Doanh Nghiệp Xuất Khẩu Chè Điêu Đứng Vì Tin Đồn Thất Thiệt
Ít nhất khoảng 70 container chè của Việt Nam xuất qua thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đang “bị treo”- chưa được thông quan chỉ vì nguồn tin thất thiệt… khiến hàng chục doanh nghiệp xuất khẩu chè điêu đứng.
Thông tin trên được các doanh nghiệp xuất khẩu chè ở Lâm Đồng cho biết vào chiều 17/11. Theo bà Hà Thúy Linh - Giám đốc Công ty TNHH Hà Linh, doanh nghiệp chuyên trồng, chế biến, kinh doanh xuất khẩu trà Oolong tại vùng chè mang thương hiệu nổi tiếng Cầu Đất (TP Đà Lạt), việc hàng chục container chè thành phẩm đang bị ách lại tại Đài Loan đã ảnh hưởng rất lớn đối với các doanh nghiệp cùng hàng ngàn nông hộ trồng chè tại Lâm Đồng.
Cũng theo bà Linh, trong số 70 container chè chưa được phía Đài Bắc thông quan, có 4 container mang thương hiệu chè doanh nghiệp Hà Linh bán cho khách hàng (trong đó có 11 tấn chè Oolong, trị giá trên 2 tỷ đồng của doanh nghiệp Hà Linh xuất trực tiếp). Nguyên nhân là cuối tháng 9 vừa qua, không biết từ đâu xuất hiện lời đồn thất thiệt chè Việt Nam trồng trên đất nhiễm chất Dioxin nên phía Đài Loan đã ách lại để kiểm tra.
Một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh, xuất khẩu chè chất lượng ở Lâm Đồng qua thị trường Đài Loan, cho biết cũng bị ảnh hưởng nặng bởi hàng trăm tấn chè thành phẩm hiện đang “bị treo” ở Đài Loan. Không chỉ hàng chưa thông quan, sau khi có thông tin trên, số hàng đã ra sạp cũng không bán được nên việc sản xuất, kinh doanh xuất khẩu đều đình trệ, gặp rất nhiều khó khăn. Theo những doanh nghiệp này, không chỉ ngành chè Lâm Đồng mà nhiều vùng trồng chè ở các tỉnh phía Bắc cũng điêu đứng vì tin đồn thất thiệt trên.
Chiều cùng ngày, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng Lê Văn Minh cũng đã xác thực thông tin doanh nghiệp xuất khẩu chè Lâm Đồng qua thị trường Đài Loan đang gặp khó là thật.
Ông Minh cho biết, vừa qua, một số sở, ngành liên quan của tỉnh có buổi làm việc với ông Ta Ling Wu - Phó Tổng Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tỉnh Lâm Đồng, Hội trưởng Hiệp hội người Hẹ Đài Loan tại Việt Nam.
Ông Wu xác nhận có bảy kênh truyền hình, một trang web và bốn tờ báo giấy tại Đài Loan đã đưa tin thất thiệt về: “Chè Việt Nam trồng trên vùng đất nhiễm Dioxin”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và uy tín ngành chè Việt Nam.
Tại buổi làm việc, ông Wu cũng đề nghị tỉnh Lâm Đồng (vùng sản xuất chè lớn nhất cả nước), có văn bản gửi các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước, khẳng định: “Vùng sản xuất chè tại Việt Nam đều nằm trong những vùng quy hoạch an toàn, có đánh giá tác động môi trường”, đồng thời tổ chức họp báo thông tin rõ ràng để “cứu” ngành chè trong nước đang “chịu” tin đồn thất thiệt.
Sau khi nắm thông tin ban đầu, Sở NN&PTNT, Sở TN&MT Lâm Đồng cùng các đơn vị liên quan, đã làm việc và báo cáo với lãnh đạo tỉnh để có phương án chỉ đạo kịp thời. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn, qua tài liệu lịch sử, khoa học và các đánh giá tác động môi trường, chúng tôi khẳng định, vùng sản xuất nông nghiệp (trong đó có cây chè) tại Lâm Đồng không nằm trong vùng phơi nhiễm Dioxin.
Ông Sơn cho rằng, từ trước tới nay sản phẩm nông sản của Đà Lạt, Lâm Đồng đã được những thị trường khó tính ưa chuộng, hàng năm đều xuất khẩu lượng lớn sang châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… và được người tiêu dùng chấp nhận, đánh giá cao về chất lượng. Tính riêng chín tháng năm 2014, Lâm Đồng đã xuất khẩu hơn 11,1 nghìn tấn chè chế biến, tăng 25,2% về giá trị so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có cả doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan, sau khi khảo sát kỹ về khí hậu, thổ nhưỡng họ đã chọn Lâm Đồng làm nơi đầu tư sản xuất các loại nông sản chất lượng, như rau, hoa, khoai lang và cây chè.
Ông Sơn cũng cho biết, tỉnh Lâm Đồng đã thuê một đơn vị ở Hà Nội làm quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn, chất lượng trên diện tích 23,5 nghìn ha, trong quá trình làm quy hoạch đã có đánh giá tác động môi trường rất nghiêm ngặt nên thông tin sản phẩm chè Lâm Đồng trồng trên đất bị phơi nhiễm chất Dioxin rõ ràng là tin đồn thất thiệt.
Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp đã chọn vùng đất Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng để “gieo những mầm chè”, tạo nên hương vị chè đậm chất xứ đất đỏ bazan. Khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng cao nguyên này rất thuận lợi để cây chè đâm chồi, nảy lộc, làm nên những thương hiệu nổi tiếng như Chè Cầu Đất, Phú Sơn, Di Linh, B’Lao…
Tiếp nối những thương hiệu chè nổi tiếng các doanh nhân, danh trà người Việt tiếp quản, phát triển ngành liên tục cây chè cho đến ngày nay. Ngành chè giờ đây đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, và Lâm Ðồng được mệnh danh là “Thủ phủ trà Việt Nam”. Hiện Lâm Đồng đã có hơn 22 nghìn ha chè, trong đó 25% diện tích được ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP… tạo sản phẩm chất lượng bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, như Oolong, chè xanh, chè đen.
Liên quan đến vụ việc, ông Sơn cho hay: Hiện các đơn vị liên quan của địa phương đã và đang thu thập thêm chứng cứ, luận cứ, tham mưu tỉnh có văn bản gửi các cơ quan hữu quan, trong đó có Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Bộ Ngoại giao… thông tin rõ sự việc, để có phương án giải quyết kịp thời. Đồng thời, tỉnh sẽ tổ chức họp báo thông tin cụ thể, trước khi phía Đài Loan tổ chức họp báo về việc này vào ngày 24/11.
Nguồn bài viết: http://baolamdong.vn/kinhte/201411/vu-cac-doanh-nghiep-dieu-dung-vi-thong-tin-that-thiet-lam-dong-khang-dinh-che-xuat-khau-la-che-sach-2376479/
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao