Đầu Tư Trong Chuỗi Sản Xuất Nông Nghiệp: Rất Cần Sự Liên Kết Của “4 Nhà”
Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phá vỡ hợp đồng trong sản xuất; trình độ sản xuất không đều…, đó là thực trạng mà người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp phải trong quá trình sản xuất nông nghiệp hiện nay. Để nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, các địa phương đang rất cần sự liên kết của “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp).
Vẫn theo kiểu "mạnh ai nấy làm"
Trao đổi về vấn đề liên kết trong sản xuất, ông Phạm Huy Tập, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ - Thương mại Tiến Thành (Đắk R’lấp) phân trần: “Về diện tích nông nghiệp, Hợp tác xã quản lý gần 70 ha, còn chăn nuôi gia súc có hơn 2.000 con heo thịt. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo nguồn thu nhập cho xã viên, về khoa học kỹ thuật, hầu hết xã viên vẫn phải tự xoay xở, học hỏi để áp dụng. Còn về thị trường đầu ra, Hợp tác xã vẫn tự tìm kiếm và ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp”.
Không chỉ riêng Hợp tác xã Tiến Thành, mà quá trình trồng trọt, chăn nuôi hiện nay vẫn đang diễn ra theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Cũng chính vì điều này mà các sản phẩm do người dân, tổ chức làm ra vẫn chưa ổn định được về giá thành. Có nhiều trường hợp, mặc dù đã ký kết hợp đồng, nhưng do lợi ích trước mắt, các bên vẫn “sẵn sàng” phá vỡ hợp đồng đó. Chưa kể, nhiều nông dân vẫn cứ bị cuốn theo “dòng chảy” của giá cả thị trường dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch trong trồng trọt, chăn nuôi.
Ông Nguyễn Nho Lý, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu An Phong (Đắk R’lấp) cho hay: “Doanh nghiệp đã từng tham gia liên kết với người dân vào chuỗi giá trị bền vững, với diện tích trên 5.000 ha, thu hút hơn 2.000 hộ tham gia. Điều đáng nói ở đây, hầu hết doanh nghiệp trong tỉnh có tiềm lực rất yếu nên dù có tâm huyết đến đâu thì đơn vị chỉ tham gia được một mặt rất nhỏ. Vì thế, nếu chỉ có doanh nghiệp, nông dân liên kết với nhau là chưa đủ, thậm chí nhiều lúc còn xảy ra những rủi ro ngoài mong đợi”.
Cần đẩy mạnh sự liên kết
Thực tế, tiềm năng, lợi thế về các mặt hàng nông sản của tỉnh rất lớn, nhưng để phát huy lợi thế này, các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhà nông cần đẩy mạnh liên kết với nhau. Bởi, có liên kết mới có thị trường đầu ra ổn định, cũng như nhiều lợi thế khác.
Ông Nguyễn Công Trung, đại diện trang trại Gia Trung, ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) chia sẻ: “Hiện nay, sản lượng cà phê, tiêu mặc dù đã có thị trường đầu ra tương đối ổn định, nhưng sự cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Còn mặt hàng rau củ, vấn đề đầu ra vẫn còn khá nan giải. Có nên chăng, các cấp, ngành cần xúc tiến, làm việc với các thị trường lớn để chuỗi nông sản đi được từ Đắk Nông về các chợ đầu mối ở các tỉnh thành lớn để từng bước tiếp cận với người tiêu dùng”.
Cùng chung quan điểm, ông Lê Viết Xinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho hay: “Ngoài việc kết nối, giữa các mô hình sản xuất cần thành lập ra các tổ hợp tác, câu lạc bộ, nhằm tập trung nguồn hàng hóa, tránh tình trạng các tiểu thương ép giá như hiện nay. Nếu thành lập ra được các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất thì việc đầu tư khoa học kỹ thuật, cũng như công nghệ phục vụ cho sản xuất cũng từ đó được nâng cao hơn”.
Về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: “Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, các thành phần chính trong chuỗi liên kết gồm người trồng, thu gom sơ chế và các doanh nghiệp chế biến sản phẩm phải liên kết chặt chẽ với nhau.
Ngoài ra, cần có sự hiện diện của các thành phần có chức năng hỗ trợ, cung cấp hàng hóa đầu vào, dịch vụ khoa học công nghệ, thông tin thị trường và tổ chức sản xuất. Các nhà cung cấp dịch vụ, hệ thống ngân hàng thương mại… cũng phải “chung tay” để đẩy mạnh liên kết, có như thế, mới mong hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp từng bước nâng cao”.
Cũng theo ông Duyên thì trước thực trạng này, trong thời gian tới, về phía địa phương, tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với người dân, cũng như tạo mối liên kết phát triển vùng sản xuất tập trung với quy mô sản xuất hàng hóa. Tỉnh phối hợp với các cấp, ngành hỗ trợ sản xuất, tổ chức sản xuất trong nông dân, từ đó, hình thành nên các tổ, nhóm sản xuất bền vững.
Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/dau-tu-trong-chuoi-san-xuat-nong-nghiep-rat-can-su-lien-ket-cua-4-nha-36576.html
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao