Tin thủy sản Để nuôi ghép hiệu quả

Để nuôi ghép hiệu quả

Author Lê Loan, publish date Saturday. March 26th, 2022

Việc ghép nhiều loại thủy sản trong ao nhằm tận dụng diện tích, nguồn thức ăn trong ao, từ đó giúp giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để có được mô hình nuôi ghép thành công, cần nắm vững và lưu ý nguyên tắc về kỹ thuật đối với ao nuôi.

Nuôi ghép thủy sản giúp tăng năng suất, hạn chế dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế

Chuẩn bị ao

Những ao có diện tích khoảng 1.000 m2 trở lên. Ao nuôi phải giữ nước tốt. Vị trí của ao gần nguồn nước sạch, cấp thoát chủ động, mực nước trong ao ổn định 1,2 – 1,5 m, bờ ao cách mực nước cao nhất 0,5 m. Ao nằm gần nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm hoặc chua phèn, không có mạch nước ngầm độc hại. Mặt ao thông thoáng, bờ ao không bị rò rỉ nước, có cống cấp thoát nước, chủ động tưới tiêu; có nguồn điện và có đăng chắn, cống phải chắc chắn để bảo vệ cá. Ao nên gần nơi ở của gia đình để dễ quản lý, gần đường giao thông để tiện cho vận chuyển cá giống và cá thịt khi thu hoạch. Lọc nước vào ao qua đăng, hoặc lưới để loại cá tạp, nước ngập khoảng 1 m, ngâm từ 5 – 7 ngày nước ao sẽ có màu xanh nõn chuối, khi đó sẽ thả cá giống. 

Đối tượng nuôi

Thời gian nuôi để đạt được kích cỡ thương phẩm của các đối tượng nuôi ghép phải tương đương nhau để khi thu hoạch cùng lúc.

Cá nuôi ghép trong ao phải là những loài có tính ăn khác nhau và sống tầng nước khác nhau để không cạnh tranh và tận dụng thức ăn thừa của nhau, đồng thời hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sinh trưởng, phát triển. Tùy điều kiện ao nuôi và khả năng đầu tư mà chọn một loài làm đối tượng nuôi chính trong ao, cần chú ý đến các loài có khả năng chịu đựng được sự thay đổi bất lợi của môi trường.

Không nuôi ghép các loài cá dữ (cá lóc) chung với cá thát lát. Nếu nuôi ghép các loài cá dữ với cá khác thì nên nuôi cá dữ trong vèo đặt trong ao còn các loài cá khác nuôi bên ngoài vèo. Nên xác định một đối tượng nuôi chính và đối tượng nuôi phụ.

Không nuôi ghép quá nhiều loài cá với nhau (dưới 4 loài) và đối tượng nuôi chính phải chiếm > 50% tổng các loài cá.

Con giống

Chọn con giống tốt, đồng cỡ, màu sắc sáng bóng, không dị tật, dị hình, bơi lội nhanh nhẹn, phản xạ nhanh. Trước khi thả nên tắm cá giống qua nước muối 2 – 3% trong 10 – 15 phút, đồng thời cân bằng nhiệt độ trong bao/thùng vận chuyển cá giống với nước trong ao nuôi trước khi thả.

Mật độ

Mật độ cá thả tùy vào đối tượng nuôi, điều kiện ao nuôi, điều kiện địa phương (nguồn nước, nguồn tiêu thụ…). Người nuôi có thể lựa chọn một số hình thức dưới đây:

– Nuôi ghép cá thát lát cườm với các sặc rằn hoặc cá tra (cá thát lát cườm là đối tượng chính), trong đó cá thát lát cườm nuôi trong vèo đặt trong ao, còn cá sặc rằn hoặc cá tra nuôi bên ngoài.

– Nuôi ghép ếch với cá rô phi đỏ hoặc cá rô… (ếch là đối tượng nuôi chính), trong đó ếch nuôi trong vèo đặt trong ao, còn cá thì nuôi bên ngoài.

– Nuôi ghép cá tai tượng với cá mè trắng và cá chép (cá tai tượng là đối tượng nuôi chính).

– Mật độ nuôi: từ 10 – 20 con/m2 đối với đối tượng nuôi chính và từ 1 – 2 con/m2 đối với đối tượng nuôi phụ.

Thức ăn

Tùy theo cơ cấu đàn nuôi ghép trong ao và loài nuôi chính để cung cấp thức ăn cá sao cho phù hợp cho các loài, đầy đủ dinh dưỡng và chi phí hợp lý. Chú ý cho cá ăn đảm bảo 4 yêu cầu: định chất, định lượng, định thời gian và định vị trí. Hàm lượng đạm trong thức ăn tùy thuộc vào từng đối tượng nuôi, đối với các loài cá dữ (cá lóc, cá thát lát…) hàm lượng đạm từ 35 – 40%, các loài cá khác (rô phi, sặc rằn…) hàm lượng đạm từ 25 – 30%. Thường xuyên bổ sung men tiêu hóa và Vitamin C (2 – 3 lần/tuần) để tăng cường khả năng tiêu hóa và sức đề kháng cho cá.

Chăm sóc

Trong quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi màu nước ao để có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp cho cá sinh trưởng và phát triển. Hàng ngày cần kiểm tra ao 2 lần vào sáng sớm và chiều mát; nếu có các hiện tượng khác thường, như: cá nổi đầu, nước ao bạc màu… thì đó là biểu hiện cá đói, no, bị bệnh, nước ao thiếu ôxy… từ đó điều chỉnh việc cho ăn, chăm sóc và xử lý các tình huống ảnh hưởng xấu đến cá.

Tiến hành cân, đo cá mỗi tháng 1 lần để biết tốc độ tăng trưởng, cũng như bệnh tật của cá (cân đo mỗi loại khoảng 25 con) qua đó điều chỉnh việc cho ăn.

Vào mùa mưa nên sử dụng vôi bột rải xung quanh bờ ao để ngăn phèn rửa trôi từ bờ ao xuống, đồng thời hòa vôi vào nước tạt khắp ao với liều lượng 1 – 3 kg/100 m3 sau mỗi cơn mưa lớn để ổn định pH nước và phòng bệnh cho cá.

Thực hiện ghi chép đầy đủ những việc làm trong suốt quá trình nuôi để làm cơ sở hạch toán kinh tế và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khi cá nuôi đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch, nên thu hoạch toàn bộ để cải tạo ao và nuôi vụ mới.


Related news

nuoi-tao-giup-cai-thien-amonia-va-carbon-dioxide Nuôi tảo giúp cải thiện… luu-y-khi-nuoi-ca-nheo-my Lưu ý khi nuôi cá…