Mô hình kinh tế Dỡ Chà Mùa Lũ Rút

Dỡ Chà Mùa Lũ Rút

Publish date Thursday. November 28th, 2013

Lũ rút cũng là lúc sông Cửu Long cho thấy sự hào phóng về các sản vật mùa nước nổi. Người dân vùng đồng bằng tranh thủ khai thác thủy sản đang vào độ “chạy” nhất với đủ mọi hình thức và dỡ chà là một trong những phương pháp thủ công độc đáo còn được áp dụng.

Nhớ cái thời… cá ăn không hết!

Tháng 10 âm lịch, con nước lũ vơi dần trên các cánh đồng. Những loài cá sau mấy tháng được nuôi dưỡng nơi đồng ruộng phì nhiêu, với nguồn thức ăn phong phú đã lớn nhanh và di cư theo con nước ra sông lớn. Chúng trở thành món quà của mùa lũ. Có lẽ, do nhọc công đi tìm bắt cá mãi cũng chán nên tiền nhân tìm ra cách chất chà “dụ” cá tự gom lại một chỗ để tiện khai thác và nghề dỡ chà được hình thành cho đến nay.

“Tôi theo nghề này mấy chục năm rồi, hồi trước cá dữ lắm, mỗi lần dỡ chà đến 700-800 kg, nào là mè vinh, cá lăng, cá ngựa… đủ mặt hết. Lúc đó, mùa nước tôi kiếm cũng bộn, phần thì bán, phần để ăn. Loay hoay rồi lại đến mùa nước, vậy là có cá ăn quanh năm!” - chú Lê Nhơn, xã Bình Mỹ (Châu Phú) cho biết. Cũng theo lời chú Nhơn, mấy mươi năm trước, các loài thủy sản có nhiều không gian phát triển nên gia đình chú có thể sống được cả năm chỉ nhờ vào nghề dỡ chà. Là “đồng nghiệp” với chú Nhơn, chú năm Đen ở xã Khánh Hòa (Châu Phú) cũng say sưa kể về cái thời mỗi lần dỡ chà là cá phóng rộ lên “mê” cả mắt, điều đó đồng nghĩa với việc chú thu hoạch được một số lượng lớn các loài thủy sản, để cuộc sống ổn định mỗi khi mùa nước nổi đi qua. Chú Năm kể: “Hồi trước đặt chà dễ dính lắm, cá nhiều tới mức phải bỏ lại những con quá nhỏ vì ít ai chịu ăn. Lúc đó, đất rộng người thưa, các món đặc sản của vùng sông nước rất dễ tìm, mà toàn là cá đồng trăm phần trăm, chứ không phải ăn cá nuôi như hiện nay”.

Thủy sản… vơi dần:

Để đặt một đống chà trên sông, ngư dân thường sử dụng nhánh cây trâm bầu hoặc me nước, theo kinh nghiệm thì hai loại cây này khi ngâm nước sẽ có nhiều rong làm thức ăn cho các loại cá nên chúng sẽ tập trung nhiều, ngoài ra đống chà cũng tạo ra “độ ấm” nhất định làm nơi trú ngụ cho thủy sản. Chính nhờ vào những yếu tố đó nên những đống chà mới “thu hút” được nhiều cá, tôm. Chà chất xong thì người chủ chỉ việc chờ đợi, cứ cách tháng thì dỡ một lần.

Theo thời gian, phương pháp bắt cá bằng việc chất chà trên sông vẫn không có gì đổi khác nhưng những người “nối nghiệp tiền nhân” thì lại khá lận đận. Nguyên nhân, nguồn thủy sản đã không còn dồi dào như xưa khiến cho thu nhập của họ cũng sụt giảm đáng kể. “Năm nay, không thấy cá mắm gì hết, tôi nghĩ tới mà phát rầu. Mấy lần dỡ chà gần đây, tôi chỉ kiếm được 150-200 kg cá, bán ra được 4 triệu - 5 triệu đồng. Trong khi chi phí mua cây, mua lưới, tiền nhân công, tính ra chỉ lời vài trăm ngàn đồng” - anh Lê Văn Kha (con của chú Nhơn) thật tình. Cùng cảnh ngộ với anh Kha, anh Nguyễn Văn Tài ở Vĩnh Hội Đông (An Phú) than: “Năm nay nước lớn mà sao không thấy cá mắm gì hết. Làm thì cực mà lần nào gạn chà xong chẳng được bao nhiêu, anh em chia nhau mỗi người vài trăm ngàn đồng, chắc người ta bắt riết hết cá rồi!”.

Dòng nước sông Mekong vẫn mang phù sa về đồng bằng châu thổ như lời hứa hẹn tự ngàn xưa nhưng nguồn lợi thủy sản đã sụt giảm đáng kể, cùng với đó là sự khó khăn của những người vốn gắn bó với con cá, con tôm trong mùa lũ. Dọc theo những dòng sông, vẫn thấy các đống chà đang nằm đợi cá nhưng chúng đã ít về hơn hoặc chẳng có mà về.

Khi con người tiếp tục khai thác thủy sản một cách vô tội vạ, khi ý thức giữ gìn nguồn lợi thủy sản của người dân chưa được đặt đúng tầm thì câu chuyện đánh bắt được nhiều cá tới mức ăn không hết phải đem làm mắm sẽ mãi mãi trở thành quá khứ.


Related news

hieu-qua-tu-mo-hinh-nuoi-ca-tha-ghep Hiệu Quả Từ Mô Hình… buoi-nam-roi-hoi-sinh Bưởi Năm Roi Hồi Sinh