Mô hình kinh tế Định Hướng Phát Triển Cá Nước Lạnh Việt Nam Đến Năm 2020

Định Hướng Phát Triển Cá Nước Lạnh Việt Nam Đến Năm 2020

Publish date Thursday. September 18th, 2014

Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu đạt sản lượng 10.000 tấn cá nước lạnh (7.287 tấn cá tầm và 2.713 tấn cá hồi), đó là mục tiêu cơ bản của dự thảo Quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020. Mục tiêu này đã được đưa ra thảo luận tại Hội thảo góp ý Quy hoạch phát triển cá nước lạnh được tổ chức ngày 16/9/2014 tại Lâm Đồng

Cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) đã được phát triển nuôi tại Việt Nam từ khoảng năm 2002 với hàng loạt dự án nhập công nghệ, đề tài nghiên cứu về sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá tầm, cá hồi. Một số mô hình nuôi cá nước lạnh đã được triển khai và phát triển nhanh.

Đến nay, phong trào nuôi cá nước lạnh đã phát triển mạnh trên 22 tỉnh (Kể cả những tỉnh đang thử nghiệm), điển hình là Lào Cai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La,… và được nhiều quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực đánh giá cao. Bộ NN&PTNT cũng đã xem đây là đối tượng có tiềm năng phát triển trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, cho đến nay phát triển sản xuất cá nước lạnh tại Việt Nam vẫn còn mang tính tự phát, nghề nuôi cá nước lạnh vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng. Việt Nam chưa chủ động được về con giống và thức ăn, còn phải nhập từ nước ngoài nên giá thành cao và không ổn định.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là sản phẩm tươi sống; họat động chế biến, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường kể cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chưa thực hiện tốt. Công nghệ nuôi, sản xuất giống, chủ động trong phòng chống dịch bệnh còn yếu.

Tại dự thảo quy hoạch, ngoài mục tiêu về sản lượng, quy hoạch còn đặt ra mục tiêu đến năm 2020 đảm bảo chủ động cung cấp 75-80% nhu cầu giống phục vụ nuôi; sản lượng trứng cá tầm đạt khoảng 30 tấn với giá trị xuất khẩu đạt trên 60 triệu USD.

Hội thảo với sự tham gia của các cơ quan quản lý tại Tổng cục Thủy sản, các địa phương có tiềm năng nuôi cá nước lạnh, các nhà khoa học, Viện nghiên cứu và nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cá nước lạnh tại khu vực Miền Trung và Tây nguyên.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến việc xác định cụ thể các vùng nuôi, sản xuất giống, thức ăn; Các định hướng về thị trường, đối tượng nuôi. Đặc biệt cần xác định rõ mục tiêu nuôi cá tầm lấy trứng để có các giải pháp phù hợp.

Vấn đề về đưa một số đối tượng cá nước lạnh vào danh mục các đối tượng nuôi tại Việt Nam cũng được các đại biểu quan tâm song song với việc quy hoạch. Theo các đại biểu tham dự, trong giai đoạn tới, để quy hoạch mang tính khả thi, cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn việt nam đối với các đối tượng cá nước lạnh nhằm kiểm soát tốt các đổi tượng nuôi này.

Đối với việc nuôi cá nước lạnh, suất đầu tư cao và mang nhiều rủi ro, do đó, cần có những giải pháp khuyến khích phù hợp. Cần xem xét việc đầu tư sản xuất cá nước lạnh sẽ hỗ trợ cho việc phát triển các ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch, mang ý nghĩa lớn đối với vùng dân tộc thiểu số trong sử dụng lao động, thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, nên quy hoạch tập trung các cơ sở sản xuất cá nước lạnh tại Lâm Đồng, Sapa… tránh dàn trải. Với điều kiện tự nhiên của nước ta, nên tập trung nuôi cá tầm với tỷ lệ sản lượng khoảng 90% và tập trung đầu tư cho việc nghiên cứu về sản xuất giống, thức ăn cũng như quy trình sản xuất trứng cá tầm.

Một số giải pháp về khuyến khích đầu tư, sử dụng đất, mặt nước cho nuôi cá nước lạnh cũng được nhiều đại biểu quan tâm, đề xuất.


Related news

can-nhac-vu-lua-tren-dat-nuoi-tom Cân Nhắc Vụ Lúa Trên… phu-hoa-an-giang-hoi-thao-mo-hinh-nuoi-ca-sac-ran-trong-ao-dat Phú Hòa (An Giang) Hội…