Đắng Lòng... Nợ Lãi Ngân Hàng
“Với nhiều nông dân, muốn phát triển kinh tế thì phải vay vốn ngân hàng. Mà vay vốn ngân hàng thì phải thế chấp tài sản, đó là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất .
Nghĩa là, suốt một thời gian dài, nông dân chấp nhận đánh cược với ngân hàng, kinh tế phát triển thì chuộc được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn nếu thất bại thì “bìa đỏ” tiếp tục “tạm trú” ở ngân hàng, rồi tiền lãi cứ chất chồng”, ông Nguyễn Hoàng Tho, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cà Mau, cho biết.
Cũng như bao nông dân chí thú làm ăn khác, ông Hồ Văn Hắc, 72 tuổi, ở ấp Bình Thành, xã Định Bình, muốn đầu tư mô hình nuôi tôm, cua. Vì vậy, năm 2010, ông thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chi nhánh TP Cà Mau để vay 50 triệu đồng.
Chẳng may, các vụ nuôi tôm, cua liên tiếp thất bại. Đã vậy, 2 người con gái của ông lần lượt mắc bệnh nan y, phải tốn rất nhiều tiền để điều trị. Đến hạn trả nợ cho ngân hàng, bất đắc dĩ, ông Hắc đành xin ngân hàng vay bổ sung 10 triệu đồng để đóng nợ lãi.
Nghĩ tới số tiền 60 triệu đồng nợ ngân hàng và 1,4 ha đất nông nghiệp teo tóp dần vì bán để trị bệnh cho con, ông Hắc lo lắng: “Tôi 72 tuổi, sức lao động cạn kiệt nhưng tháng nào cũng phải lo tiền trị bệnh cho 2 đứa trên 10 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Thanh Bình, ấp Bình Thành, xã Định Bình, đã 70 tuổi nhưng quanh năm phải tha phương hái trái cà phê, cạo mủ cao su thuê để kiếm tiền nuôi đứa con trai tật nguyền. Cuộc sống nghèo cùng cực nên số tiền vay 7 triệu đồng ở ngân hàng từ năm 2007 nay đã tăng lên 17 triệu đồng. Giờ không còn sức lao động nhưng cái nghèo cứ bám riết nên ông Bình tha thiết xin được khoanh nợ lãi lại: “Tôi cố gắng làm trả dần, chứ bị phạt lãi quá hạn kiểu này hoài làm sao trả nổi”.
Cùng với xã Định Bình, xã Hoà Tân là một trong những địa phương có số hộ vay vốn ngân hàng nhiều nhất ở TP Cà Mau, trong đó nợ quá hạn chiếm trên 20%. Hầu hết những trường hợp có nợ quá hạn ở xã Hoà Tân nói riêng, cũng như 66% nợ quá hạn tương đương 4.886 hộ nông dân ở TP Cà Mau vay vốn ở ngân hàng nói chung, đều bị phạt lãi quá hạn. Không còn cách nào khác, bà con xin vay bổ sung đủ đóng lãi phạt, rồi nợ lãi tiếp tục nhập thành nợ vốn. Đến nay, TP Cà Mau có hàng ngàn trường hợp có số nợ lãi cao gấp nhiều lần so với vốn vay ban đầu.
Ông Lý Minh Thiệt, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chi nhánh TP Cà Mau, cho biết: “Theo quy định, nếu đáo hạn nợ trễ 10 ngày sẽ nhảy nhóm 2, quá 90 ngày sẽ nhảy nhóm 3, lúc đó bà con không những trả lãi trong hạn mà còn chịu lãi phạt 150%”.
Trường hợp của ông Trần Trung Tươi, ấp Hoà Đông, xã Hoà Tân, là một điển hình. 24 năm trước, ông Trần Trung Tươi vay 3 triệu đồng từ tổ vay vốn của xã, sau chuyển giao cho Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chi nhánh TP Cà Mau quản lý. Vì không có tiền trả nợ lãi nên ngân hàng phạt lãi quá hạn, nay số tiền nợ lên tới 20 triệu đồng. Ông Trần Trung Tươi trăn trở: “Hiện tui đang nhờ người giới thiệu bán mảnh đất cạnh nhà để có tiền trả nợ ngân hàng”.
Có một thực tế là hầu hết những hộ thiếu nợ ngân hàng không thể vay bổ sung thêm vốn sản xuất mà chỉ được vay bổ sung vừa đủ số tiền đóng nợ lãi khi đáo hạn. Kể cả những trường hợp có phương án sản xuất, xin vay vốn tín dụng theo Nghị định 41 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ cho vay ưu đãi lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không cần thế chấp tài sản để trả vốn vay trước đó cũng không được ngân hàng chấp thuận.
Điển hình như trường hợp của ông Lý Bảy, ấp Bình Thành, xã Định Bình. Ông Bảy làm đơn xin vay 70 triệu đồng để đầu tư nuôi cá sấu và cá bống tượng, ngân hàng chỉ giải quyết cho ông vay 50 triệu đồng, trong khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông gần 1,7 ha đất nông nghiệp.
Tính theo khung giá đất hiện nay, ông nhẩm tính giá trị đất cũng vài trăm triệu đồng. Đã vậy, ngân hàng lại ra điều kiện, buộc ông phải trả hết 13 triệu đồng vay trước đó. Ông Bảy tính toán, nếu trả xong nợ cũ chỉ còn 37 triệu đồng thì không đủ tiền đầu tư chăn nuôi.
Ông Lý Minh Thiệt, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh TP Cà Mau, cho biết: “Theo quy định hiện hành, chỉ có Chính phủ mới quyết định xử lý cho khoanh, xoá nợ trong trường hợp người vay bị thiệt hại nặng do những nguyên nhân khách quan gây nên và trên phạm vi rộng… Gia hạn mà không thu hồi được nợ thì người vay không được quyền vay nữa”.
Vòng luẩn quẩn đáo hạn nợ, không tiền trả nợ, ngân hàng phạt lãi quá hạn, xin vay bổ sung đóng nợ lãi rồi nợ lãi nhập thành nợ vốn của nông dân TP Cà Mau nhiều năm qua trở thành nỗi khổ vô hình. Hơn lúc nào hết, nông dân có dự án sản xuất đang rất cần một cơ chế thông thoáng để được xin vay vốn bổ sung làm kinh tế.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao