Tin nông nghiệp Đời khóm - đời người

Đời khóm - đời người

Author Bùi Gia - Vĩnh Tường, publish date Tuesday. February 27th, 2018

Cây khóm “ướm chân” ở vùng đất Hậu Giang từ khoảng thập niên 30 của thế kỷ trước. Như một định mệnh, nó đã gắn bó với vùng đất khô cằn, thừa phèn, thiếu ngọt này, để rồi cho ra những trái ngọt, nuôi lớn bao thế hệ con người. 

Khóm Cầu Đúc, đặc sản nổi tiếng của Hậu Giang

Khóm Cầu Đúc - vang danh miền Tây!

Vào năm 1930, người dân Hỏa Tiến (thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) thấy cây khóm giống tốt, bắt đầu nhân giống ra trồng cặp bờ sông Cái Lớn. Từ đó cây khóm bám rễ và trụ vững cho đến ngày nay. Cái tên khóm Cầu Đúc được hình thành do lúc đó ở địa phương có cây cầu đúc bằng xi măng bắc ngang sông Cái Lớn tại xã Hỏa Tiến, bà con mang khóm ra đó để bán. Thương lái từ khắp nơi đến tập kết tại Cầu Đúc để mua khóm và cái tên “ Khóm Cầu Đúc” được hình thành.

Gió xuân nhè nhẹ, tôi khăn gói lên đường thăm lại vùng khóm ngày xưa. Một cảm giác lâng lâng khó tả, kèm theo hương vị mùa khóm tết làm cho bao kỷ niệm ùa về. Đường làng giờ đầy xe máy, khác với 9-10 năm trước, lầy lội và ngăn cách. Ngày ấy, ông tôi còn khỏe lắm. Cứ mỗi chiều, ông và cha tôi bàn tính chuyện “khóm lớ”.

Ông luôn dặn: “Phải bám rẫy khóm để con cháu sau này bớt cực nhọc”. Lời dạy bảo ấy như một động lực thôi thúc cha tôi gắng sức với cây khóm, nuôi dưỡng đàn con và không phụ lòng ông tôi. Tết này, tôi về chúc thọ ông, thấy ông khỏe mạnh, minh mẫn, lòng tôi mừng thầm. Sinh ra trong hòa bình và lớn lên trong những chật vật khó khăn, tôi thật sự chưa biết rõ về cây khóm. “Nội ơi, khóm ở rẫy mình trồng hồi nào hả nội?”, “Lâu lắm rồi con, đâu từ 9 năm chống Pháp gì đó”. “Vậy xứ mình lúc đó trồng khóm nhiều không nội?”…

Như khơi lại những gì trong quá khứ. Nội tôi kể liền một mạch: “Xứ mình trồng khóm cũng lâu lắm rồi, hồi đó khóm có ở xứ Cầu Đúc (một phần Kiên Giang và Hậu Giang ngày nay); xứ mình đất phèn, chua, người ta xin con khóm về trồng thử, thấy bén rễ, xanh tốt nên cả xóm cùng nhau phát cỏ năn, lên liếp trồng khóm. Cha, chú, rồi mấy bác tụi bây lớn lên, có người đi làm việc chỗ này chỗ nọ cũng là nhờ khóm không đó…”. Thật vậy, những rẫy khóm bạt ngàn ở vùng Cầu Đúc và một phần của Long Mỹ ngày nay là “bầu sữa” nuôi lớn bao thế hệ. Có đến cả trăm người con của xứ khóm thi đỗ đại học và có việc làm ổn định. Tháng chạp, dọc con đường làng, nhà nào cũng có khóm tết. Tết này, ông Hai Nam (Bùi Văn Nam) có một thiên rưỡi khóm, thừa sức để vui mấy ngày xuân. Trong căn nhà tường kiên cố, nền gạch bông bóng loáng, ông nói: “Bà con xứ mình có gần 300ha khóm, nhưng nhà nào cũng khá, thiệt là có phúc. Điểm lại cho kỹ, thì nhà tui, nhà Hai Hữu, Út Hòa, Năm Hương… và gần hết cái xóm này thi nhau cất nhà tường cũng từ “vị ngọt” của khóm chớ đâu”.

Vun bồi “danh phận”

Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen (Nữ Hoàng). Nét riêng của giống khóm này là trái có hình dáng thanh nhã, cuống ngắn, lõi nhỏ, thịt màu vàng sậm, ít xơ, ăn giòn và ngọt. Đặc biệt, trái khóm Cầu Đúc có thể để khoảng 10-15 ngày không bị thối. Cây khóm Cầu Đúc cao trên 1m, trọng lượng trung bình 1,5-2kg/trái. Gần đây, trong các đề tài nghiên cứu khoa học của tỉnh đề cập đến việc nhân giống khóm sạch bệnh và trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP - một hướng đi mới cho người trồng khóm, cụ thể hóa chủ trương hội nhập. Mô hình thí điểm khóm sạch bệnh và khóm VietGAP được trồng tại xã Hỏa Tiến (Vị Thanh) và Vĩnh Viễn A (Long Mỹ). Một triệu cây giống đã được bà con nhận, trồng hết và sắp tới đây tỉnh sẽ bổ sung thêm 1,5 triệu cây giống. Sự hưởng ứng của bà con cho thấy “phận” khóm Hậu Giang sẽ được đổi đời. 

Đầu năm 2018, nhiều người dân ở vùng khóm Hỏa Tiến vui mừng khi hợp tác xã (HTX) trồng khóm ở đây vừa xây dựng được trụ sở để giao dịch bán buôn khóm. Được biết, tỉnh Hậu Giang đã dành khoảng 300 triệu đồng để xây dựng trụ sở, tạo điều kiện cho người dân vùng trồng khóm giao thương. Giám đốc HTX Thạnh Thắng Vu Suổi báo tin vui: “Giá khóm đang ở mức cao 4.500 đồng/kg. Với 75 xã viên trồng 160ha khóm đã có cái tết tươm tất. Cùng với việc nông dân đang quyết liệt áp dụng trồng theo chuẩn VietGAP, vùng khóm Cầu Đúc đang tạo ra điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn”. 

“Nhiều doanh nghiệp từ Hàn Quốc đã đến tìm hiểu vùng nguyên liệu khóm Cầu Đúc, chúng tôi đang cùng người dân “o bế” trồng đúng quy trình kỹ thuật để giúp gần 2.000ha khóm Cầu Đúc có thể xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Đây là điều nằm trong tầm tay”, ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết.

Tạm rời vùng phèn mặn, trên xe tôi chở nhiều khóm ngọt. Chợt nhớ hôm có dịp cùng anh Bảy Chánh (Trần Công Chánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang) trở lại thăm rừng U Minh Thượng, cô Lam ở Liên đoàn Lao động tỉnh Hậu Giang đã ngân nga bài vọng cổ Khóm ngọt của soạn giả Ngô Hồng Khanh và nhận được sự đồng cảm của nhiều cán bộ ở Kiên Giang. Cầu Đúc là địa danh giáp ranh giữa Hậu Giang và Kiên Giang. Giọng hát cô Lam như gửi gắm nhiều tâm sự: “Qua Vàm Nước Trong, anh chèo sang sông Nước Đục. Em qua Cầu Đúc có nhớ chuyến đò xưa? Hỏa Lựu chiều nay lất phất cơn mưa. Anh chèo ghe khóm… Qua Vàm Nước Trong, tôi chèo sang sông Nước Đục. Vẫn ngọt lịm tình đời qua trong đục, đục trong. Hậu Giang ơi! Dòng đời tôi đó”.


Related news

nhung-dich-benh-hai-can-chu-y-trong-tuan-tu-27-2-5-3 Những dịch bệnh hại cần… nghe-nhan-che-bup-tim Nghệ nhân chè búp tím