Mô hình kinh tế Đẩy mạnh công tác khuyến nông trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Đẩy mạnh công tác khuyến nông trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Publish date Thursday. May 21st, 2015

Công tác khuyến nông được coi là một trong những hoạt động chủ chốt để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tập trung lựa chọn những sản phẩm hàng hóa chủ lực phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương.

Từ năm 2014 đến nay, ngành NN và PTNT tỉnh đã tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch ngành cho phù hợp với Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; từng bước cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực có tỷ trọng lớn và lợi thế của tỉnh. Nhân rộng các mô hình thuê gom, tập trung, tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa tập trung. Xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp. Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với quy hoạch phát triển của từng vùng, từng địa phương và nhu cầu của thị trường.

Đẩy mạnh ứng dụng KHCN và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời mở rộng các hình thức đào tạo nghề cho nông dân gắn với tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới. Để góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, lực lượng khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở tổ chức trên 400 lớp tập huấn với 36,4 nghìn lượt người tham gia về chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Qua các lớp tập huấn giúp nông dân tiếp thu, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phòng trừ dịch bệnh và sản xuất có hiệu quả.

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) tỉnh hoàn thành 12 lớp dạy nghề thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản tại Xuân Trường, Giao Thủy, Nam Trực và Nghĩa Hưng; sau đào tạo, đã có trên 90% nông dân áp dụng vào sản xuất của hộ gia đình. Song song với công tác tập huấn, đào tạo, Trung tâm KNKN tỉnh phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình khảo nghiệm, trình diễn trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau, nhằm chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân.

Mô hình sản xuất hạt lai F1 tổ hợp LC270 quy mô 32ha được triển khai tại Chi nhánh Giống cây trồng Nghĩa Sơn cho năng suất đạt 29,7 tạ/ha, hạch toán kinh tế cho thấy mỗi ha lãi 32,2 triệu đồng. Mô hình chuyển lúa xuân sang trồng dưa lê được thực hiện tại xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng), năng suất dưa đạt 19,78 tấn/ha, giá bán bình quân tại ruộng 7.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt trên 70 triệu đồng, tăng hơn 5 lần so với trồng lúa. Mô hình trồng cà chua sớm triển khai tại xã Yên Lợi (Ý Yên) năng suất cà chua đạt 61 tấn/ha, lợi nhuận 202 triệu đồng, tương đương 11 vụ lúa.

Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi dê sinh sản triển khai tại xã Giao Thiện (Giao Thủy) với quy mô 24 con cái, 2 con đực đến nay đàn dê sinh trưởng tốt, tổng đàn lên tới 56 con, hạch toán cho thấy hiệu quả kinh tế tăng hơn 10 lần so với trồng lúa. Mô hình nuôi cá ruộng (lúa - cá) quy mô 1ha triển khai tại xã Yên Chính (Ý Yên) cho năng suất cá đạt 3,2 tấn/ha, lợi nhuận 80 triệu đồng/ha/năm bằng 5 lần trồng 2 vụ lúa… Hầu hết các mô hình khảo nghiệm, trình diễn được nông dân tiếp tục ứng dụng và mở rộng trong sản xuất.

Thông qua các mô hình trình diễn đã giúp nông dân sản xuất có hiệu quả hơn, tăng hiệu quả kinh tế 10% trở lên so với sản xuất đại trà, nhiều mô hình lợi nhuận thu 200-500 triệu đồng/ha; góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, gia tăng giá trị và thu nhập của nông dân, gắn sản xuất với tiêu thụ liên kết sản xuất chuỗi giữa nông dân với doanh nghiệp; cung cấp các loại thực phẩm an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; nâng cao dân trí và tập quán sản xuất hàng hóa thúc đẩy nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Trong nghiên cứu khoa học, Trung tâm KNKN tỉnh khảo nghiệm tập đoàn giống lúa gồm 41 giống và đã có nhiều giống lúa triển vọng. Về vụ xuân, lúa thuần có giống Thiên ưu 8, GL105 năng suất đạt 64-80,5 tạ/ha; lúa lai có giống TEJ vàng năng suất đạt 74 tạ/ha. Trong vụ mùa, giống TEJ vàng có năng suất 60-68 tạ/ha; các giống lúa thuần Hương biển 3, Sơn Lâm 1, Thiên ưu 8 và GL105 có năng suất đạt 54-71,5 tạ/ha. Đây là những giống lúa có năng suất, chất lượng và hiệu quả khá, là cơ sở để xem xét nhằm bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh để nhân rộng ra sản xuất đại trà trong những vụ tiếp theo, đặc biệt là đưa vào những cánh đồng mẫu lớn.

Đồng chí Đào Viết Tâm, Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng NTM tiếp tục đổi mới công tác KNKN, ứng dụng, chuyển giao nhanh các tiến bộ kỹ thuật cây trồng, con nuôi. Tiếp tục nghiên cứu khảo nghiệm tập đoàn giống cây trồng có triển vọng; phối hợp với các Cty trong và ngoài nước trình diễn các giống cây, con có triển vọng và kỹ thuật nuôi trồng. Phối hợp với các cơ quan Trung ương, thực hiện các dự án khuyến nông trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức xây dựng một số mô hình trọng điểm của tỉnh có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với định hướng phát triển của nông dân về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản như: chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu áp dụng công nghệ Nhật Bản, chăn nuôi lợn thịt an toàn, trồng cỏ nuôi dê, mô hình lúa - cá, nuôi cá bống bớp bằng thức ăn công nghiệp giảm ô nhiễm môi trường… Đồng thời, xây dựng các mô hình liên kết nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững góp phần thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM của tỉnh.


Related news

de-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-dat-nong-lam-truong Để nâng cao hiệu quả… loan-gia-vai-dau-mua Loạn giá vải đầu mùa