Tin thủy sản Đằng sau câu chuyện thủy sản bị trả về

Đằng sau câu chuyện thủy sản bị trả về

Author Ngọc Hùng, publish date Friday. January 8th, 2016

Do lỗi quản lý?

Thông tin về các mặt hàng thủy sản bị trả về nhiều được nhiều người biết sau khi Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) có cuộc họp với các doanh nghiệp thủy sản tại Hội nghị Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu do Nafiqad tổ chức tại TPHCM vào ngày 29-10.

Số liệu của Nafiqad cho thấy,  trong 9 tháng đầu năm 2015, số lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định an toàn thực phẩm là 165 lô, tăng 6 lô so với cả năm 2014, còn số lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định về hóa chất, kháng sinh là 78, tăng 10 lô so với cả năm 2014.

Ngay sau đó, trong một bài phỏng vấn với TBKTSG Online, ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đã cho rằng thủy sản bị trả về nhiều một phần là do lỗi quản lý.

Những nguyên nhân được ông Dũng đưa ra để giải thích là do biến động của thời tiết, nuôi trồng nhỏ lẻ, manh mún, doanh nghiệp không sàng lọc lượng thủy sản mua vào. Bên cạnh đó, hàng thủy sản bị trả về nhiều một phần do sự kiểm tra không chặt chẽ của cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng đối với các mặt hàng thủy sản xuất khẩu là Nafiqad.

Tuy nhiên, những gì mà ông Dũng, người có nhiều năm làm việc tại VASEP, nêu ra cũng mới chỉ là một phần của vấn đề.

Trả về như một cách thoái thác vì giá xuống

Tại Hội nghị tổng kết xuất khẩu thủy sản năm 2015 của VASEP tổ chức vào cuối tháng 12-2015, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn thủy sản Minh Phú (Cà Mau), đơn vị dẫn đầu cả nước về giá trị xuất khẩu tôm trong nhiều năm qua, lại đưa ra lý do khác giải thích vì sao thủy sản bị trả về nhiều trong năm nay.

Ông Quang cho biết, từ đầu năm 2015 giá tôm trên thị trường thế giới liên tiếp giảm và tháng sau giá bán lại thấp hơn giá của tháng trước, và tính đến tháng 11-2015, giá tôm đã giảm 35% so với thời điểm đầu năm. Nguyên nhân là do giá tôm của các nước như Indonesia, Ấn Độ giảm mấy chục phần trăm vì những quốc gia này “phá giá đồng nội tệ khá mạnh so với đô la Mỹ”.

Theo ông Quang, thậm chí, có thời điểm giá tôm của Indonesia rẻ đến nổi không thể rẻ hơn, còn giá tôm Việt Nam cao hơn giá tôm trung bình thế giới khoảng 20% do đồng tiền Việt Nam chỉ giảm 5% so với đô la Mỹ. Đây là lý do chính khiến tôm Việt Nam không thể cạnh tranh được với tôm các nước.

Ông Quang cho biết, trong số những lô hàng thủy sản của doanh nghiệp Việt Nam bị trả về do vấn đề kháng sinh, có những lô tôm được nông dân nuôi quảng canh, không dùng bất cứ loại kháng sinh nào cũng bị bên mua thông báo là có dư lượng kháng sinh để trả về.

Ông Quang dẫn chứng, một đơn hàng ký vào tháng 3-2015 thường được giao hàng vào tháng 9-2015. Từ thời điểm ký hợp đồng đến thời điểm giao hàng cách nhau 6 tháng, và giá tôm lúc giao hàng đã giảm đáng kể so với thời điểm ký hợp đồng mua hàng. Vì thế, để mua được hàng giá rẻ, các công ty nhập khẩu chỉ còn cách “viện dẫn” sản phẩm có chất kháng sinh để trả về.

“Khi giá tôm giảm mạnh cũng là lúc các công ty nhập khẩu đưa ra tiêu chuẩn (dư lượng) kháng sinh thấp nhất có thể nên ngay cả con tôm nuôi quảng canh cũng bị đối tác thông báo là nhiễm kháng sinh để không nhận hàng. Đó là lý do vì sao số lô hàng thủy sản trong năm 2015 bị trả về nhiều”, ông Quang nói.

Thậm chí, theo một số doanh nghiệp, không những các lô hàng sản xuất vào những tháng đầu năm 2015 bị nhà nhập khẩu thông báo trả về do vướng kháng sinh mà thậm chí những lô hàng nhập từ cuối năm 2014 cũng bị thông báo là dính kháng sinh và bị trả về.

Nguyên nhân là từ thời điểm cuối năm 2014 đến cuối năm 2015, giá tôm đã giảm 50% tức là với số tiền ký hợp đồng mua 1 tấn tôm của năm 2014 thì nhà nhập khẩu có thể mua 2 tấn tôm vào lúc này với chất lượng tương đương.

Có thể bị trả về nhiều hơn trong năm 2016

Theo các doanh nghiệp, nếu năm tới, giá tôm tiếp tục xu hướng giảm như năm 2015 thì khả năng thủy sản Việt Nam bị trả về do "vướng kháng sinh" sẽ không giảm mà có khi còn tăng lên. Và với những dự báo được đưa ra về giá tôm tiếp tục giảm trong những năm tới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì thủy sản Việt Nam nên đề phòng khả năng hàng bị trả về do kháng sinh sẽ tiếp tục tăng.

VASEP trích dẫn dự báo của IMF cho thấy, về dài hạn, giá tôm thế giới sẽ giảm, nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Mỹ, EU giảm, cùng với đó là những biến động vĩ mô tại các thị trường mới nổi, trong khi nguồn cung tôm từ các nước sản xuất vẫn tăng.

IMF dự báo, giá tôm năm 2016 sẽ giảm 4%, qua năm 2017 giảm 7%, đến năm 2013 là giảm 13% so với giá trung bình của năm 2013.


Related news

trung-quoc-huy-lenh-cam-nhap-tom-song-tu-viet-nam Trung Quốc hủy lệnh cấm… de-ngu-dan-tu-kiem-tra-theo-doi-dong-tau-khac-gi-danh-do Để ngư dân tự kiểm…