Mô hình kinh tế Đánh thức tiềm năng nuôi tôm công nghệ cao

Đánh thức tiềm năng nuôi tôm công nghệ cao

Author Trần Trung, publish date Friday. March 11th, 2022

Từ các mô hình hạt nhân do khuyến nông triển khai, phong trào nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh đã và đang lan tỏa mạnh mẽ ở Đồng Nai.

Mô hình nuôi tôm trên bể tròn nổi tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

Đại thắng nhờ nuôi tôm trên bể nổi

Gần 70.000ha diện tích mặt nước ở Đồng Nai đang tạo ra cơ hội rất lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản, với các đối tượng truyền thống và đặc sản. Hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tại địa phương mới chỉ đạt 8.698ha, sản lượng 54.320 tấn/năm, sản lượng tôm nuôi hàng năm đạt 6.994 tấn. Trong đó huyện Nhơn Trạch có diện tích nuôi thủy sản cao nhất tỉnh với 2.083ha, chiếm gần 24%.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Hữu Đức, Trưởng phòng Tư vấn và Thông tin tuyên truyền nông lâm nghiệp (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Nai), Nhơn Trạch là huyện có truyền thống nuôi tôm khá lâu đời.

Từ hình thức nuôi tôm quảng canh đến quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh, biện pháp trải bạt, người nuôi tôm trên địa bàn này luôn chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác nhằm tìm kiếm những phương thức sản xuất mới giúp khắc phục rủi ro, biến động môi trường. Một trong số những phương thức nuôi tôm hiệu quả là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể nổi tròn lót bạt.

Tiêu biểu như ông Nguyễn Huy Bình (ấp Bà Trường, xã Phước An) từ một hộ nông dân chỉ có vài sào lúa trồng 1 vụ/năm, ông đã trở thành chủ trang trại tôm công nghệ cao với hơn 3ha ao nuôi. Ngoài ra, ông còn hùn vốn nuôi chung trên diện tích 2ha. Ông Bình cho biết, lúc trước người dân xã Phước An làm được 2 vụ lúa/năm, sau này xâm nhập mặn, nhiều diện tích chỉ canh tác được 1 vụ/năm. Nhiều người bỏ ruộng hoang hoặc chuyển sang trồng tràm nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Trước tình hình đó, ông Bình đã mạnh dạn cải tạo ruộng chuyển sang nuôi tôm theo hình thức quảng canh nhưng thua lỗ do ô nhiễm nguồn nước. Không nản chí, ông vay tiền đầu tư bạt lót đáy ao, mua con giống, mua thức ăn dành riêng cho tôm. Có lợi nhuận, ông dần phát triển diện tích và trở thành người nuôi tôm thâm canh hiệu quả nhất xã.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể nổi tròn lót bạt của ông Bình. Ảnh: Trần Trung.

Chưa dừng lại ở đó, nhận thấy mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng ao tròn nổi lót bạt an toàn, hiệu quả, đầu năm 2021, ông bắt đầu thay đổi phương thức sản xuất. Theo ông Bình, khác với những ao nuôi đất hình vuông hay chữ nhật như thường lệ, việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể nổi được thực hiện trong những bể hình tròn, được làm nổi phía trên mặt đất. Đây là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao được nhiều tỉnh ở miền Tây áp dụng thành công và được đánh giá là một trong những mô hình nuôi tôm ưu việt nhất hiện nay.

Ông Bình cho biết thêm, từ những kinh nghiệm trong quá trình nuôi tôm, ông nhận ra rằng những mô hình nuôi thẻ chân trắng được áp dụng hiện nay như nuôi tôm trong ao đất, nuôi tôm trong ao đất trải bạt... đang bộc lộ một số hạn chế nhất định. Phần lớn người nuôi tôm gặp khó khăn trong việc quản lý sự biến động môi trường nước trong ao. Ngoài ra, đối với mô hình nuôi tôm bằng ao đất trải bạt, dịch bệnh bên ngoài có thể thẩm thấu qua lớp bạt vào môi trường ao nuôi, khiến nước trong môi trường ao nuôi biến động, gây bất lợi cho con tôm.

Với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể nổi, những hạn chế nêu trên có thể được khắc phục nhờ bể nuôi được đặt nổi hoàn toàn trên mặt đất, phủ bạt nên hạn chế mầm bệnh từ đất. Mặt khác, diện tích bể nhỏ nên tiện lợi cho người nuôi trong khâu chăm sóc, quản lý nguồn nước.

“Để ứng dụng quy trình nuôi tôm trong bể nổi thành công, người nuôi cần phải tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến bể nuôi. Phải chọn con giống sạch bệnh, chất lượng, ương trong bể từ 20 - 30 ngày cho đạt kích cỡ đồng đều mới thả ra bể nuôi. Trong quá trình nuôi, chất thải rắn từ bể phải được lắng lọc kỹ, thu gom thường xuyên, đây là một trong những yếu tố quan trọng mang lại sự thành công lâu dài cho mô hình này”, ông Bình nói.

So với trồng lúa và các loại cây lâm nghiệp như tràm, đước, nuôi tôm thẻ chân trắng đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Đồng Nai. Ảnh: Trần Trung.

Hiện tại, ông Bình có 18 ao nuôi, trong đó có 2 ao nuôi con giống, các ao còn lại luân phiên tôm tăng trưởng, năng suất bình quân khoảng 60 - 80 tấn/ha. Toàn bộ ao nuôi nước được sát khuẩn 100%. Mỗi đợt xuống giống, công ty cung cấp thức ăn, thuốc đều cử cán bộ xuống hỗ trợ. Tôm ông Bình nuôi khá đẹp nên thường được thương lái đặt hàng vận chuyển ra Bắc tiêu thụ. Hiện tại, tôm loại 1 (35 - 37 con/kg) có giá 170 ngàn đồng/kg, cao hơn khoảng 50 ngàn đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán nên vụ này trúng.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, ông Nguyễn Văn Nhân cho biết, nuôi thủy sản là lĩnh vực thế mạnh của ngành nông nghiệp. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 1,9 ngàn ha diện tích mặt nước phù hợp nuôi thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm là 1.879ha, còn lại nuôi hàu, sò huyết, cá các loại. So với trồng lúa và các loại cây lâm nghiệp như tràm, đước, nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Nhờ thay đổi phương thức và ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm như sử dụng hệ thống máy cho ăn tự động, che lưới làm mát ao nuôi, lót bạt dưới đáy ao và các kỹ thuật để xử lý chất thải, kiểm soát được môi trường nước…, người nuôi đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ đồng/ha/vụ với ao chìm và 1,5 tỷ đồng/ha/vụ với nuôi bồn tròn nổi, cao hơn nhiều so với mô hình nuôi tôm truyền thống và các cây con khác tại địa phương”, ông Nguyễn Văn Nhân nhấn mạnh.

Tiếp sức nuôi tôm công nghệ cao

Theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai (đã sáp nhập Trung tâm Khuyến nông), hiện nay, với sản lượng vượt trội, tỷ lệ thành công cao đang giúp diện tích nuôi tôm công nghệ cao ngày càng tăng nhanh, từ đó đã tạo ra bước đột phá mới, mở ra nhiều triển vọng cho ngành tôm trên địa bàn.

Tuy nhiên loại hình nuôi này đòi hỏi người nuôi phải có kỹ thuật cao, tuân thủ đúng quy trình, đồng thời cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật, những biến động môi trường thường xuyên, liên tục.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho người nuôi tôm địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Nhằm tiếp sức các hộ nuôi trồng thủy sản, từng bước mở rộng diện tích, tận dụng tối đa mặt nước phát triển nuôi thủy sản theo chiều sâu với nhiều loại hình nuôi trên các vùng sinh thái, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai đã xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn bằng ao tròn nổi lót bạt an toàn, hiệu quả. Đây là dự án thuộc chương trình khuyến nông Trung ương.

Theo đó, Trung tâm đã xây dựng 1 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn bằng ao tròn nổi lót bạt an toàn, hiệu quả tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Mở 1 lớp tập huấn cho 40 nông dân tham gia nuôi tôm trên địa bàn huyện để nhân rộng mô hình. Kết thúc khóa tập huấn, 100% nông dân tham gia đã nắm vững về điều kiện cần thiết để nuôi tôm đảm bảo an toàn, hiệu quả; yêu cầu quy trình kỹ thuật, trang thiết bị và phương thức nuôi tôm thâm canh trong ao tròn lót bạt; phương pháp chọn giống tôm sạch bệnh, tăng trưởng tốt...

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể nổi tròn lót bạt đang được nhân rộng tại địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Nguyễn Chí Hiền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, mục tiêu dự án là giúp người dân ứng dụng các kỹ thuật mới của khoa học, công nghệ vào trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn bằng ao tròn nổi lót bạt nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Hướng nông dân tham gia sản xuất theo quy trình kỹ thuật an toàn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng tính cạnh tranh và tăng thu nhập cho người sản xuất, đáp ứng được các tiêu chí trong nước và xuất khẩu, an toàn với môi trường.

Mặc dù dự án mới bắt đầu triển khai từ tháng 5/2021 và đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng bước đầu đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Năng suất tôm của mô hình tham gia dự án vượt trội so với các mô hình nuôi trước đây và các hộ khác trong khu vực. Nếu như mô hình nuôi thâm canh ao trải bạt đạt năng suất từ 30 - 40 tấn/ha thì mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể tròn nổi có năng suất lên đến 60 - 70 tấn/ha. Từ một mô hình ban đầu, hiện đã nhân rộng trên 50 hộ và tiếp tục được lan tỏa.

Người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Trần Trung. 

"Có thể thấy, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn bằng ao tròn nổi lót bạt an toàn, hiệu quả, có khả năng áp dụng rộng rãi do vốn đầu tư và quy trình kỹ thuật của mô hình ở mức độ vừa phải, phù hợp với điều kiện và khả năng đồng vốn của nông hộ, nông dân dễ tiếp cận...

Để tiếp tục đồng hành cùng nông dân, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh tăng cường tổ chức hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật, tư vấn để nông dân mạnh dạn, tự tin hơn trong quá trình sản xuất. Kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí đối ứng, đề nghị các đơn vị có liên quan, ngân hàng hỗ trợ vốn cho nông dân thay đổi phương thức sản xuất”, ông Nguyễn Chí Hiền chia sẻ.


Related news

loai-cay-ngay-xua-an-chong-doi-bay-gio-trong-lam-giau Loại cây ngày xưa ăn… doc-dao-nuoi-ca-tai-tuong-trong-be-xi-mang-giua-long-do-thi Độc đáo nuôi cá tai…