Tin nông nghiệp Đất hết treo, nông dân hăm hở ra đồng

Đất hết treo, nông dân hăm hở ra đồng

Author Trần Đáng, publish date Saturday. September 10th, 2016

Ngày đất lại về tay

Hơn 10 năm bị quy hoạch đất làm KCN Hóa dược (KCN Phước Hiệp), cụ Nguyễn Thị Kết ở ấp Ba Sa, xã Phước Hiệp, Củ Chi chỉ biết 2 lần nhà mình bị quy hoạch.

“Lần đầu là họ đến đo đất, lần thứ hai là xin sửa lại cái mái nhà mà chính quyền không cho.

Họ bảo đất quy hoạch rồi, không được làm gì cả” - cụ Kết thổ lộ.

Cụ kể, mấy đời sống ở Củ Chi “đất thép, thành đồng”, thời chiến tranh hứng chịu đạn bom liên miên mà vẫn bám đất, bám ruộng, nhưng từ khi đất bị quy hoạch làm KCN, 4 công đất lúa ông bà để lại lúc bỏ, lúc làm.

“Cái tâm lý đất bị quy hoạch, sớm muộn cũng bị lấy khiến con cháu tui chẳng còn hứng thú làm nông” - cụ Kết nói.

Nghe tin đất đã được xóa “treo” từ phóng viên, đang bỏm bẻm nhai trầu trong lúc đôi tay vẫn tỉ mẩn đan cái thúng tre, cụ Kết ngẩng mặt cười vui: “Vậy phải kêu tụi nhỏ sửa sang lại đồng áng, chứ ngồi đan thúng và nuôi mấy con bò thịt thì kiếm được mấy đồng” - cụ Kết nói.

Theo ông Nguyễn Văn Minh – Trưởng ấp Ba Sa, ấp có 120ha đất nông nghiệp thì bị quy hoạch mất 80ha.

“Bà con trong ấp bị vướng quy hoạch “treo” mất biết bao quyền lợi, không được tách thửa, không dám đầu tư sản xuất… Đất trước khi quy hoạch giá 3 – 4 tỷ đồng/ha, vướng “treo” chỉ còn 1 tỷ đồng.

Một số người lâm cảnh khó khăn, đành chấp nhận bán đất với giá rẻ mạt.

Thậm chí, những năm bị quy hoạch, hạ tầng không được đầu tư theo diện nông thôn mới, giờ vẫn ngổn ngang” - ông Minh giãi bày.

Cũng như cụ Kết, 3.000m2 lúa của ông Phạm Văn Tích (ấp 4, Xuân Thới Thượng, Hóc Môn) gần 20 năm trước cũng bị quy hoạch để làm KCN Xuân Thới Thượng.

Sau khi được đo đạc, kiểm kê đất, ông Tích chờ mỏi mòn để cuối cùng nhận ra, doanh nghiệp đầu tư đang “treo” đất của mình mà không biết bao giờ mới giải tỏa, đền bù.

“Tôi bỏ hoang đất từ bấy đến nay vì quá thất vọng” - ông Tích thổ lộ.

Khi nghe phóng viên nói KCN này đã có quyết định xóa quy hoạch, ông Tích vẫn tỏ ra không vui.

“Thành phố bỏ quy hoạch nhưng lại giao cho huyện quy hoạch, không khéo mèo lại hoàn mèo” - ông Tích nói.

Còn ông Nguyễn Văn Minh thì chia sẻ, dù rất muốn gắn bó với nghề nông, nhưng khi đất được xóa quy hoạch, ông sẽ tìm đối tác bán nhanh vì sợ… bị “treo” tiếp.

Xóa tận gốc?

Mới đây, từ kiến nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND TP.HCM đã chấp thuận xóa quy hoạch 3 khu KCN, gồm: KCN Xuân Thới Thượng (300ha, huyện Hóc Môn); KCN Phước Hiệp (200ha) và Bàu Đưng (175ha, huyện Củ Chi).

Theo đó, tại dự án KCN Xuân Thới Thượng có khoảng 483 hộ dân (2.254 khẩu) đang sinh sống.

Mặc dù đã quy hoạch hơn 15 năm nhưng đến nay dự án vẫn chưa triển khai, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và quyền lợi của người dân, dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp kéo dài.

Còn 2 KCN Phước Hiệp và Bàu Đưng hiện có hơn 410 hộ dân đang sinh sống.

Hai dự án này cũng nhiều năm chưa thực hiện nên người dân rất bức xúc vì không thể xây dựng, canh tác hay thế chấp, chuyển nhượng nhà, đất.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, sau khi bỏ quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới theo hướng sử dụng đất nông nghiệp và điểm dân cư nông thôn là phù hợp nhất do đáp ứng được mục tiêu là ổn định cuộc sống cho người dân sinh sống tại khu vực này.

Trong tương lai, nếu xét thấy nhu cầu cần thiết phải phát triển đô thị tại 3 khu vực trên thì căn cứ nhu cầu thực tế để tiến hành lập quy hoạch xây dựng đô thị.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, huyện đã chỉ đạo chính quyền 3 xã: Phước Hiệp, Trung Lập Hạ và An Nhơn Tây (3 địa phương có KCN bị xóa) khẩn trương tổ chức công bố cho người dân chủ trương của thành phố về điều chỉnh quy hoạch 2 KCN Phước Hiệp và Bàu Đưng sang chức năng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp và điểm dân cư nông thôn hiện hữu.

 


Related news

trong-muong-lam-choi-an-that-o-dien-chau Trồng muống làm chơi ăn… kinh-doanh-nong-san-sach-la-chi-ban-nhung-thu-minh-an-duoc Kinh doanh nông sản sạch…