Mô hình kinh tế Đo lượng tưới cho cà phê từ phế thải

Đo lượng tưới cho cà phê từ phế thải

Publish date Friday. September 18th, 2015

Bằng cách làm này, họ đã kéo giảm lượng nước tưới xuống 50% trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả SX.

Nguy cơ thiếu nước tưới

Theo thống kê, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới và có tới 2,6 triệu người có đời sống kinh tế phụ thuộc vào cây cà phê. Phần lớn diện tích cà phê tập trung tại khu vực Tây Nguyên và miền Trung.

Tại những khu vực này, lượng nước sử dụng cho canh tác nông nghiệp chiếm đến 96% trong tổng số nguồn nước được sử dụng.

Tình trạng biến đổi khí hậu và việc sử dụng lãng phí nguồn nước trong việc SX nông nghiệp đã dẫn đến hệ lụy tất yếu là sự khan hiếm nước, và là mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với người nông dân, hộ gia đình và ngành công nghiệp cà phê.

Theo một nghiên cứu của Cty Nestlé, lâu nay, đa số người nông dân vẫn dùng cách tưới truyền thống là dùng vòi nước phun mạnh vào gốc, thân cây cà phê.

 Cho nên, vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau), bình quân người nông dân sử dụng gấp 3 - 4 lần mức nước tưới cần thiết, tức lãng phí đến hơn 60%.

Ngoài việc làm mất đi lượng phân, dinh dưỡng không nhỏ của cây thì đây là một trong những nguyên nhân khiến mạch nước ngầm ngày càng cạn kiệt và người nông dân phải đối mặt với nhiều khoản chi phí về tài chính và nhân công.

Theo ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng bộ phận Hỗ trợ nông nghiệp của Nestlé, cách để giải quyết vấn đề nước một cách nhanh chóng trên diện rộng là sử dụng những dụng cụ chi phí thấp mà người nông dân có thể áp dụng và hướng dẫn cho những người khác sử dụng công cụ này.

“Chai nhựa và vỏ lon sữa là những công cụ đơn giản để đo độ ẩm của đất, giúp người nông dân biết được khi nào là thời điểm tốt nhất để tưới nước. Kinh nghiệm ở Việt Nam không phải là việc áp dụng công nghệ cao, mà đó chính là sáng kiến từ thực tế và việc áp dụng những công cụ đơn giản”, ông Carlo Galli, Giám đốc kỹ thuật phụ trách bảo tồn nguồn nước, Cty Nestlé.

“Cà phê ở Việt Nam được trồng trong những trang trại nhỏ, có diện tích từ 2 - 3 ha. Do đó, những kỹ thuật quản lý quy mô lớn thường khó thực hiện. Tuy nhiên, những công cụ sáng tạo từ sáng kiến của người nông dân thực sự rất hữu ích”, ông Ngọc cho biết.

Đo lượng mưa bằng vỏ lon sữa

Nhằm tiết kiệm nguồn nước trong SX, nông dân tỉnh Đăk Lăk đã nghĩ ra cách sử dụng những vỏ lon sữa đặc rỗng để đo lượng mưa, hay những chai nhựa bỏ đi được đặt úp trong đất có thể đo độ ẩm của đất.

Những công cụ này sử dụng đơn giản và gần như không tốn chi phí gì, dễ dàng phổ biến trong số các nông hộ trồng cà phê.

Chỉ cần một thủ thuật đơn giản là đặt chai nhựa úp xuống đất và quan sát mức độ nước tụ lại trong chai, người nông dân đã có một công cụ để đo độ ẩm của đất. Tùy theo lượng nước bám trong thành lọ mà có thể tưới tiếp và tưới bao nhiêu.

Sau đó, những nông hộ này tiếp tục sử dụng vỏ lon sữa bò để đo lượng nước mưa mà cây cà phê hấp thu được. Điều này giúp họ điều chỉnh lượng nước tưới trong suốt mùa khô.

Nông dân trồng cà phê ở Đăk Lăk nghe chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tưới tiết kiệm cho cà phê

Ví dụ, khi nhận thấy một vỏ lon sữa bò chứa 1/6 lượng nước mưa trong đó, có nghĩa là cây cà phê gần đó đã tiếp nhận khoảng 100 lít nước.

Điều này rõ ràng hiệu quả hơn việc sử dụng những công cụ khoa học phức tạp khiến người nông dân khó nắm bắt.

Thông thường, người trồng cà phê sử dụng từ 700 - 1.000 lít nước/cây cà phê cho mỗi lần tưới. Nhưng với cách làm này thì chỉ cần sử dụng 300 - 400 lít nước mà vụ mùa cà phê thu hoạch vẫn cho kết quả tương tự. Vì vậy, hiệu quả tiết kiệm nước đạt hơn 50% trong nhiều trường hợp.

Trong khi nông dân ở nhiều nước phát triển có thể áp dụng các phương pháp phức tạp hơn để giảm thiểu lượng nước tưới, thì phương pháp cơ bản này có thể phổ biến tới các nông hộ nhỏ trồng cà phê thực sự hiệu quả.

Các vỏ lon sữa và các chai nhựa là những ví dụ điển hình về những công cụ đơn giản nhưng có ý nghĩa quan trọng.


Related news

them-5-xa-hoan-thanh-xay-dung-nong-thon-moi Thêm 5 xã hoàn thành… tom-càng-xanh-chò-lũ Tôm càng xanh chờ lũ