Đề xuất lập ngân hàng đất nông nghiệp: Sợ sự rối loạn sản xuất
Theo ghi nhận của phóng viên NTNN/Dân Việt, xung quanh đề xuất thành lập ngân hàng đất nông nghiệp, cả người dân, ngành chức năng và cả nhà khoa học ở ĐBSCL đều cho rằng khó khả thi. Theo các ý kiến, vùng ĐBSCL đã có mô hình tích tụ ruộng đất rất hay...
Băn khoăn tính khả thi
Khi nghe nói về ý tưởng ngân hàng đất nông nghiệp, lão nông Nguyễn Quốc Hùng ở ấp Tân Hiệp A, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, tỏ ý không ủng hộ. Ông Hùng lý giải, mặc dù diện tích rất ít, người dân trồng lúa vẫn nghèo khó nhưng đa số vẫn muốn sống và làm ăn trên mảnh đất của mình. Hơn nữa, người làm lúa thì rất khó có thể làm các công việc khác nếu bị lấy đất, từ đó cuộc sống sẽ khó khăn hơn.
Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở HTX Tân Cường (Đồng Tháp) - nơi tích tụ trên 50ha đất. Ảnh: H.X
Cách làm tích tụ ruộng đất sẽ hay hơn làm ngân hàng đất, cũng giúp doanh nghiệp có vùng sản xuất lớn nhưng người dân vẫn còn đất, vẫn sở hữu và có thu nhập cao hơn là làm một mình như trước đây”. GS - TS Võ Tòng Xuân
“Tập quán người dân nơi đây không muốn xa rời mảnh đất hàng ngày mà họ cày cuốc, họ thiết tha với đồng ruộng lắm. Vì vậy, mong các cơ quan nhà nước hiểu rõ trước khi quyết định việc gì có liên quan đến đất nông nghiệp, đặc biệt là đối với những người trồng lúa như chúng tôi” – ông Hùng nói.
Ông Hùng có đến 32ha đất lúa nhưng phần lớn là mua, chuyển nhượng từ nhiều năm trước đây. Lão nông này cho biết, thời điểm hiện nay mua số diện tích đất trên là rất khó khăn khi đất đai ngày càng trở nên quý.
Không riêng gì ở An Giang, nhiều nông dân ở Đồng Tháp và Kiên Giang cũng thông tin, qua báo, đài, thời gian gần đây có hay về kiến nghị thành lập ngân hàng đất, thu gom đất của nông dân rồi cho doanh nghiệp (DN) thuê để đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, còn nông dân chủ đất sẽ trở thành công nhân của các DN đó... Tuy người dân vui mừng vì được quan tâm, hỗ trợ cải thiện đời sống người dân, giúp nền sản xuất nông nghiệp được hiện đại hơn... nhưng nhiều người tỏ ra lúng túng và đều cho rằng cần cân nhắc thật kỹ về đề xuất này.
“Tham gia hợp tác xã (HTX) nông nghiệp còn giữ được đất, bán lúa, màu được giá cao nhưng khi chuyển đất cho DN thì căng à. Lúc đầu họ có thể thuê mình làm nhưng nếu họ không thuê nữa thì sao, ai làm gì được họ, chưa kể lúc đó tiền bán đất trước đó không thể làm vốn để kiếm sống bằng nghề khác” – ông Lê Văn Hải – nông dân ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp nói.
Trao đổi với phóng viên NTNN về đề xuất thành lập ngân hàng đất, ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp cũng khẳng định: “Phương án trên không triển khai được đâu, vì nó ảnh hưởng đến truyền thống, đạo đức và văn hóa của người dân Nam Bộ. Hơn nữa, Luật Đất đai đã xác định quyền sở hữu của người dân rồi, người dân thích thì bán, không thích thì thôi nên không thể cưỡng chế người ta được. Việc đề xuất thành lập ngân hàng đất chỉ là lý thuyết thôi, chứ thực tế thì không thể triển khai được”.
Đồng tính với ý kiến của ông Công, GS-TS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia hàng đầu về cây lúa nói: “Việc lập ngân hàng đất là không thể làm được, nếu làm thì sẽ gây rối loạn hết”.
Tích tụ ruộng đất vẫn hay hơn
Theo lãnh đạo Sở NNPTNT các địa phương ĐBSCL, thay vì làm theo đề xuất thành lập ngân hàng đất thì hãy làm theo mô hình tích tụ ruộng đất mà một số nơi đang làm và rất có hiệu quả. Ông Nguyễn Công cho biết, mô hình tích tụ ruộng đất của tỉnh Đồng Tháp là khuyến khích DN, HTX mua đất của người dân, nếu người dân không bán thì có thể góp vốn bằng chính mảnh đất của họ.
“Cách làm của chúng tôi là dựa trên cơ sở đồng thuận của người dân. Tập thể nào tập trung được từ 3ha trở lên sẽ được hỗ trợ lãi suất vay, được đầu tư đê bao, trạm bơm điện, còn nếu không đồng ý thì cứ làm theo sản xuất kiểu cũ. Ban đầu làm một vài nơi, khi hiệu quả, tự động sẽ hình thành thêm các nhóm tích tụ ruộng đất khác. Làm như vậy nó vừa êm dịu, vừa không “sốc” trong dân. Điển hình như HTX Tân Cường ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông đã làm được trên 50ha” – ông Công phân tích.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, cách tốt nhất là làm theo mô hình tích tụ ruộng đất ở HTX, vì mô hình thực tế một số địa phương đã triển khai và kết quả “rất êm, nông dân cũng rất phấn khởi”. Tích tụ ở đây cũng là tập trung ruộng đất nhưng đất của người dân nào thì người đó làm và làm theo quy định, quy trình kỹ thuật chung trong 1 HTX.
Cũng theo GS Xuân, sau khi các HTX tích tụ ruộng đất, DN có thể liên kết với 1 hoặc nhiều HTX. Từ đó, DN đó có thể thỏa thuận để theo dõi, quản lý đất đai của HTX đó. Cách này sẽ làm ra sản phẩm quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao của thế giới về chất lượng sản phẩm nên cần các cơ quan quản lý hỗ trợ nhân rộng trong thời gian tới.
Với vai trò là DN, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ) cũng thừa nhận: “Tích tụ ruộng đất rất thuận lợi cho người dân và DN giảm chi phí và giúp tăng cơ hội để cơ giới hoá trong sản xuất. Nó sẽ giúp làm ra hàng hoá lớn, quy mô lớn, góp phần cho đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo được triển khai tốt hơn, hiệu quả hơn”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao