Tin thủy sản Độc đáo nuôi lươn không bùn

Độc đáo nuôi lươn không bùn

Author Kim Chi, publish date Wednesday. October 2nd, 2019

Là loài sống ở nước ngọt, chế biến được nhiều món ăn giàu dinh dưỡng nên con lươn ngày càng có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, ngoài nguồn khai thác từ thiên nhiên, tại xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân còn xuất hiện những hồ nuôi lươn không bùn, bước đầu cho hiệu quả tốt.  

Cách nuôi lươn không bùn không cần nhiều diện tích đất nhưng vẫn cho hiệu quả.

Ông Võ Văn Tập, ấp Phú Thành, xã Phú Mỹ, là hộ dân duy nhất tại xã Phú Mỹ thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn trong hồ. Tận dụng hồ bê tông nuôi cá có sẵn để thả lươn, với mật độ thả khoảng 150-200 con/m2, ông Tập đã thử nghiệm thành công cách nuôi lươn không bùn. Sau hơn 1 năm thả giống nuôi với mức đầu tư trên 23 triệu đồng, đến nay gia đình ông đã lấy vốn và cho lãi.

Kỹ thuật nuôi lươn không bùn được ông Tập đánh giá không khó, chỉ cần tâm huyết và chịu khó chăm sóc sẽ thành công. Hiện nay, ông Tập có 2 hồ nuôi lươn được xây bằng bê tông và 2 hồ nuôi bằng nhựa. Những con lươn với kích cỡ khác nhau được ông Tập phân chia ra thành hồ nuôi khác nhau để dễ chăm sóc. Ông Tập cho hay: “Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên bị hao hụt, nhưng qua hướng dẫn và tìm hiểu cách nuôi đã nắm vững, con lươn phát triển rất tốt”.

Trong quá trình nuôi lươn, ngoài khâu chọn con giống ở nơi uy tín, đều con và nhiều nhớt thì nguồn nước là yếu tố quan trọng để nuôi lươn thành công. Theo ông Tập, con lươn vốn sống trong môi trường tự nhiên nên khi thay đổi môi trường sống, nguồn nước cho lươn phải đảm bảo sạch. Do đó, muốn nuôi lươn không bùn đầu tiên là phải thiết kế hồ nuôi có đường cấp nước và thoát nước để thay nước cho lươn định kỳ. Mặt trong hồ nuôi phải trơn, tránh trường hợp con lươn bị xay xát. Ngoài ra, từ 2-4 ngày phải vệ sinh bể nuôi, tránh ô nhiễm.

Theo ông Tập, hiện nay thức ăn cho lươn có nhiều loại, người nuôi nên chọn loại tốt, có chất lượng. Bên cạnh các loại thức ăn bán trên thị trường hiện nay, người nuôi cũng có thể xay cá thật mịn làm thức ăn cho lươn. Nguồn thức ăn này chứa nhiều dinh dưỡng, giúp lươn phát triển nhanh nhưng nhược điểm là khâu chế biến mất thời gian và dễ ô nhiễm nguồn nước khi thức ăn còn dư trong hồ.

Qua quá trình tìm hiểu sách báo và những người có kinh nghiệm nuôi lươn không bùn, ông Tập nhận thấy khâu lựa chọn và chăm sóc con lươn từ khi còn nhỏ là giai đoạn quan trọng. Ông Tập cho biết: “Lươn con mới đem về rất nhỏ. Ban đầu nuôi trong hồ nhỏ để tiện theo dõi và chăm sóc. Khi lươn khoảng 2-3 tháng thì phân ra hồ lớn, kích cỡ con lươn trong mỗi hồ nuôi phải đồng đều nhau”.

Với đặc tính thích trú ẩn, thường sống chui rúc trong bùn, ruộng, mương, đồng cỏ… nên khi nuôi trong hồ ông Tập đã tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng dây để lươn trú ẩn. Đồng thời, thả thêm lục bình để tạo độ mát cho lươn. Khẩu phần ăn cho lươn được ông Tập phân ra từ 2-3 lần trong ngày. Lượng thức ăn cũng được điều chỉnh theo thời gian nuôi, tránh để thức ăn tồn đọng lại hồ, gây ô nhiễm nguồn nước.

Với cách nuôi này, sau thời gian khoảng 7-12 tháng là có thể bán được lươn thịt. Ông Tập cho biết: “Hiện nay, con lươn có giá trị kinh tế cao, kỹ thuật nuôi lươn không bùn lại mang nhiều ưu điểm nhưng kỹ thuật đơn giản và không đòi hỏi diện tích lớn, rất phù hợp với những hộ chăn nuôi có diện tích đất nhỏ”.

Mỗi ký lươn được ông Tập bán với giá 200 ngàn đồng. Chủ yếu là phục vụ tại địa phương và tiêu dùng trong nhà. Hiện nay, gia đình ông Tập đang tìm kiếm thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định để mở rộng quy mô nuôi.

Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Thành Võ Đông Giang cho biết: “Thời gian qua, cách nuôi lươn không bùn của gia đình ông Tập mang lại hiệu quả nên nhiều người từ địa phương khác đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đây là cách làm còn mới đối với nhiều bà con, nếu được cấp trên hỗ trợ thêm kỹ thuật và tìm thị trường, tương lai sẽ được nhiều hộ dân nhân rộng”.


Related news

nuoi-tom-cang-xanh-be-cang-tai-tra-vinh Nuôi tôm càng xanh bẻ… phong-chong-khac-phuc-anh-huong-mua-bao-trong-nuoi-tom Phòng chống, khắc phục ảnh…