Tin nông nghiệp Đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam Hiện tượng Nhật Bản

Đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam Hiện tượng Nhật Bản

Author Thanh Xuân, publish date Tuesday. December 22nd, 2015

 NTNN đã trao đổi với TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPASRD) để làm rõ.

Thống kê của Bộ KHĐT cho thấy, Nhật Bản đã vươn lên đứng thứ 2 trong số các nước đầu tư lớn vào Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Ông đánh giá ra sao về “hiện tượng” này?

- Trong 2 năm trở lại đây, Nhật Bản đã tăng cường đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, trong đó lĩnh vực nông nghiệp cũng được Nhật Bản tìm hiểu và tăng cường đầu tư.

Đến nay, có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm và đã đầu tư trồng rau, hoa tại Đà Lạt (Lâm Đồng).

Hay như mới đây, Tập đoàn FPT đã hợp tác với Tập đoàn Fujitsu của Nhật Bản để đưa giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong nông nghiệp của Fujitsu vào Việt Nam, nhằm biến khu vực Mộc Châu thành TP.Đà Lạt thứ hai…

Đó là đầu tư thương mại vào nông nghiệp.

Còn một loại hình đầu tư nữa ít người nhắc đến là đưa chuyên gia Nhật Bản sang hướng dẫn nông dân Việt Nam sản xuất nông nghiệp hoặc đưa thực tập sinh của Việt Nam sang Nhật Bản học và làm việc, nhằm thay thế bớt nông dân già của Nhật Bản.

Qua đó, Nhật Bản cũng đã giúp “giải phóng”  một lượng lao động của Việt Nam ra khỏi khu vực nông nghiệp.

Nông nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, rủi ro cao… Vậy tại sao Nhật Bản lại chọn Việt Nam để đầu tư vào nông nghiệp, thưa ông?

- Tôi cho rằng có 3 lý do chính khiến Nhật Bản đầu tư mạnh mẽ vào nước ta trong thời gian qua.

Thứ nhất, từ năm 2014, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đã đối thoại cấp cao song phương về hợp tác nông nghiệp.

Tháng 8.2015, hai bên đã phê duyệt “Tầm nhìn trung và dài hạn” nhằm thiết lập “Chuỗi giá trị nông sản tại Việt Nam”, bao gồm sản xuất nông nghiệp, vận chuyển, lưu thông, chế biến và tiếp thị… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của 2 nước đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ hai, chính sách của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra chiến lược mới về nông nghiệp là phải làm sống lại được xuất khẩu nông nghiệp thay vì chỉ trợ giá, trợ cấp để tự túc lương thực như trước đây.

Trong khi, ở Nhật Bản không có lợi thế để phát triển nông nghiệp, nên doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tranh thủ tìm kiếm các nước có điều kiện tự nhiên thuận lợi và Việt Nam là một lựa chọn tương đối thích hợp của doanh nghiệp Nhật Bản.

Mặt khác, do thiên tai ở Nhật Bản có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng muốn tìm môi trường đầu tư khác để “thả trứng vào nhiều rổ” tránh bớt rủi ro.

Cuối cùng, khi tham gia vào TPP, Nhật Bản là nước có khoa học công nghệ ở trình độ cao, nhưng lại không có lợi thế về nông nghiệp, khi giảm hàng rào bảo hộ nông nghiệp theo cam kết TPP sẽ là cơ hội giúp cho các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển nguồn đầu tư sang Việt Nam.

Họ sử dụng vốn, khoa học kỹ thuật để đầu tư vào nông nghiệp ở nước ta, sau đó sẽ xuất sản phẩm vào chính thị trường của Nhật Bản.

"  Việc một số doanh nghiệp của Nhật Bản còn thuê đất thông qua một số người quản lý của Việt Nam để lấy đất trồng rau, hoa… cũng cần có chính sách mới để quản lý tốt hơn tài nguyên đất, tránh tình trạng một số doanh nghiệp “thâu tóm” hết đất của người dân nghèo, ảnh hưởng tới sinh kế của họ”. TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Mori Mutsuya -  Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã nói rằng, ông chưa an tâm khi ăn rau Việt Nam.

Điều này chứng tỏ, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn là điều nhức nhối ở Việt Nam.

Với việc Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp, liệu đây có phải là cơ hội để chúng ta cải thiện ATTP?

- Thông qua các đầu tư của Nhật Bản, chúng ta sẽ có được khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Ở những địa bàn có đầu tư của Nhật Bản, các chuyên gia người Nhật Bản cũng sẽ đào tạo về kỹ năng và nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân.

Người Nhật Bản khi đầu tư cũng sẽ góp phần mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông sản.

Họ không chỉ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp quay trở lại thị trường Nhật Bản mà họ còn rất giỏi trong việc tìm kiếm các thị trường quốc tế khó tính khác.

Đặc biệt, việc Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp cho Việt Nam có thêm vốn, nhất là ngoại tệ tăng lên…

Các nhà đầu tư Nhật Bản hiện đang có xu hướng đầu tư vào sản xuất lúa gạo, rau, trái cây, thuỷ sản với chất lượng cao, tạo thương hiệu tốt, bảo đảm vệ sinh ATTP để xuất về Nhật Bản hoặc các nước khác.

Đó là điều kiện rất tốt để chúng ta hoà nhập với chuỗi giá trị toàn cầu, dần dần tăng lượng nông sản xuất khẩu, tạo  bước đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp.

Xin cảm ơn ông!


Related news

ra-mat-thuong-hieu-gao-sach-vineco Ra mắt thương hiệu gạo… rau-can-vietgap-xuat-khau-sang-han-quoc-sach-the-nao Rau cần VietGAP xuất khẩu…