Mô hình kinh tế Điểm Sáng Bên Sông Đà

Điểm Sáng Bên Sông Đà

Publish date Wednesday. February 11th, 2015

Khi Block lịch treo tường chỉ còn lại mong manh ít tờ, năm cũ đang rũ áo ra đi chúng tôi về Thanh Thủy để hoàn thiện tư liệu viết bài. Trên suốt chặng đường, đi đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được không khí của ngày Hội Đại đoàn kết vẫn còn nồng ấm.

Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND huyện, trong câu chuyện trao đổi ngắn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Vấn hết sức phấn khích khi nói về hiệu quả triển khai các chương trình, dự án giầu ý nghĩa kinh tế - xã hội của huyện. Anh cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn song năm 2014 là năm mà huyện làm được khá nhiều việc.

Trong những thành công đó phải kể đến việc thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất sử dụng vốn trực tiếp từ chương trình nông thôn mới được triển khai trên địa bàn 9 xã của huyện. Với con số trên một trăm mô hình, đề án thu hút hàng ngàn hộ, nhóm hộ, hợp tác xã tham gia, hưởng lợi thực sự là con số ấn tượng góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Chúng tôi thật vui mừng khi được biết, tới thời điểm này, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện cơ bản đã đạt và vượt so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đề ra cho giai đoạn 2010-2015. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt của nhiều vùng quê. Như muốn minh chứng điều mình nói, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Vấn giới thiệu chúng tôi về xã Xuân Lộc để mục sở thị một số mô hình kinh tế mà huyện và xã đang triển khai và bước đầu cho kết quả. 

Xã Xuân Lộc với các tên làng Võng La, Hạ Bì nhân dân nổi tiếng với truyền thống kiên cường trong đấu tranh cách mạng và cần cù trong lao động sản xuất, khi triển khai chương trình dự án xây dựng nông thôn mới người dân Xuân Lộc lại có dịp thể hiện sự đoàn kết và năng động sáng tạo của mình.

Hoạt động dịch vụ được đẩy mạnh, nhiều hộ được hỗ trợ kinh phí từ các chương trình dự án phát triển kinh tế, đầu tư phát triển kinh tế hộ làm giầu chính đáng. Nhiều nghề mới được nhân cấy không lâu như nuôi giun quế, nuôi ốc nhồi và đặc biệt là nuôi thả cá bè trên sông Đà, trồng dưa Nhật xuất khẩu. Các nghề mới này tuy mới chỉ qua thử nghiệm không lâu song đã sớm khẳng định hiệu quả. 

Nơi anh cán bộ xã đưa chúng tôi đến thăm đầu tiên là mô hình nuôi cá lồng thuộc xóm Thượng (làng Hạ Bì) ven sông Đà. Từ trên cao bao quát tôi thấy dọc theo triền sông có 4 cụm bè nuôi thả cá. Cụm bè lớn nhất có tới 12 lồng cá là của đảng viên Thiều Minh Thế - Bí thư chi bộ 4. Tiếp chuyện chúng tôi anh Thế xởi lởi cho biết: Nuôi cá nước ngọt trong đồng thì người nông dân không xa lạ gì nhưng nuôi cá trong lồng trên sông thì mới chỉ manh nha ở Xuân Lộc từ tháng 8-2013. 

Các bác thấy đấy, mỗi lồng với 90 khối nước tương ứng với 1,3 mẫu ao, quả thực làm lồng trên sông là môi trường lý tưởng nuôi cá nước  ngọt. Với cá  rô phi, Diêu hồng 1 lồng thả được 5.000 con giống, đầu tư 25 ngàn đồng/kg, xuất bán được 35 ngàn đồng/kg. Với loại cá này lãi suất thấp nhưng thu hồi vốn nhanh do thời gian nuôi ngắn. Với cá Lăng mỗi lồng thả 2.500 con giống đầu tư ban đầu 70 ngàn đồng/1kg, sau 17 tháng đạt 2-3kg, mỗi lồng cho thu từ 25-30 triệu đồng tính cả công.

Từ tháng 8 năm ngoái đến tháng 2 năm nay em xuất 4 lồng cá rô khoảng 14 tấn, thu về cả công và lãi 35 triệu đồng/tấn, tổng cộng được trên 500 triệu đồng. Hiện tại em nuôi 2 lồng diêu hồng, 4 lồng trắm, 2 lồng lăng, 2 lồng bỗng. Cứ đà này sau vụ thu hoạch tới em sẽ có vốn tiếp tục đầu tư thêm các lồng nuôi cá tăng sản lượng. Dân gian có câu “muốn giầu nuôi cá” song có lẽ chỉ nuôi cá lồng trên sông thì mới thực sự đạt hiệu quả cao như vậy.

 Theo chân anh cán bộ văn phòng UBND xã, chúng tôi tới thăm Trại nuôi giun Mai Hiền ở khu 2 (làng Võng La xưa). Chủ nhân của mô hình đặc biệt này là cô gái người Tày Lộc Thị Đà, chính gốc quê ở Bắc Kạn. Cô chủ vừa đưa chúng tôi đi thăm khu vực sản xuất vừa giới thiệu các loại sản phẩm và công dụng của nó. Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy”, loại sản phẩm nào cũng thấy gần gũi với đời sống sản xuất và sinh hoạt.

Có loại cung cấp chính cho chế biến thức ăn nuôi cá, làm mồi câu. Sản phẩm phụ cũng có giá trị chẳng kém như: MH1 phân hữu cơ vi sinh, MH2 bột khử mùi, MH3 chế phẩm xử lý môi trường, MH4 rượu ngừ sâu ăn lá, MH5 bột bảo vệ giun. Phế thải duy nhất đó là mùn giun dùng để trồng rau sạch. Có thể thấy nuôi giun hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Được biết chỉ với 117m2 trên trồng rau, dưới nuôi giun mà cho  thu lãi tới 50-60 triệu đồng/ tháng. Hiệu quả nuôi giun quế được khẳng định, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, chủ trang trại đã mở rộng thêm cơ sở 2 ở khu 10 xã Xuân Lũng (huyện Lâm Thao) với quy mô lớn, diện tích 4.700m2, thu hút hơn 10 lao động thường xuyên.

 Mới đi được 2 mô hình đã quá nửa chiều, nắng  đã nhạt dần. Theo sự chỉ dẫn của anh cán bộ văn phòng UBND xã chúng tôi nhanh chân trên tuyến đường bê tông mới mở ra đồng đến với trang trại của vợ chồng Nguyễn Huy Hiên ở ngòi Rằn thuộc khu 1. Chàng trai tuổi Mùi cùng vợ về lập trại gây cơ nghiệp ở đây từ năm 2010.

Trên diện tích 3ha, vợ chồng anh đầu tư mô hình chăn nuôi tổng hợp theo phương châm cuốn chiếu, lấy ngắn nuôi dài vậy mà mỗi năm cũng thu được  ngót 7 tấn gia cầm, tạo việc làm cho 5-6 lao động. Tổng thu hàng năm tới 300 triệu đồng. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, trong khu trang trại của mình Hiên dành khoảng 6-7 sào đất đào ao, hào nuôi thả ốc nhồi.

Như một chuyên gia nông nghiệp thực thụ. Từ chỗ không am hiểu nhiều về kỹ thuật nuôi ốc nhồi, sau thời gian thử nghiệm, qua mấy vụ thu hoạch, tiền thu về khoảng 40 triệu đồng/năm, chẳng những vậy giờ đây anh đã tích luỹ được đủ vốn kiến thức cho việc mở rộng diện tích nuôi ốc nhồi nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thăm mô hình trồng dưa Nhật xuất khẩu, mới áp dụng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của chị Ngô Thị Huệ được biết: Tại khu Bầu Ngòi có 10 hộ tham gia dự án trồng dưa Nhật xuất khẩu, nhà ít làm 7-8 sào, nhà nhiều 10 sào, gia đình chị làm 8 sào. Mỗi sào dưa đầu tư ban đầu khoảng 1,5 triệu đồng. Từ lúc trồng đến khi cho thu hái chỉ sau 1 tháng. Mỗi ngày thu bình quân khoảng 3 tạ bán giá 2.700 đồng/1kg mà được thu hái liên tục trong 3 tháng như vậy chỉ với 8 sào dưa trong một vụ đã thu được trên 24 triệu đồng.

Nhìn bao quát cánh đồng trồng dưa Nhật xuất khẩu xanh mởn, giàn nào cũng trĩu quả, hoa, nụ chen nhau hứa hẹn một mùa thu hoạch bội thu, tôi hình dung ra bức tranh xoá đói giảm nghèo vươn lên làm giàu của người nông dân Xuân Lộc có thêm những gam màu sáng. Với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt thì cánh đồng có thu nhập 80-90 triệu đồng/ha sẽ không còn trong mơ ước.

 Nhớ lại, cũng thời gian này năm trước Xuân Lộc mới chỉ đạt được 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Không phải là xã được lựa chọn làm điểm của huyện, nhưng thật là mừng đến thời điểm này, khi bước vào ngưỡng cửa năm mới, Xuân Lộc đã trở thành xã nông thôn mới thứ hai của huyện Thanh Thuỷ với đầy đủ 19/19 tiêu chí.


Related news

cam-khe-nhan-rong-mo-hinh-canh-dong-mau-lon-len-gan-770ha Cẩm Khê Nhân Rộng Mô… on-dinh-san-xuat-nong-nghiep-tren-cao-nguyen-da Ổn Định Sản Xuất Nông…