Thống kê chăn nuôi Diễn biến giá lợn hơi tháng 5/2020: Giá tăng, nguồn cung hạn hẹp

Diễn biến giá lợn hơi tháng 5/2020: Giá tăng, nguồn cung hạn hẹp

Author Thủy Chung, publish date Monday. June 1st, 2020

Giá lợn hơi luôn đứng ở mức cao từ đầu năm đến nay, do nguồn cung khan hiếm chưa đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng.

Giá cả

Giá lợn hơi trên cả nước liên tục tăng từ đầu năm đến nay, trong tháng 5/2020 luôn đứng ở mức trên 90.000 đ/kg. Cụ thể, tại miền Bắc lợn hơi trung bình ở mức 92.000 - 100.000 đ/kg; miền Trung 90.000 - 97.000 đ/kg; miền Nam 93.000 - 100.000 đ/kg. Dịch tả lợn kéo dài nhiều tháng nay và giá lợn hơi tăng kéo theo giá lợn giống tăng: Lợn cai sữa (6-7 kg/con) lên tới 3 triệu đồng/con, tăng 300.000 đồng/con so với giữa tháng 4/2020; lợn con 2 tháng tuổi (trọng lượng khoảng 20 kg) gần 4 triệu đồng/con, tăng 300.000 – 400.000 đồng/con.

Nguyên nhân giá tăng do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi làm cho nguồn cung sụt giảm. Tốc độ tái đàn chậm, gặp nhiều khó khăn do giá lợn giống tăng cao, nhiều hộ dân chưa muốn tái đàn, do đó, lượng lợn trong dân không nhiều, hơn nữa chi phí trong chuỗi cung ứng và chi phí từ các loại thuế phí cao tác động tăng giá.

Cung cầu

Cung cầu trong nước

Tổng đàn lợn thời điểm 31/12/2018 trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi là 31 triệu con, đến thời điểm 31/12/2019 chỉ còn 25 triệu con. Đến giữa tháng 3/2020, số đàn lợn mới tăng được 6,3% so với tháng 12/2019, nâng con số tổng đàn lợn cả nước lên 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trong quý 1/2020, lượng lợn đưa ra thị trường chỉ khoảng 820.000 – 830.000 tấn, thấp hơn nhu cầu thực tế khoảng 100.000 tấn. Với khả năng sản xuất dự kiến, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2020 tương đương năm 2018, quý 2/2020 đạt hơn 900.000 tấn, quý 3 đạt hơn 1 triệu tấn, quý 4 gần 1,1 triệu tấn. Như vậy, đến cuối năm 2020 dự báo sẽ cơ bản đáp ứng được phần lớn nhu cầu thịt lợn. Hiện các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chiếm 35% thị phần, còn lại 65% thị phần do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung cấp, trong khi các hộ này đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc tái đàn lợn. Vì vậy, nguồn cung càng thiếu hụt, sớm nhất cuối năm 2020 mới khôi phục được.

Về xuất nhập khẩu thịt

Theo số liệu của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), trị giá nhập khẩu thịt và sản phẩm từ thịt 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,36 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2019. Năm thị trường nhập khẩu chủ yếu là Australia, Ấn Độ, Mỹ, Thái Lan và Canada với trị giá lần lượt là 170,4 triệu USD (tăng 94%); 79 triệu USD (tăng 158,8%); 78,6 triệu USD (tăng hơn 88%); 49,3 triệu USD (tăng 70,5%) và 22,3 triệu USD (cao gấp 14 lần).

Về chủng loại, nhập khẩu nhiều nhất là trâu, bò sống đạt 204,4 triệu USD, tăng 102,8% so với cùng kỳ năm 2019; thịt bò đông lạnh đạt 115,9 triệu USD, tăng 88,5%; thịt và phụ phẩm sau giết mổ của gà đông lạnh đạt 79,8 triệu USD, tăng 50,7%; thịt heo đông lạnh đạt 39,7 triệu USD, tăng 444,5%.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 150 triệu USD, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm 2019. Năm thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Bỉ và Papua New Guinea với trị giá lần lượt là 10,9 triệu USD (giảm 37,5%); 5,4 triệu USD (giảm 59,8%); 3,3 triệu USD (tăng 24,2%); 1,4 triệu USD (giảm 34,2%) và 670,5 nghìn USD (giảm 28,5%).

So sánh với cùng kỳ năm 2019, xuất khẩu hầu hết các sản phẩm thịt đều giảm như thịt lợn đông lạnh đạt 8,8 triệu USD, giảm 52,2%; thịt và các phụ phẩm từ thịt chế biến (chân lợn nấu chín, chân gà rút xương, khô gà...) đạt 6,1 triệu USD, giảm 12,5%; thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gà đông lạnh đạt 3,1 triệu USD, giảm 50,5%; đùi ếch đông lạnh đạt 2,3 triệu USD, giảm 60,8%.

Dự báo

Dự báo giá thịt lợn tháng 6 vẫn ở mức cao do tình trạng thiếu lợn sẽ còn kéo dài thêm ít nhất 3-4 tháng tới. Theo tính toán, sớm nhất quý 4/2020, nguồn cung mới tương đương trước khi có dịch. Về nguồn thịt nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn trên thế giới đang phải đóng cửa do Covid-19 nên nguồn cung trong thời gian tới có thể không dồi dào, ảnh hưởng đến giá thịt lợn.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn (IPSARD), với qui mô đàn lợn nái hiện nay, sản lượng thịt lợn năm 2020 có thể đạt 3,9 triệu tấn. Tuy nhiên, nếu qui mô đàn lợn nái giảm 10%, tương đương xấp xỉ 590.000 con, sản lượng thịt lợn sẽ giảm 20%, xuống còn 3,1 triệu tấn; việc giảm 20% đàn lợn nái sẽ dẫn đến giảm 35% sản lượng thịt lợn, xuống còn 2,5 triệu tấn.

Căn cứ định hướng phát triển ngành chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2020 đạt khoảng 4%, sản lượng thịt các loại ước đạt khoảng 5,5 triệu tấn, trong đó thịt lợn đạt khoảng 64 - 67%, tăng 8,8% so với năm 2019. Trước diễn biến giá thịt lợn tăng cao, nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang dùng thực phẩm khác thay thế như thịt bò, thịt gà, hải sản… Nếu giá thịt lợn ở mức giá khó chấp nhận, người tiêu dùng sẽ buộc phải thay đổi thói quen. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong năm 2020 sẽ giảm 10%.

Giá lợn cao từ cuối năm 2019 đến sau Tết Nguyên đán 2020 và dịch COVID-19 ảnh hưởng kép lên sức mua người dân, khiến nhu cầu tiêu thụ thịt lợn toàn quốc giảm 20 - 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất của COVID-19 vẫn là đến tổng nhu cầu. Hiện nay, áp lực nguồn cung đã giảm nhiều nhờ COVID-19 đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ thịt lợn. Tùy theo khả năng hồi phục kinh tế và sức mua mà tổng cầu có thể hồi phục nhanh hay chậm trong năm 2020. Các chuyên gia dự đoán có thể đến ít nhất giữa năm 2021, tổng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn mới hồi phục lại như đầu năm 2019.


Related news

thi-truong-nguyen-lieu-gia-ngo-giam Thị trường nguyên liệu -… gia-lon-hoi-ngay-29-5-2020-tang-tro-lai Giá lợn hơi ngày 29/5/2020…