trong một lần đi cào lưới trên sông Lòng Tàu, cha con ông Năm Đổi đã phát hiện ốc đảo cô độc này. Đặc biệt hơn, với vốn nghề làm muối sẵn có từ ngày còn ở Gò Công (Tiền Giang) ông Ba An (cha ông Năm Đổi) và ông Tám Thanh (chú ông Năm Đổi) phát hiện ra với địa thế nằm cặp sông Lòng Tàu quanh năm nước mặn, nếu khai hoang đất trên ốc đảo sẽ rất thuận lợi để phát triển nghề làm muối.

Năm 1974, cha con ông Năm Đổi và ông Tám Thanh bắt đầu thực hiện khát vọng khai hoang. Khát vọng này lớn đến nỗi họ quên mất mình chỉ có 3 người với tay không và khoanh một khu vực rộng 50ha. Sau khi khoanh vùng cha con ông Năm Đổi chọn một đầu, ông Tám Thanh chọn một đầu bắt đầu nhổ gốc cây tiến dần lại. “Lúc bấy giờ trên ốc đảo này ngoài gia đình tui không có một ai. Đi đâu cũng thấy dấu chân thú hoang chi chít” - ông Năm Đổi nói.

Họ mò cua, bắt ốc ăn mà khai hoang. Bàn tay có bật máu thì từng gốc mắm, cốc, già… vẫn phải thi nhau bật gốc. Những gốc quá to, tay không không thể đào bới, họ chất cây khô lên đốt. Tuy nhiên, dù cật lực làm thì đến năm 1977, cha con ông Năm Đổi cũng chỉ khai hoang được 5ha, còn ông Tám Thanh là 3ha. Số đất ở giữa còn lại họ đành bỏ cuộc và sau này dân tứ xứ đến giành mất; thành ra, ông Tám Thanh và cha con ông Năm Đổi “anh ở đầu sông, em cuối sông”.

Theo ông Năm Đổi, sau khi có đất từ khai hoang, gia đình ông bắt tay vào làm muối. “Làm muối cực dữ tợn lắm, cha con tui đội nắng quần quật suốt ngày, hết lu rồi cán, rồi đưa nước vào ruộng” - ông Năm thổ lộ.

Rồi cái ngày muối kết tinh cũng đến. Nhìn những hạt muối đầu tiên xuất hiện, ông Năm Đổi ứa nước mắt bởi đó là, thành quả của bao năm cha con ông lăn lốc trên ốc đảo. Tuy nhiên, hạt muối đất làm ra đen nhẻm và năng suất thấp lè tè. Ông Năm Đổi tính, lúc bấy giờ, mỗi ha đất chỉ thu hoạch khoảng 100 giạ (30 tấn) muối, chưa bằng một nửa hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Năm, điều đau xót nhất là khi bán hạt muối cho thương lái. Hạt muối mình đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm ra nhưng không quyết định được gì hết ráo. Giá muối thương lái đưa ra quá thấp nhưng lúc ấy không bán cho họ thì biết bán cho ai? Họ dùng thúng to để đong gian, đong dối, biết mà không dám nói sợ họ giận không mua…

Trăm năm trong kiếp diêm dân

Từ chỗ chỉ có 3 người khai hoang và sản sinh cái nghề làm muối trên đất ốc đảo Thiềng Liềng, giờ ấp này có đến 200 gia đình và 400ha đất làm muối. Đi đến đâu trong ốc đảo Thiềng Liềng cũng thấy ruộng muối và muối. Vào chính vụ, muối trắng ngát mặt ruộng. Người ta còn làm muối trong lòng rừng phòng hộ. Cứ như ở ốc đảo Thiềng Liềng không làm muối thì chỉ có nước bỏ xứ mới kiếm được miếng ăn.


Ông Nguyễn Văn Đổi đang thu hoạch muối. Ảnh: T.Đ

Như ông Năm Đổi, làm 5ha muối đất nhà chưa thỏa chí, ông thuê thêm 5ha nữa để làm. Mỗi năm (1 vụ) ông thu hoạch gần 100.000 tấn muối (muối đất và muối trải bạt), nhưng lời chỉ khoảng… 150 triệu đồng – một doanh số lợi nhuận chỉ bằng khoảng 1/20 so với kỳ vọng của thành phố đến năm 2020 (300 triệu đồng/ha/năm).

Nhiều năm trong nghề, ông Năm Đổi cho rằng, làm ra hạt muối tốt/xấu là hoàn toàn do kỹ thuật. Dù muối trải bạt hay muối đất, hạt muối ông Năm Đổi làm ra đều trắng bóng, rất đẹp. Theo ông Năm, trước khi đưa nước biển vào khuôn kết tinh cần phải cho nước qua các ao lọc cặn. Tất nhiên, làm như vậy sẽ mất nhiều công sức hơn là đưa nước biển thẳng vào khuôn, nhưng như thế sẽ cho ra sản phẩm tốt, từ đó tạo uy tín với thương lái, nâng cao giá sản phẩm. Từ khi biết làm ra hạt muối (thuở 15, 16 tuổi) cho đến giờ, ông Năm Đổi vẫn luôn “xác tín” một điều- làm muối không giàu có nhưng không đói nghèo. Đã có thời gian giá muối đạt kỷ lục lên đến 1.000 - 2.000 đồng/kg. Nhưng có lẽ, “biến cố” giá muối năm 2015 và 2016 đã làm ông Năm Đổi thay đổi quan niệm này.

Hôm tôi đến ông Năm Đổi đang cho thợ làm hầm chứa nước chạt (nước biển có độ mặn cao để đưa vào sản xuất nhanh và tăng năng suất) rộng 400m3, kinh phí khoảng 100 triệu đồng. Hỏi ông vì sao tình hình giá muối gay go thế này, thậm chí có thể phá sản, lại tiếp tục đầu tư?- ông cười: “Không làm muối biết làm gì sống, cứ phải đầu tư, phải đeo bám hy vọng giá cả sẽ sáng sủa ra”.

Hiện trên đất ông Năm Đổi có 4 kho chứa (250 tấn/kho) đang đầy ắp muối. Đấy là chưa kể số muối đã thu hoạch dồn đống trên ruộng chưa đưa vào kho chứa.

Trước đây, làm muối 1 hoặc 2ha lời lãi mỗi năm chẳng bõ bèn gì. Làm như ông Năm Đổi cả chục ha mà chỉ lời hơn 100 triệu đồng/năm. Chính quyền khuyến khích làm muối phải làm diện tích lớn để tăng thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay làm muối diện tích càng lớn thì diêm dân chết càng nhanh. Ông Năm Đổi cho biết, hầu hết diêm dân làm muối đều phải vay ngân hàng.

Cầm bút loáy ngoáy trên mặt bàn đá, ông Năm Đổi tính, với sản lượng thu hoạch 80 tấn/ha, giá muối là 340 đồng/kg, doanh thu sẽ là 27.200.000 đồng. Trong khi đó, hiện chỉ riêng tiền vận chuyển từ kho chứa đến bến ghe cũng mất đứt số tiền doanh thu này. Số tiền chi phí công thợ, khấu hao máy móc, xăng dầu… sẽ làm cho diêm dân ngập trong nợ. “Tính ra, mỗi ha muối tui lỗ chừng 40 triệu đồng. Hiện, giá muối rẻ mạt, nhưng thương lái cũng không chịu vào tới ấp Thiềng Liềng mua muối” - ông Năm Đổi thở dài.

Ông Năm Đổi biết rằng, tình hình giá muối hiện nay là do cung cầu thị trường quyết định, nhà nước không thể can thiệp trực tiếp vào giá mà chỉ có thể hỗ trợ giá cho diêm dân. Tuy nhiên, ông không thể hiểu được vì sao muối trong nước tồn đọng rất nhiều mà vẫn có cơ quan đề nghị cho nhập muối ngoại.


Related news

ca-long-be-chet-hang-loat-o-ha-luu-song-buoi Cá lồng bè chết hàng… nghe-tay-trai-hai-ra-tien Nghề tay trái hái ra…