Tin nông nghiệp Đẩy mạnh chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết

Đẩy mạnh chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết

Author NT, publish date Friday. April 8th, 2022

Để giảm thiểu các hệ lụy từ thị trường, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân chăn nuôi phát triển theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Dịch bệnh diễn biết phức tạp, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, thời gian vừa qua, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thể cầm cự và phải “bỏ chuồng”. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & PTNT), trong 5 năm qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm 5-7%/năm. Hiện nay, các hộ nông dân chỉ còn chiếm 35-40% (các doanh nghiệp, trang trại là 55-60%) tổng sản lượng sản xuất thịt lợn của ngành chăn nuôi.  

Theo ông Ngô Văn Mạnh ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai), do dịch bệnh phát sinh trong khi chi phí “đầu vào” cho chăn nuôi liên tục tăng và giá thịt lợn trên thị trường không ổn định. Với giá thịt lợn hơi như hiện nay, ước tính mỗi tạ lợn, nông dân bù lỗ 300.000-400.000 đồng, gia đình đã bỏ chuồng và chuyển sang làm nghề dịch vụ khác.

Còn ông Bạch Văn Hộp ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cho biết: “Hiện nay gia đình đã giảm tổng đàn từ 100 con xuống 20 con lợn, do giá thịt lợn hơi từ cuối năm 2021 liên tục giảm, trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải đi mua con giống, giá thức ăn chăn nuôi qua nhiều đại lý nên chỉ lấy công làm lãi.

Nhận định về những khó khăn của ngành chăn nuôi lợn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & PTNT) Tống Xuân Chinh nhận định: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, hoạt động xuất nhập khẩu. Ngành chăn nuôi phải gánh chịu nhiều thiệt hại do giá sản phẩm trên thị trường lên xuống thất thường, chi phí sản xuất, vận chuyển tăng cao, lợi nhuận người chăn nuôi giảm mạnh…

Hiện tại tổng đàn lợn của cả nước đạt 28,1 triệu con, trong khi giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 18-22% so với đầu năm 2021 gây không ít khó khăn, đặc biệt với chăn nuôi nông hộ (chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản xuất). Mặt khác do chưa có nhiều chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nên không ít hộ nông dân phải phụ thuộc vào thương lái, việc tìm “đầu ra” cho sản phẩm cũng là cả vấn đề...

Thực tế cho thấy, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm dần trong cơ cấu chăn nuôi là một tất yếu để hướng đến nền chăn nuôi hiện đại, an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh những khó khăn của ngành chăn nuôi lợn, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ trong thời gian vừa qua.

Để hỗ trợ chăn nuôi lợn phát triển ổn định, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa), các ngành chức năng cần có thêm cơ chế chính sách phát triển công nghiệp thức ăn chăn nuôi trong nước cũng như xem xét giảm các loại phí, thuế tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi thuê đất, phát triển trang trại quy mô lớn, an toàn dịch bệnh. 

Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, đến năm 2025, Hà Nội sẽ giữ tổng đàn lợn khoảng 1,8 triệu con và phát triển ở các vùng chăn nuôi trọng điểm như: Ứng Hòa, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ba Vì, Phúc Thọ…; đồng thời tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh… Mặt khác, Hà Nội sẽ đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết thịt lợn để giảm chi phí đầu vào và tăng giá bán ra thị trường.

Nhằm bảo đảm nguồn cung thịt lợn đáp ứng nhu cầu thị trường, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết, kế hoạch đến năm 2030 sẽ nâng tổng đàn lợn cả nước lên 30 triệu con. Để hỗ trợ ngành chăn nuôi lợn hồi phục và phát triển ổn định, thời gian tới các địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cơ sở giết mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thực phẩm, bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi, người cung ứng và người tiêu dùng; đồng thời kiểm tra ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất, nhập khẩu con giống, sản phẩm chăn nuôi trái phép.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp & PTNT phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp để phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước, phục vụ xuất khẩu. Cùng với đó là tăng cường chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng; xây dựng và áp dụng các phần mềm để bảo đảm cập nhật, quản lý, khai thác các dữ liệu chăn nuôi trên phạm vi cả nước. Mặt khác là thúc đẩy các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, sản xuất các loại chế phẩm sinh học làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu, sử dụng hiệu quả các nguyên phụ liệu có sẵn tại địa phương./


Related news

chung-tay-san-xuat-tieu-thu-rau-an-toan Chung tay sản xuất, tiêu… bien-phap-phong-benh-dan-gia-suc-gia-cam-thoi-diem-chuyen-giao-mua Biện pháp phòng bệnh đàn…