Tin thủy sản Điểm nhấn các mô hình nuôi trồng thủy sản tân tiến của thế giới năm qua

Điểm nhấn các mô hình nuôi trồng thủy sản tân tiến của thế giới năm qua

Author Tuệ Nhi - Tổng hợp, publish date Thursday. January 20th, 2022

Với sự cải tiến trong công nghệ và cách thức nuôi trồng, các mô hình nuôi trồng thủy sản trên thế giới đã mang lại nhiều giá trị không chỉ là lợi ích kinh tế, xã hội mà còn đóng góp vào quá trình bền vững hóa ngành hàng giàu tiềm năng, thế mạnh này. 

Nuôi cá rô phi Biofloc “cứu” vùng nông thôn nghèo ở Ấn Độ

Viện Nghiên cứu Thủy sản Biển Trung ương của Ấn Độ (CMFRI) đang giúp đỡ các gia đình khó khăn trở thành các nhà sản xuất quy mô nhỏ thông qua mô hình nuôi cá rô phi Biofloc ở Cheranellur, Ernakulam.

Nhóm bắt đầu bằng cách thả 1.800 con cá rô phi được cải tiến về mặt di truyền (GIFT) vào bể Biofloc, được xây dựng liền kề với các hộ gia đình. CMFRI đã hỗ trợ xây bể chứa 23.500 lít và cung cấp cá bột, thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật.

Theo CMFRI, nhóm các hộ gia đình có thể mang về thu nhập ít nhất 135.000 INR (khoảng 1.800 USD) từ mỗi chu kỳ nuôi 8 tháng và cá sẽ đạt trọng lượng tối thiểu 300 g.

TS K Madhu, điều tra viên chính của dự án và là nhà khoa học của CMFRI cho biết: “Thông thường cá rô phi (GIFT) tăng trọng lượng từ 300 – 500 g/con trong giai đoạn này. Biofloc cho phép nuôi cá mật độ cao trong một môi trường được kiểm soát, trong đó chất thải của cá được chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng hữu ích”.

CMFRI sẽ liên tục theo dõi các giai đoạn khác nhau của quá trình thực hành để giúp cá tăng trưởng tối đa. TS Madhu cho biết, bộ kiểm soát chất lượng nước cũng đã được cung cấp cho nhóm để duy trì các thông số cần thiết.

Theo chương trình SCSP của CMFRI, nuôi cá lồng đang được thực hiện trên toàn quốc và việc nuôi Biofloc nhằm mục đích mở rộng lợi ích của chương trình này cho những người nông dân không có điều kiện tiếp cận với các vùng nước thoáng. Dự án Biofloc đang được tiến hành tại các quận Palakkad, Thrissur, Idukki, Kottayam và Kollam dưới sự hướng dẫn của CMFRI. Cá rô phi giống được mua từ trại giống của MPEDA ở Vellarpadam.

Tích cực từ các dự án tôm RAS

Ông Gerald Easterling, Giám đốc điều hành của NaturalShrimp Inc gần đây đã nêu bật các tổng quan tích cực về các dự án nuôi tôm theo hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS). Mô hình này của Công ty tại TP Webster, IA đang chuẩn bị cung cấp các vụ thu hoạch tôm hàng tuần. Các bể, trại đã bắt đầu thả tôm giống và nuôi thương phẩm sau khi doanh nghiệp tích hợp thành công thiết bị lọc cho RAS. Easterling hy vọng trang trại sẽ hoàn thành với công suất sản xuất dự kiến ​​là 9.000 pound/tuần vào quý II/2022.

Cơ sở khác của NaturalShrimp ở LaCoste, Texas cũng đang tiếp tục hướng tới hoạt động hết công suất vì phải đối mặt với những trục trặc trong chuỗi cung ứng bắt nguồn từ COVID-19. Công ty dự kiến ​​sẽ sản xuất 3.000 pound tôm/tuần vào cuối quý I/2022.

Nuôi trồng thủy sản đa tích hợp (IMTA)

Hệ thống IMTA hiện đang được triển khai rộng rãi ở Trung Quốc và những ưu điểm của chúng, đặc biệt là khả năng thu hồi chất thải của các hệ thống này; duy trì chất lượng nước; sử dụng hiệu quả các nguồn lực và khả năng giảm bùng phát dịch bệnh.

Các mô hình IMTA tích hợp như sản xuất tôm, ngao và tảo biển đỏ Gracilaria trong các hệ thống ao nuôi. GS Shuanglin Dong, người đứng đầu nhóm sinh thái nuôi trồng thủy sản tại Đại học Hải dương Trung Quốc, giải thích: “Trong hệ thống này, một loài là thức ăn hoặc dinh dưỡng của loài khác và mô hình này có thể tăng gấp đôi sản lượng tổng thể và giảm mức nitơ trong nước xuống 86%”.

Nuôi cá lóc và tôm là một mô hình điển trong hệ thống này, trong đó cá lóc săn mồi những con tôm yếu, do đó có thể ngăn ngừa sự bùng phát của các dịch bệnh, bao gồm cả bệnh đốm trắng (WSSV).

Nuôi trồng thủy sản đa tích hợp có nhiều hình thức, có thể kết hợp theo các loài khác nhau hoặc tích hợp các hệ thống khác nhau.

Một khái niệm mới nữa là “sự kết hợp giữa các ao IMTA, RAS trên đất liền và ruộng muối” – hiện đang được thử nghiệm ở tỉnh Sơn Đông.  Trong hệ thống này, nước thải từ ao nuôi cá theo RAS được dẫn vào ao nuôi tôm thâm canh, sau đó tiếp tục chuyển sang các ao IMTA và cuối cùng đưa vào ruộng muối.

“Đó là một ý tưởng mới ở Trung Quốc. Một số công ty đã thử nghiệm điều này, nhưng chưa nhiều. Trong quá trình này, nồng độ phốt pho và nitơ trong nước thải lần lượt giảm 31% và 76% trước khi chúng đi đến công đoạn cuối cùng”, GS Jianguang Fang từ Viện Nghiên cứu Thủy sản Hoàng Hải cho biết.

Theo Giáo sư Fang, các ứng cử viên đầy hứa hẹn cho mô hình IMTA của các hệ thống này bao gồm tôm Gammarus – có thể ăn rong biển và nuôi tôm – hải sâm, có thể ăn mảnh vụn. “Ở Trung Quốc, Chính phủ kiểm soát biển, môi trường rất nghiêm ngặt. Vì vậy, nếu chất dinh dưỡng quá cao, quá trình nuôi sẽ bị buộc dừng lại. Vì vậy, theo cách đó, chúng tôi tiếp tục sử dụng kết hợp các IMTA khác nhau để đạt hiệu quả”, ông kết luận.


Related news

luu-y-khi-su-dung-may-quat-nuoc Lưu ý khi sử dụng… mot-loai-nam-men-moi-tang-kha-nang-mien-dich-manh-me-tren-ca Một loại nấm men mới…