Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp
Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, huyện Triệu Phong sớm quan tâm đến công tác khảo nghiệm và đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà như lúa HC95, RVT, Thiên ưu 8, giống ngô lai HN88, HN68, lạc L14, đậu xanh DX 208, sản xuất rau an toàn tập trung quy mô lớn. Cùng với việc khảo nghiệm giống lúa mới, ngành nông nghiệp chú trọng đẩy mạnh cơ giới trong tất cả các khâu sản xuất, trong đó nổi bật là việc ứng dụng công nghệ gieo sạ chiếm trên 60% diện tích. Các hình thức canh tác mới như 3 giảm, 3 tăng, 1 phải, 5 giảm, ứng dụng các biện pháp quản lýdịch hại tổng hợp trong trồng trọt, sử dụng phân vi sinh, phân bón lá, hạn chế việc dùng thuốc bảo vệthực vật, phân hóa học… được áp dụng hiệu quả.
Trong chăn nuôi, huyện đã chú trọng cải tạo đàn bò, trong đó hàng năm thụ tinh nhân tạo cho 1.500- 2.000 con bò, tỷ lệ bò lai hiện chiếm 42%, phát triển mô hình nuôi nhốt, trồng cỏ ở vùng gò đồi. Ứng dụng công nghệ chăn nuôi lợn, đến nay đã có 1.300 mô hình chăn nuôi sử dụng bioga tạo nguồn năng lượng đáng kể. Phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, quy mô lớn với các giải pháp an toàn sinh học, hỗ trợ tăng quy mô đàn lợn nái ngoại, nái lai, quản lý dịch bệnh tốt, chuyển giao công nghệ chế biến thức ăn gia súc đến tận người dân, nâng cao chất lượng thịt đáp ứng thị trường tiêu thụ.
Trong nuôi trồng thủy sản, huyện sớm quy hoạch vùng nuôi trồng ở vùng bãi ngang ven biển cũng như đầu tư xây dựng hạ tầng chăn nuôi hiện đại. Chuyển đổi diện tích nuôi tôm sú thường xuyên bị dịch bệnh ở vùng bãi ngang ven biển sang nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng mô hình trình diễn ở vùng cửa lạch, nơi thường xuyên bị dịch bệnh, nhằm đa dạng hóa mô hình nuôi chuyên cua, tôm sú-cua, cá đối mục, cá dìa. Thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hỗ trợ nhân dân dập dịch bệnh tôm bằng hóa chất Chlorin khống chế dịch bệnh, hạn chế lây lan, giảm thiểu rủi ro cho người nuôi tôm.Trong lâm nghiệp, tập trung trồng rừng sản xuất, chuyển một số diện tích rừng sang trồng cao su tiểu điền, nhân rộng trồng cây keo lai lưỡi liềm ở vùng cát.
Để đạt được kết quả đó, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật được ngành nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền cũng như tập huấn cho người dân. Nhiều chương trình, dự án có sự hỗ trợ của huyện và cấp trên về giống cây trồng, vật nuôi, một phần kinh phí đầu tư xây dựng mô hình, nhất là các giống mới, máy sạ hàng. Các cơ quan chuyên môn liên quan đến ngành nông nghiệp tích cực tham gia chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất, nhất là xây dựng các mô hình sản xuất mới...
Trong thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục triển khai việc cải tạo đồng ruộng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Chuyển đổi giống cây trồng theo hướng lựa chọn những giống mới có hiệu quả kinh tế, được thị trường ưa chuộng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, quản lý cây trồng để nâng cao năng suất, chất lượng. Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục thực hiện chương trình chăn nuôi, trọng tâm là mở rộng mô hình nuôi bò nhốt, bò lai và chăn nuôi lợn quy mô lớn, chất lượng cao, trong đó xây dựng trang trại, gia trại theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn sinh học. Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững ở vùng gò đồi theo hướng xây dựng vùng trồng rừng nguyên liệu thâm canh tập trung, tạo ra giá trị thu nhập cao từ rừng sản xuất, đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho chế biến tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu. Tập trung rà soát quy hoạch nuôi tôm bãi ngang ổn định diện tích, không mở rộng tràn lan, sử dụng công nghệ nuôi tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngoài việc lựa chọn con nuôi chính là tôm chân trắng, thí điểm nuôi và nhân rộng một số giống thủy sản đặc sản ở địa phương như cá dìa, cá nâu, cá đối mục, cua xanh, cá chình. Tiếp tục hoàn chỉnh, nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh. Một số công trình trọng điểm về hồ chứa, kênh mương, đê kè trong 5 năm tới đã được xây dựng kế hoạch đầu tư góp phần mở rộng diện tích tưới, tiêu, phòng chống thiên tai, xâm nhập mặn cho các vùng. Tập trung củng cốvà nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX nông nghiệp. Mở rộng các hoạt động sản xuất- kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ trong sản xuất, nâng cao vai trò liên kết trong cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, tăng khả năng cạnh tranh của các HTX. Xây dựng các dự án, đề tài khoa học, tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, bền vững.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao