Mô hình kinh tế Để cây thanh long phát triển bền vững (Bài 2)

Để cây thanh long phát triển bền vững (Bài 2)

Publish date Monday. May 4th, 2015

Phát triển ồ ạt

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thanh long tiếp tục được trồng mới 3.670 ha, đưa diện tích thanh long toàn tỉnh 24.212 ha, năng suất bình quân 30 tấn/ha, sản lượng ước đạt 500.000 tấn. Một số địa phương như Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, La Gi đang đứng đầu với việc trồng sản xuất thanh long...

Nếu tính trong năm 2013 và đầu năm 2014, giá cả thanh long tăng cao, cả chính vụ và trái vụ; giá bình quân chính vụ năm 2013 là 13.273 đồng/kg, trái vụ 17.210 đồng/kg; đầu năm 2014, giá thanh long tiếp tục tăng cao có lúc đến 27.000 - 30.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí thì mỗi ha thanh long có lãi từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm.

So với cây lúa thì sản xuất thanh long hiệu quả kinh tế hơn hẳn. Vậy nên, lý do đơn giản để diện tích thanh long tiếp tục phát triển vẫn là lợi ích kinh tế. Tính riêng năm 2013, diện tích thanh long của toàn tỉnh đạt 20.502 ha; vượt 5.415 ha so với quy hoạch được duyệt đến năm 2015.

Trước sự phát triển thanh long ồ ạt, hướng nông dân sản xuất thanh long theo  chuẩn VietGAP là cần thiết. Thống kê mới nhất cho thấy gần 8.000 ha  được cấp giấy chứng nhận VietGap, và 41 cơ sở thu mua, kinh doanh đủ điều kiện về an toàn thực phẩm trong sơ chế sản phẩm. Với sự đầu tư về trang thiết bị công nghệ sau thu hoạch và chế biến, việc xử lý, sơ chế, vận chuyển, bảo quản sản phẩm thanh long được các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.

Hiện nay, tỉnh đã có nhà máy xử lý nhiệt bằng hơi nước nóng của Công ty TNHH Hồng Ân tại huyện Bắc Bình nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật của một số thị trường nhập khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này cho thấy thanh long Bình Thuận có thể bước vào thị trường thế giới một cách đầy đủ nhất. Nhưng cho đến thời điểm này, thanh long vẫn cần hướng đi vững chắc mà không phụ thuộc quá nhiều vào con đường xuất khẩu tiểu ngạch.

Thị trường Trung Quốc cầm cán

Thanh long Bình Thuận thời điểm này vẫn được tiêu thụ ở dạng trái tươi ở nội địa và xuất khẩu. Nhưng thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 15 - 20% sản lượng, còn lại khoảng 80 - 85% sản lượng chủ yếu được xuất khẩu, tương ứng với khoảng 320 - 340 ngàn tấn/năm.

Các cơ sở kinh doanh, thu mua khẳng định rằng, đến nay “láng giềng” Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ rất lớn thanh long xuất khẩu của Bình Thuận. Việc tiêu thụ thanh long theo phương thức biên mậu với Trung Quốc. Xuất khẩu thanh long chủ yếu thông qua một trong hai hình thức như các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thanh long tại Bình Thuận trực tiếp vận chuyển hàng đi tiêu thụ hoặc các khách hàng Trung Quốc tổ chức các chân rết tại các địa bàn đặt hàng để các thương lái tổ chức vận chuyển hàng ra biên giới phía Bắc giao cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Giá cả tiêu thụ thanh long có lúc lên, lúc xuống; nhưng nhìn chung sản xuất thanh long có hiệu quả, sản xuất có lãi. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn những khó khăn và thách thức như công tác quản lý quy hoạch thanh long cũng còn nhiều hạn chế, người dân còn phát triển thanh long một cách tự phát, sản xuất thanh long chưa thật sự bền vững.

Thực tế, diện tích thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP mới đạt 35,7% (7.335 ha VietGAP/20.502 ha) so với diện tích thanh long toàn tỉnh. Nhiều tổ chức nông dân như tổ liên kết, hợp tác xã, liên minh sản xuất thanh long được thành lập nhưng vẫn chưa đủ mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Công nghệ đóng gói, bảo quản thanh long còn quá đơn giản làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Kết cấu hạ tầng sản xuất như hệ thống giao thông, điện của một số vùng tập trung chuyên canh thanh long còn nhiều hạn chế. Việc xuất khẩu thanh long chủ yếu theo hình thức mậu biên phụ thuộc  quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Quản lý việc mua bán, tiêu thụ thanh long còn nhiều hạn chế, thiếu chặt chẽ; nhất là không quản lý được lực lượng thương lái trung gian, gây khó khăn trong quản lý, thu thuế. Ngay cả các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu chính ngạch thanh long có năng lực mua bán quốc tế còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng vùng tập trung sản xuất thanh long của tỉnh còn nhiều bất cập; hệ thống giao thông nông thôn chủ yếu là đường cấp phối... Chính vì vậy, sau nhiều năm phát triển, tưởng chừng như là một thế mạnh cho vùng đất sản sinh ra thanh long, nhưng chúng ta vẫn chưa chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhằm đa dạng hóa sản phẩm thanh long. 


Related news

suc-mua-lon-hai-san-tang-gia-dip-nghi-le Sức mua lớn, hải sản… phat-huy-dung-muc-loi-the-kinh-te-bien Phát huy đúng mức lợi…