Mô hình kinh tế Điện Biên Đông Chuyển Giao Khoa Học Kỹ Thuật Cho Nông Dân

Điện Biên Đông Chuyển Giao Khoa Học Kỹ Thuật Cho Nông Dân

Publish date Wednesday. November 19th, 2014

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, những năm qua, huyện Điện Biên Đông luôn nỗ lực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho người dân. Thông qua các hình thức chuyển giao đào tạo, bồi dưỡng; trực tiếp hướng dẫn nông dân áp dụng KHKT vào sản xuất thông qua các mô hình trình diễn... Đó là yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Điện Biên Đông là 1 trong 65 huyện nghèo trong toàn quốc, sản xuất nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo nền kinh tế địa phương. Song những năm qua, tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện tồn tại không ít bất cập, hạn chế. Đặc biệt, trình độ, năng lực sản xuất của nguồn nhân lực rất thấp, dẫn đến hiệu quả lao động không cao.

Từ thực tế trên, huyện xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn thông qua công tác khuyến nông, khuyến ngư (KNKN), chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Những năm gần đây, từ nhiều nguồn vốn khác nhau: Chương trình 135 giai đoạn II; Chương trình 30a/CP; vốn viện trợ của Chính phủ Đan Mạch; sự nghiệp KNKN... bình quân mỗi năm huyện Điện Biên Đông đầu tư từ 6 - 7 tỷ đồng thực hiện công tác khuyến nông trên địa bàn.

Bên cạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng sản xuất cho người dân, công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT trên địa bàn huyện tập trung chủ yếu vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi trồng thủy sản.

Để công tác chuyển giao tiến bộ KHKT hiệu quả, hàng năm, từ tổng nguồn vốn được giao, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên Đông xây dựng kế hoạch công tác tổng thể, chi tiết. Theo đó, căn cứ nhu cầu sản xuất cụ thể từng địa phương; nhu cầu thị trường, bằng nhiều hình thức khác nhau, Trạm tiến hành chuyển giao KHKT nâng cao trình độ, năng lực sản xuất cho nông dân.

Nhận thức rõ vai trò của cán bộ khuyến nông xã là lực lượng nòng cốt trong tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ KHKT tại cơ sở, Trạm mở các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ này. Hoạt động giao ban khuyến nông cũng có bước đổi mới, đi vào chiều sâu gắn với nội dung chuyên môn cụ thể. Thông qua giao ban khuyến nông theo hình thức luân phiên tại cơ sở đã mang lại hiệu quả cao, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ khuyến nông viên được học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm từ các mô hình làm kinh tế giỏi, các cơ sở chăn nuôi sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.

Thông qua hoạt động tích cực của đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở, không những người dân thấy được vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng KHKT vào sản xuất mà cấp ủy, chính quyền các cấp nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân trong công tác KNKN từng địa bàn, cơ sở. Để nâng cao kỹ năng sản xuất cho nông dân, Trạm KNKN huyện đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn và các trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh;

Trường Cao đẳng Nghề; các cơ sở đào tạo nghề, bình quân mỗi năm tổ chức từ 30 - 40 lớp tập huấn quy trình kỹ thuật nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản cho hàng nghìn lượt người; đồng thời, cấp hàng nghìn bộ tài liệu kỹ thuật, tờ rơi hướng dẫn kỹ năng canh tác, chăn nuôi phát triển sản xuất cho các hộ dân trên địa bàn.

Những lớp tập huấn đã cung cấp cho người dân tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, thông tin thị trường, các quy trình, kỹ thuật thâm canh, sản xuất; cách xử lý tình huống trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt.

Theo đánh giá của UBND huyện, hiện nay hầu hết nông dân trên địa bàn đã từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, canh tác truyền thống kém hiệu quả, phần lớn bà con không còn sử dụng giống lúa, ngô, địa phương chất lượng, hiệu quả thấp trong sản xuất nông nghiệp.

Từ năm 2008 các loại ngô lai LVN 10, DK 8888... được đưa vào canh tác đại trà, diện tích gieo trồng tăng đáng kể tại các xã: Mường Luân, Chiềng Sơ, Luân Giói, Phình Giàng, Háng Lìa, Tìa Dình, Sa Dung, Pú Nhi cho năng suất từ 30 - 35 tạ/ha. Từ đó, sản lượng ngô của huyện năm 2013 tăng 40% so với sản lượng năm 2008.

Chuyển giao KHKT trong chăn nuôi, huyện đã lựa chọn thực hiện thí điểm một số mô hình tại các xã Mường Luân, Luân Giói, Pú Nhi; vịt lai tại xã Keo Lôm; gà thả vườn, nuôi cá hệ VAC tại khu vực xã Na Son, Pú Nhi là điều kiện quan trọng để người dân thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống sang áp dụng KHKT nâng cao sản lượng, chất lượng vật nuôi.

Ông Lường Văn Đoàn, bản Nậm Ngám A, xã Pú Nhi cho biết: Tham gia mô hình nuôi cá rô phi đơn tính do Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên Đông tổ chức năm 2013, là điều kiện để gia đình tôi có hướng phát triển kinh tế mới, từ đó vươn lên thoát nghèo. Với gần 2.000m2 mặt nước ao, nuôi cá rô phi đơn tính quanh năm, gia đình ông Đoàn có thu nhập ổn định từ 60 - 80 triệu đồng/năm.

Nguồn bài viết: http://www.baodienbienphu.com.vn/kinh-t%E1%BA%BF/%C4%91i%E1%BB%87n-bi%C3%AAn-%C4%91%C3%B4ng-chuy%E1%BB%83n-giao-khoa-h%E1%BB%8Dc-k%E1%BB%B9-thu%E1%BA%ADt-cho-n%C3%B4ng-d%C3%A2n


Related news

co-hoi-tu-xuat-khau-trai-cay Cơ Hội Từ Xuất Khẩu… muong-mun-giu-rung-de-huong-loi-tu-rung Mường Mùn Giữ Rừng Để…