Để Tiếp Tục Triển Khai Thí Điểm Bảo Hiểm Thủy Sản
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo đối với việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) theo Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: Trong lúc Ban Chỉ đạo BHNN Trung ương hoàn thiện đề xuất định hướng sắp tới, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất các biện pháp để triển khai tiếp chương trình thí điểm BHNN đã làm, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và phù hợp tình hình thực tế của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và địa phương. Trong đó, đặc biệt quan trọng là việc tiếp tục triển khai bảo hiểm thủy sản (BHTS).
Nhu cầu có thực
Biết tin Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai chương trình thí điểm BHNN, anh Lâm Văn Tiến, hộ nuôi tôm công nghiệp xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu rất mừng. Anh cho biết: Vậy là chúng tôi thấy đỡ hẳn gánh nặng rồi, chứ cứ vừa nuôi tôm vừa ngóng chủ trương, phập phồng theo từng con nước, từng cơn mưa thế này, bà con nuôi tôm cơ cực lắm.
Vĩnh Hậu A là địa bàn được triển khai sớm nhất loại hình BHNN cho con tôm ở Bạc Liêu. Đến hết năm 2013, số hộ có nhu cầu mua BHNN đã tăng vọt, nhưng chương trình thí điểm BHNN lại đã hết thời hạn ký hợp đồng. Người nuôi tôm lại trở về thời kỳ "đổ vốn đánh cược với ông trời" trước kia, hoặc tiếp tục "phơi ao", chờ vay được vốn mới dám nuôi thả trở lại.
Không chỉ người dân ĐBSCL cần bảo hiểm mà các hoạt động kinh tế - xã hội khác cũng cần dựa vào BHNN. Tại Diễn đàn phát triển kinh tế miền Tây Nam Bộ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định, trong khi nguồn tiền ngân hàng đang "ứ đọng", các ngân hàng sẵn sàng chấp thuận các hợp đồng BHNN là chứng từ cho vay ưu đãi đối với người nuôi tôm. ĐBSCL là vựa lúa, tôm, cá, nếu BHNN ở ĐBSCL tắc thì sẽ là những "điểm nghẽn" lớn, hạn chế sự phát triển của cả vùng.
Khi các hợp đồng bảo hiểm đã thận trọng siết lại các điều khoản, điều kiện, phòng chống nguy cơ trục lợi thì lại có ít hộ dân tham gia. Chính vì vậy, cần phải có giải pháp cụ thể để các bên: người nuôi, người nhận bảo hiểm, người làm dịch vụ trung gian, tài chính, ngân hàng... đều có lợi ích.
Điều đáng chú ý, tuy là DN gánh chịu mức thiệt hại nhiều nhất trong bồi thường BHTS nhưng ông T.Kê-xlơ, đại diện của Tập đoàn bảo hiểm Thụy Sĩ (SwissRe) tại Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia (Vinare) hết sức ủng hộ chương trình BHTS. Sự hỗ trợ của các nhà nhận tái bảo hiểm nước ngoài là hết sức cần thiết, đặc biệt trong trường hợp tổn thất xảy ra lớn, ảnh hưởng đến khả năng tài chính của DNBH gốc.
Thực tế thời gian qua, trước tổn thất lớn, đồng loạt, trên diện rộng do rủi ro dịch bệnh trong bảo hiểm tôm cá, các nhà nhận tái bảo hiểm nước ngoài như SwissRe, Vinare đã có sự hỗ trợ rất lớn trong bồi thường bảo hiểm với số tiền tổn thất huy động từ thị trường tài chính quốc tế lên tới 15 triệu USD.
Ông T.Kê-xlơ cho biết, tuy tổn thất tài chính nhiều như vậy nhưng SwissRe vẫn vui lòng vì đã giúp những người nông dân Việt Nam làm quen với phương thức sản xuất mới - sản xuất có bảo hiểm. Vì vậy, ông mong phía Việt Nam tìm cách để những đồng vốn hỗ trợ từ thị trường tài chính này không uổng phí, vô nghĩa.
Bảo đảm an toàn tài chính
Việc tạm ngưng triển khai ký hợp đồng BHNN thủy sản từ ngày 1-1-2014 vừa qua cũng có nhiều ý kiến từ phía cơ quan quản lý, giám sát, thực hiện, trong đó tập trung vào những khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ cũng như kiểm tra, giám sát rủi ro. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi cho biết: Địa phương đều biết các DNBH gặp nhiều khó khăn trong tiếp tục hợp đồng tái bảo hiểm, về dòng tiền.
Vì vậy, sự chia sẻ của Ban chỉ đạo địa phương, của người tham gia bảo hiểm là rất cần thiết. Tiếc là trong thực tế, sự chia sẻ đó chưa đủ. Đây là lý do quan trọng khiến DNBH - trụ cột chính trong triển khai BHNN - thật sự có dấu hiệu "hụt hơi".
Các cơ quan quản lý, giám sát cũng vất vả không kém, nhưng vẫn bị kiện tụng, mang tiếng. Nếu triển khai tiếp chương trình thí điểm này, việc đầu tiên là phải tập trung tháo gỡ cho DNBH.
Đồng quan điểm này, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo Minh Phạm Xuân Phong bày tỏ: "Không DNBH nào dám chắc chắn sẽ không gặp vấn đề về dòng tiền, về thủ tục bồi thường, vì đây là loại hình bảo hiểm mới.
DN phải tìm cách làm sao không làm trái quy định pháp luật, vừa bảo đảm sự ổn định tài chính của mình, vừa tạo thuận lợi nhất cho người tham gia bảo hiểm -đó thật sự là bài toán rất khó của các DNBH chúng tôi phải giải suốt ba năm qua".
Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn cán bộ coi DNBH là đơn vị kinh doanh BHNN, do đó, đã gây ra những khó khăn cho DN trong triển khai BHNN. Không những thế, DNBH và cả Ban chỉ đạo nữa cũng liên tục bị khiếu kiện, việc giải trình mất nhiều công sức, thời gian, lại gây ức chế cho những người thực hiện.
Để tiếp tục thí điểm bền vững
Với kết quả đã đạt được, có thể thấy những đồng vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và những đồng vốn tái tục hợp đồng bảo hiểm của các DNBH, DN tái bảo hiểm vừa qua đã mang đến cho người nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL một nguồn tài chính chủ yếu để có thể tiếp tục tái sản xuất sau những vụ mùa thất thu do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, chính vì những vướng mắc nêu trên đã gây khó khăn cho công tác thí điểm BHNN.
Giám đốc Công ty Bảo Việt tỉnh Bạc Liêu Trần Thanh Lạc cho biết, nếu chương trình được tiếp tục thì đỡ lãng phí công lao của các DNBH, chính quyền địa phương đã gây dựng được một "guồng máy" vận hành đã hiệu quả dần (minh chứng là tỷ lệ bồi thường đã giảm tới 50% sau khi siết chặt các biện pháp quản lý, giám sát).
Điều quan trọng là người dân được hưởng lợi ích từ chủ trương, chính sách đúng của Đảng, Nhà nước, còn DNBH thì từng bước rút kinh nghiệm để có thêm một sản phẩm bảo hiểm trên thị trường nông nghiệp rộng lớn.
Thời gian tới, thực hiện yêu cầu của Chính phủ, liên bộ Tài chính và NN và PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp triển khai BHNN theo hướng các DNBH có thể chủ động thực hiện triển khai loại hình này dưới sự quản lý, giám sát, hỗ trợ của Nhà nước, bảo đảm các nguyên tắc bảo hiểm, tuân thủ các cam kết quốc tế.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt Nguyễn Quang Phi cho rằng, việc tiếp tục triển khai BHNN, đặc biệt là BHTS cần phải có sự điều chỉnh lớn về chủ trương chính sách, sao cho các tiêu chí quan trọng phải bền vững và linh hoạt. Cần phải coi DNBH có quyền chủ động trong công việc triển khai, để ngoài việc BH trong điều kiện gặp thiên tai thì trong điều kiện dịch bệnh, DNBH có quyền thảo luận, thương lượng với người nuôi và hai bên toàn quyền quyết định trong việc ký kết hợp đồng bảo hiểm.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao