Mô hình kinh tế Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi

Publish date Friday. July 24th, 2015

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nội dung Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi đề cập đến các vấn đề chính gồm tái cơ cấu chăn nuôi theo vùng chăn nuôi; tái cơ cấu về vật nuôi; tái cơ cấu chăn nuôi theo phương thức sản xuất chăn nuôi; đổi mới hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm và tái cơ cấu theo chuỗi giá trị ngành hàng.

Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trong thời gian qua, sản xuất chăn nuôi đã có sự chuyển biến tích cực.

Tăng trưởng chăn nuôi đạt 4,06% năm 2014 và khoảng 4,8% các tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014. Đáp ứng cơ bản nhu cầu các loại thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và bước đầu cho xuất khẩu. Thị trường và giá cả các sản phẩm chăn nuôi ổn định đảm bảo cho người chăn nuôi sản xuất có lời. Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng trang trại, tập trung chuyên nghiệp và công nghiệp hơn. Đầu tư xã hội cho nguồn lực phát triển chăn nuôi tăng, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân cả trong và ngoài nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để Đề án tiếp tục triển khai đạt kết quả, cần hoàn thiện quy hoạch chăn nuôi phù hợp với nội dung và mục tiêu tái cơ cấu, đảm bảo phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và thị trường. Trong đó thị trường là yếu tố quan trọng cần phải được cân nhắc kỹ trong các phương án quy hoạch phát triển chăn nuôi. Phải gắn quy hoạch phát triển chăn nuôi với yêu cầu xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, với hệ thống giống và giết mổ chế biến gia súc, gia cầm.

Bên cạnh đó, triển khai mạnh chủ trương xã hội hóa huy động nguồn lực đầu tư phát triển chăn nuôi, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp, người sản xuất được thụ hưởng và bỏ thêm vốn tham gia nhiều hơn vào các chương trình, lĩnh vực mà nhà nước đang khuyến khích, như: chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ, môi trường, chương trình giống, chương trình xúc tiến thương mại…

Nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm 2015 của ngành chăn nuôi là phải phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý thật tốt tình hình dịch bệnh, thiên tai và nhập khẩu các loại gia súc, gia cầm trên phạm vi cả nước nhằm thúc đẩy sản xuất chăn nuôi trong nước phát triển. Phối hợp với các cơ quan chức năng và các tổ chức chính trị, xã hội, bao gồm quản lý thị trường, hội nông dân quản lý tốt về chất lượng đàn lợn đực giống và chất lượng, an toàn thức ăn chăn nuôi, nhất là chất cấm và kháng sinh. Triển khai có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, trước hết là Hải quan liên thông trong hoạt động đăng ký kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, phấn đấu giảm 50% thời gian thông quan các lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu so với hiện nay.

Các địa phương hoàn thành việc rà soát quy hoạch chăn nuôi, hoàn thành đề án tái cơ cấu chăn nuôi trình cấp thẩm quyền phê duyệt chậm nhất là trước 30/10/2015 làm cơ sở cho triển khai các nội dung tái cơ cấu chăn nuôi ngay từ các tháng đầu tiên của năm 2016.


Related news

dau-tu-nguon-nguyen-lieu-thuc-an-chan-nuoi-nghich-ly-thuc-an-nhap-ngoai Đầu tư nguồn nguyên liệu… dong-nai-xay-dung-chuoi-lien-ket-ben-vung-trong-chan-nuoi Đồng Nai xây dựng chuỗi…